Sống Tin Mừng với Mẹ Tháng 02-2015

CỨ LÀM THEO

SỐNG TIN MỪNG VỚI MẸ MARIA

NỘI SAN SỐ THÁNG 02/2015

MẸ MARIA

Trong Cộng Đoàn Tu Trì

Mục Lục

Ý CẦU NGUYỆN

MẸ MARIA

TRONG CỘNG ĐOÀN tu trì

LƯU HÀNH NỘI BỘ


Ý CẦU NGUYỆN

* Ý chung: Cầu cho các tù nhân, nhất là các tù nhân trẻ, có cơ hội để gầy dựng lại cuộc sống đúng nhân phẩm.

* Ý truyền giáo: Cầu cho các cặp vợ chồng đã ly thân được các cộng đoàn Kitô hữu đón nhận và giúp đỡ.

GIÁO HUẤN

“Tôi tin tưởng ngỏ lời cách riêng với những người nam nữ tận hiến: Các con hãy sống trọn cuộc hiến dâng cho Thiên Chúa, để cho thế giới này đừng mất đi một tia sáng chiếu ngời vẻ đẹp của Thiên Chúa trên đường đời của nhân loại. Những Kitô hữu, chìm ngập trong những bận rộn và lo âu của thế gian này nhưng vẫn được mời gọi nên thánh, đang cần thấy được nơi các con những trái tim thanh khiết đang ‘nhìn thấy’ Thiên Chúa trong đức tin, những con người ngoan ngoãn để Thánh Thần hướng dẫn, vui vẻ tiến bước, trung thành với đặc sủng của ơn gọi và sứ mạng của mình.”

Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II
(Trích Tông huấn Đời sống Thánh hiến, số 109)

GIỜ KINH GIA ĐÌNH

Có thể dùng nội san CỨ LÀM THEO với Giờ Kinh Gia Đình

Gia đình có thể cầu nguyện vào giờ thuận tiện. Chọn 1 trong 2 mẫu dưới đây hoặc 1 mẫu khác tương tự:

MẪU 1

1. Dấu Thánh Giá

2. Đọc kinh (hoặc hát xin ơn) Chúa Thánh Thần
3. Đọc kinh: Tin – Cậy – Mến

4. Thinh lặng xét mình, rồi đọc kinh Ăn Năn Tội

5. Đọc Tin Mừng theo ngày

6. Suy niệm và cầu nguyện với CỨ LÀM THEO

7. Đọc kinh Lạy Nữ Vương

8. Hát một bài về Đức Mẹ.

MẪU 2

1. Dấu Thánh Giá

2. Đọc kinh (hoặc hát xin ơn) Chúa Thánh Thần

3. Thinh lặng xét mình, rồi đọc kinh Cáo Mình

4. Đọc Tin Mừng theo ngày

5. Suy niệm và cầu nguyện với CỨ LÀM THEO

6. Đọc 1 kinh hoặc hát 1 bài về Đức Mẹ.

Có thể lần hạt 1 chục theo gợi ý, hoặc 2 chục…
5 chục tuỳ điều kiện và thời gian của mỗi gia đình.

THƯ CỦA ĐẶC TRÁCH

Gia đình là một cộng đoàn. Gia đình là Giáo Hội tại gia. Cộng đoàn tu trì cũng là một gia đình. Mẹ Maria là khuôn mẫu cho tất cả các gia đình.

Mẹ là người nghèo. Cả cuộc đời, Mẹ sống nghèo. Như thế, Mẹ là mẫu gương cho những ai muốn sống nghèo theo tinh thần Tin Mừng.

Mẹ là người trinh khiết vẹn tuyền: Trinh khiết trước khi sinh, trong khi sinh và sau khi sinh Chúa Giêsu. Như thế, Mẹ là mẫu gương cho những ai muốn sống đời khiết tịnh theo tinh thần Tin Mừng.

Mẹ là người vâng phục Thiên Chúa hoàn toàn. Trong mọi chuyện và mọi lúc, Mẹ hằng vâng phục thánh ý Thiên Chúa. Như thế, Mẹ là mẫu gương cho những ai muốn sống vâng theo ý Chúa theo tinh thần Tin Mừng.

Người sống trong cộng đoàn, nhất là tu trì, cần được Mẹ Maria hiện diện trong cộng đoàn đó để Mẹ là khuôn mẫu sống động cho mỗi người bắt chước noi theo mà gắng nên thánh mỗi ngày.

Đặc trách
Lm. FX. Trần Kim Ngọc, OP.

Audio Học Kinh Thánh Tháng 01-2015

Ngày 31-01-2015

Ngày 20-01-2015 – Sách Dân Số Chương 3

Ngày 19-01-2015 – Sách Lêvi Chương 25-hết, Sách Dân Số Chương 1-2

Ngày 17-01-2015 – Giải đáp thắc mắc

Ngày 16-01-2015 – Sách Lêvi Chương 24

Ngày 15-01-2015 – Sách Lêvi Chương 21

Ngày 14-01-2015 – Sách Lêvi Chương 15 câu 19

Ngày 13-01-2015 – Sách Lêvi Chương 11

Ngày 12-01-2015 – Sách Lêvi Chương 6

Ngày 09-01-2015 – Sách Lêvi Chương 1-5

Ngày 08-01-2015 – Sách Xuất Hành Chương 35

Ngày 07-01-2015 – Sách Xuất Hành Chương 32

Ngày 06-01-2015 – Sách Xuất Hành Chương 29-31

Ngày 05-01-2015 – Sách Xuất Hành Chương 23-28

5 Hòn Sỏi

Cha Jozo Zovko luôn so sánh những Sứ Điệp căn bản của Đức Mẹ Hồng Phúc với những khí giới mạnh mẽ chống lại kẻ thù. Cha giải thích : “Như cậu Đavít chiến thắng tên khổng lồ Gô-li-át bằng cái ná và 5 viên sỏi, cũng một cách như vậy, chúng ta có thể đánh bại Satan bằng cách sống 5 Sứ Điệp chính yếu của Đức Mẹ.”

Đây là 5 viên sỏi ấy :

  1. Cầu Nguyện
  2. Ăn Chay
  3. Thánh Kinh
  4. Xưng Tội
  5. Thánh Lễ

CẦU NGUYỆN

Cầu Nguyện-Ăn Chay-Thánh Kinh-Xưng Tội-Thánh Lễ

“Trong Thiên Chúa, các con sẽ tìm thấy bình an thật sự nhờ cầu nguyện hàng ngày.”
(SĐ 25-3-2007)

Cha Jozo nói với một nhóm hành hương: “Gia đình anh chị em là một sa mạc. Nó thiếu nước. Anh chị em có nhân quyền, có công ăn việc làm, nhiều người trong anh chị em có tiền nhưng anh chị em không có Phúc Lành của Thiên Chúa. Tại sao có đau khổ như thế trong gia đình anh chị em ? Tại sao không có niềm vui ? Sa mạc này đã xuất hiện khi nào ? Khi anh chị em nói rằng anh chị em không có thời giờ cầu nguyện, ánh sáng bên trong gia đình anh chị em liền bị tắt ngấm !”

Thị nhân Jakov thích chơi bóng đá với các bạn. Khi cậu vẫn còn là một đứa bé, Đức Mẹ bảo cậu đừng bao giờ ngưng cầu nguyện và hãy dâng lên Chúa những lời nguyện ngắn gọn từ trái tim đang khi đi bộ đến trường hay đang chơi với các bạn. Hôm sau, Jakov đang sắp xếp một trận đấu với các bạn. Trước khi bắt đầu chơi, cậu nhớ điều Đức Mẹ đã bảo cậu chiều tối hôm trước nhưng cậu không cảm thấy thích cầu nguyện. Vì cậu rất nôn nóng bắt đầu trận đấu ! Để không làm buồn lòng Đức Mẹ, Jakov làm một sự thỏa hiệp nho nhỏ là đọc vội một Kinh Kính Mừng. Hôm đó, khi Đức Mẹ hiện ra với cậu, Mẹ cho cậu thấy một người đàn ông ở Trung Hoa đang hấp hối. Ông ta là người rất dữ tợn, nhẫn tâm và đang lao đầu xuống hỏa ngục. Nhưng Đức Mẹ nói với Jakov rằng Mẹ rất biết ơn về lời nguyện của cậu trước trận đá banh, mặc dù chỉ là một lời nguyện vội vã nhưng nhờ nó, Mẹ có thể xin cho ông này ơn được thay đổi tâm hồn ngay trước khi chết. Và ông đã được cứu nhờ cậu bé Jakov.

Là người mẹ, Đức Mẹ không ngừng dạy bảo và nhắc nhở cho con cái những điều cần phải có cho phần đời còn lại của họ. Đức Mẹ bảo chúng ta hãy cầu nguyện với trái tim, vì Thiên Chúa nhìn vào trái tim.

ĂN CHAY

Cầu Nguyện-Ăn Chay-Thánh Kinh-Xưng Tội-Thánh Lễ

“Hỡi các con bé nhỏ, người cầu nguyện thì không sợ hãi gì về tương lai và người ăn chay thì không sợ hãi gì về tai họa.”  (SĐ 25-1-2001)

Trong mỗi trường học chúng ta có những bình chữa lửa để dập tắt lửa, và trong mỗi nhà chúng ta đều có thuốc aspirin để chữa nhức đầu. Chay tịnh giống như bình chữa lửa hay viên aspirin. Chúng ta dùng chay tịnh để chống lại sự dữ đang phát triển trong chúng ta, trong gia đình chúng ta, trong xã hội và Giáo Hội chúng ta.

Đức Mẹ bảo : “Nhờ chay tịnh và cầu nguyện, người ta có thể chận đứng các cuộc chiến tranh, người ta có thể đình chỉ các định luật thiên nhiên.”                             (SĐ 21-7-1982)

Chúng ta chưa chú ý đến Sứ Điệp này cho đủ ! Có nghĩa là người ta có thể tránh được những tai họa như trận tuyết lở, động đất và đất chuồi, nếu có ai trong làng bị đe dọa đó ăn chay.

Sơ Emmanuel nói với chúng ta rằng Sứ Điệp này cũng áp dụng cho định luật về thân thể. Sơ thường kể chuyện về một nữ y tá Mỹ. Cô ấy bị sa lầy trong cuộc sống hết sức tội lỗi. Cô ấy có thể đi với bất cứ người đàn ông nào tình cờ gặp trên đường. Mặc dù đã chịu phép rửa tội, nhưng cô ấy không có niềm tin. Cô ấy được học giáo lý lúc còn bé nhưng đã quên hết rồi. Không có Chúa trong đời cô ! Trong nhà thương nơi cô làm việc có một bác sĩ đã đến Mễ Du và đã hoán cải triệt để. Khi ông trở về nhà, ông bắt đầu sống các Sứ Điệp với trọn tấm lòng. Ông nhận thấy người phụ nữ đáng thương ấy cần ông giúp đỡ. Ông quyết định ăn chay để cô được hoán cải. Ông đã ăn chay 4 năm để chỉ cho cô. Một hôm, trong nỗi tuyệt vọng cùng cực, cô đã quyết định tự tử. Là y tá, cô biết chính xác số lượng thuốc đủ để đem đến cái chết. Cô uống thuốc và đi ngủ chờ chết. Nhưng buổi sáng cô thức giấc hoàn toàn khỏe mạnh. Cô không cảm thấy chút nào tác dụng độc hại của thuốc ! Chỉ như thể cô đã uống sữa trước khi đi ngủ vậy thôi. Cô ấy quá kinh ngạc vì thấy mình vẫn còn sống, và một ý nghĩ lập tức thoáng qua đầu cô :

“Có ai đó muốn tôi sống.” Cô nghĩ :

“Có lẽ đó là Thiên Chúa muốn tôi sống chăng?”  Cô suy nghĩ về Thiên Chúa và tự hỏi :

“Tại sao Thiên Chúa muốn tôi sống ?”

Và rồi cô đi đến kết luận :

“Có lẽ Người yêu thương tôi.”

Cô ấy trở về với công việc và cảm thấy thôi thúc phải kể chuyện này cho ông bác sĩ. Chỉ lúc đó ông bác sĩ mới biết hiệu quả của việc ông ăn chay. Nhờ việc ăn chay của ông, Thiên Chúa đã làm phép lạ trong cuộc đời cô y tá. Sau đó, ông nói với cô ta về Thiên Chúa. Trước lúc xảy ra sự cố, cô từ khước mọi điều ông nói về Thiên Chúa. Sau sự cố, trái tim cô mở ra để nghe về Lòng Thương Xót của Chúa. Cô ta ngay lập tức hiểu rằng việc chay tịnh của ông bác sĩ đã ngăn chặn định luật hóa học tự nhiên của thuốc tác hại trong cơ thể cô.

Ông bác sĩ nói với cô :

“Hãy đi Mễ Du đi.”

Cô ta đến Mễ Du và Đức Mẹ đã tỏ cho cô thấy Tình Yêu bao la của Người đối với cô, và còn hiện ra với cô nữa!

Cô không thể nào tin rằng Mẹ Thiên Chúa lại hiện ra với một người nhơ uế như cô. Cô y tá cảm thấy yêu mến Mẹ hết lòng và đã đi xưng tội. Cô xưng thú tất cả tội lỗi và từ ngày đó trở đi cô đã thay đổi đời sống mình. Bây giờ cô là một tông đồ của Đức Mẹ ở Mỹ. Cô nói : “Tôi được sinh ra ở Mễ Du.”

 

Chay tịnh cũng chuẩn bị chúng ta làm việc cho Thiên Chúa và chu toàn Thánh Ý Người. Chẳng hạn hãy suy nghĩ về Chúa Giêsu trong Tin Mừng. Mỗi hoàn cảnh trong cuộc đời của Người cho chúng ta thấy Chúa Cha chuẩn bị chu đáo cho Con của Người đón nhận Thập Giá. Phép Rửa Người chịu bởi tay Gioan (Tẩy Giả) bên bờ sông Yorđan đã đánh dấu việc khai mạc sứ vụ công khai của Người. Thay vì đến với dân chúng ngay, Người đã đi đâu ? Người được Thần Khí đưa vào sa mạc và Người ở lại đó 40 ngày, ăn chay và sống giữa các thú hoang dã. Cuối thời gian này, Satan cám dỗ Chúa Giêsu ba lần, cố làm Người bất tuân phục Thánh Ý Cha. Nhờ việc chay tịnh, Chúa Giêsu được chuẩn bị và có thể thực hiện chương trình của Thiên Chúa về cuộc đời Người. Mọi người, kể cả linh mục, đã được Đức Mẹ giao cho sứ mệnh đặc biệt để ăn chay.

Tôi được vinh dự gặp cha Zdenko, một linh mục dòng Phan Sinh thánh thiện sống ở Siroki Brijeg, gần Mễ Du. Ngài ngủ trên sàn nhà và ăn chay đều đặn. Nhờ lối sống khổ hạnh và tình yêu mến Thiên Chúa liên lỉ, ngài được Chúa ban nhiều ân huệ. Ngài không chỉ được ơn chữa lành mà còn được ơn đọc được linh hồn của người ta nữa. Mặc dù sống chất phác, mộc mạc, ngài trở nên hết sức nổi tiếng, ngài chăm sóc chu đáo cho dân chúng – từ khắp nơi xứ Yugoslavia xưa – đến thăm viếng ngài. Nếu người nào có vấn đề, họ chỉ cần phép lành của ngài mà được khoẻ mạnh hơn hay đôi khi được chữa lành. Ngài được yêu mến vô cùng đến nỗi khi ngài qua đời, hàng ngàn người đến dự Lễ tang của ngài.

Một trong những người bạn dân Croát ở Mễ Du, Ivica Dodig, kể cho tôi câu chuyện sau từ người bà của cô, người là bạn thời thơ ấu của cha Zdenko. Một ngày kia, Đức Chúa phán bảo vị linh mục khiêm nhường này:

“Zdenko, con có chấp nhận ăn chay bánh mì và nước lã trong bảy năm không ?” Ngài trả lời :

“Thưa vâng.”

Thế rồi ngài ăn chay trong bảy năm và vào ngày cuối cùng của năm thứ bảy, Đức Chúa lại phán bảo ngài:

“Zdenko, con có bằng lòng ăn chay thêm một năm nữa không ?”

Một lần nữa ngài thưa: “Vâng.”

Xin hãy đoán ngày tháng cuối cùng của năm thứ tám ?  Đó là ngày 24-6-1981 – ngày tháng của lần hiện ra đầu tiên ở Mễ Du! Không cần phải đưa ra thêm lời giải thích nào nữa. Ai biết được những việc kỳ diệu của Thiên Chúa được chuẩn bị thế nào ? Chỉ khi ở trên trời chúng ta mới khám phá ra những bí mật này. Điều gì hết sức đặc biệt nơi vị linh mục này ? Ngài cầu nguyện và ăn chay với cả tấm lòng, lắng nghe những yêu cầu của Thiên Chúa và làm việc với Ngài ! Và hãy xem bao nhiêu cuộc đời đã được cứu rỗi nhờ ngài ! Chúng ta cũng có thể làm nhiều điều tốt nhờ cầu nguyện và chay tịnh như vậy !

Đức Mẹ cảnh báo chúng ta rằng hòa bình bị đe dọa nghiêm trọng trong những ngày này. Mẹ xin chúng ta hãy trở lại việc chay tịnh và cầu nguyện, và hãy ý thức rằng nhiều sự việc sẽ xảy ra tùy thuộc vào lời cầu nguyện của chúng ta. Bằng cách dạy chúng ta ăn chay, Đức Mẹ trao cho chúng ta chìa khóa để mở ra Trái Tim và Lòng Thương Xót của Thiên Chúa ! Hành vi thương xót mở rộng tâm hồn ta. Không chỉ sẽ ăn chay cho các con mình, cho vợ, chồng hay cho linh mục chánh xứ, nhưng chúng ta còn đang mở rộng tâm hồn mình cho Trái Tim Thiên Chúa.

Chay tịnh khích lệ chúng ta gia tăng lòng khiêm nhường và tha thứ cho nhau. Nhờ cầu nguyện và chay tịnh, Đức Chúa làm mạnh mẽ thêm sự Hiện Diện Thần Linh của Ngài trong chúng ta và Thần Khí uy lực của Ngài đến với tất cả những ai đang gặp khó khăn, thiếu thốn trên khắp thế giới. Chay tịnh giống như sự dẫn dắt vô hình những ai đang đi trong bóng tối, và truyền ánh sáng cũng như niềm vui cho họ. Chay tịnh giúp họ cúi xuống, quì gối và thưa : “Lạy Cha, con xin tạ ơn Cha về quà tặng sự sống và niềm vui sống mà con đã tìm lại được.” Chúng ta sẽ trở nên những đôi tay rộng mở của Thiên Chúa cho những người vô tín đang lang thang trong bóng tối ngày nay.

Luyện Ngục

Chúng ta mở rộng lòng thương xót khi chay tịnh bằng bánh mì và nước lã cho những ai không còn có thể cầu nguyện cho chính họ nữa. Những linh hồn đó đã đi trước chúng ta qua khỏi đời này và giờ đây đang ở trong Luyện Ngục chịu đau khổ hết sức. Nhờ Mẹ Maria, chúng ta hiểu rằng ăn chay là khí cụ rất mạnh mẽ. Ăn chay, cùng với những hy sinh khác, tạo nên sự liên kết tốt đẹp giữa người sống và kẻ chết. Năm 1983, khi nói với các thị nhân liên quan đến các linh hồn nơi Luyện Ngục, Mẹ Maria bảo rằng:

“Những người này đang chờ đợi lời cầu nguyện và những hy sinh của các con.”

Chay tịnh thật sự là cánh cửa đặc biệt mở ra để đón nhận quyền năng của Thiên Chúa. Đó là phương thế cho chúng ta Được Giải Thoát và Được Chữa Lành. Chay tịnh làm nên sự lạ. Nhưng nó bị quên bỏ ở phương tây và những hậu quả của sự mất mát đó thật tai hại ! Những cánh cửa trong Giáo Hội và trên thế giới, đã bị đóng lại trước đây, nhờ sự chay tịnh của các tín hữu trong Giáo Hội, đã được mở ra đón nhận cả kẻ nghịch thù. Nhưng chay tịnh, dường như là Sứ Điệp bị chối bỏ. Đức Mẹ đang nài xin:

“Cách ăn chay tốt nhất là với bánh mì và nước lã. Duy chỉ chay tịnh và cầu nguyện, người ta có thể chận đứng chiến tranh, đình chỉ những định luật thiên nhiên. Việc bác ái không thể thay thế việc ăn chay. Những ai không thể ăn chay, đôi khi có thể thay thế ăn chay bằng cầu nguyện, việc bác ái và xưng tội; nhưng tất cả mọi người, trừ người bệnh, phải ăn chay.  (SĐ 21-7-1982)

“Và ăn chay nghiêm túc vào những ngày thứ Tư và thứ Sáu…”    (SĐ 14-8-1984)

“Để chữa lành người bệnh, rất cần ăn chay bằng bánh mì và nước lã.”    (SĐ 25-7-1982)

“Mẹ cậy nhờ vào các con hãy lập lại việc ăn chay và cầu nguyện trong gia đình các con.”    (SĐ 25-7-1991)

“Mẹ muốn đổi mới sự cầu nguyện với các con và kêu gọi các con hãy ăn chay. Mẹ mong muốn dâng chúng lên cho Chúa Giêsu, Con của Mẹ cho thời gian mới đang đến – thời gian của Mùa Xuân.”    (SĐ 25-10-2000)         

THÁNH KINH

Cầu Nguyện-Ăn Chay-Thánh Kinh-Xưng Tội-Thánh Lễ

     “Hãy đọc Thánh Kinh, sống Thánh Kinh và cầu nguyện để hiểu những dấu chỉ của thời buổi. Đây là thời gian đặc biệt, vì thế, Mẹ ở với các con để đưa các con đến gần Trái Tim Mẹ và Trái Tim Chúa Giêsu, Con của Mẹ. Các con bé nhỏ yêu dấu, Mẹ muốn các con là con của ánh sáng, chứ không phải là con của bóng tối. Vì thế, hãy sống những điều Mẹ dạy bảo các con. Cám ơn các con đã đáp lại lời kêu gọi của Mẹ.”  (SĐ 25-8-1993)

      Ở vùng đất Herzegovina, chế độ CS không tán thành việc các gia đình có sách Thánh Kinh trong nhà. Những tín hữu Croát có được cuốn Thánh Kinh cũng có nghĩa là sở hữu một kho tàng vô giá, nhưng là kho tàng được giấu kín ! Trong thực tế, sự cấm đoán quá gay gắt đến nỗi hầu hết các gia đình phải chôn cuốn Thánh Kinh của họ. Khoảng một vài lần trong năm, hết sức bí mật, họ liều lấy sách Thánh Kinh ra khỏi nơi giấu và đọc vài đoạn cách tôn kính. Thỉnh thoảng, một người biết chữ đã vội vàng viết vài đoạn mà những lời trong đoạn ấy đã nuôi dưỡng họ trong những ngày tháng lâu dài.
Một ngày kia, nhà cầm quyền đòi hỏi những ai có sách Thánh Kinh phải đưa ra cho họ. Những ai từ chối có nguy cơ bị tù tội nếu bị khám phá ra. Những người khác nén khóc khi sách Thánh Kinh của họ bị đốt cháy nơi công cộng giữa những lời báng bổ la hét của những binh lính. Vẫn còn nhóm tín hữu mà bây giờ trong Thánh Lễ Chúa Nhật, họ chỉ còn được nghe Lời Chúa, và đây là điều đã cứu rỗi họ – những bài giảng dài của các cha Dòng Phan Sinh, người biết cách nhỏ giọt Lời Hằng Sống cho những người can đảm tới dự Thánh Lễ. Về phần những người đã cả gan giữ Thánh Kinh cho dù bị cấm đoán, họ nhận thấy trong kho tàng được giấu kín này sự phong phú tột đỉnh, một sự nối kết giữa gia đình họ và những điều thuộc về Thiên Chúa, một di sản siêu phàm giúp họ chịu đựng trong niềm hy vọng. Năm 1981, khi những cuộc hiện ra bắt đầu, chế độ đã kiểm soát chặt chẽ hơn nữa và đây là lúc Nữ Vương Hòa Bình đã gây chấn động lớn:

“Các con yêu dấu, các con đã quên Thánh Kinh rồi ! Hãy đặt Sách Thánh Kinh vào nơi dễ thấy trong nhà các con. Hãy đọc vài đoạn mỗi ngày và đem ra thực hành trong suốt ngày đó. Hãy để cho những ai đến nhà các con có thể thấy Sách Thánh Kinh và đọc những đoạn trong Sách với các con. Bằng cách đó, các con sẽ có thể cùng nhau nói chuyện về Thiên Chúa.” (SĐ 1981)

Chúng ta phải thú nhận là không một ai trong chúng ta, “những người ngoại quốc”, hiểu được tầm quan trọng có tính cách mạng của Sứ Điệp này. Chúng ta không biết về bối cảnh thời đó của Sứ Điệp này ! Cha Jozo Zovko, khi nói về những Sứ Điệp của Đức Mẹ thường lặp lại Sứ Điệp này, lưu ý rằng Đức Mẹ đã lặp lại Sứ Điệp đó 5 lần với ngài. Ngài nói: “Tôi đã từng thấy nhiều bà mẹ khóc than khi con mình chết, nhưng chưa bao giờ tôi thấy Mẹ sầu não như vậy khi Mẹ bảo: “Các con đã quên Thánh Kinh rồi!”

Cha Jozo nói thêm: “Chớ gì người cha trong gia đình đọc một đoạn Thánh Kinh mỗi ngày cho các con trước bữa ăn tối. Khi đọc xong, ông sẽ gấp Sách Thánh Kinh lại và hôn Sách ấy. Vì khi ông hôn Sách Thánh Kinh là ông hôn chính Chúa Giêsu.”

 

Chúa Giêsu là Ngôi Lời sống động. Người là Ngôi Lời, nhờ Người, vạn vật được tạo thành. Người Mẹ Thiên Chúa không phân biệt Chúa Giêsu với Thánh Kinh; Mẹ biết tính đồng nhất của Thiên Chúa. Quên Thánh Kinh là gạt Chúa Giêsu sang một bên, là khinh dể Người. Cũng là để lương tâm chúng ta thẩm thấu những thứ lời khác, thứ lời không cho chúng ta đời sống thần linh, nhưng thường xuyên đầu độc chúng ta.

Người tiếp thu Lời Sự Sống làm cho chính anh ta được phong phú với “kháng thể” biết cách loại ra những Lời Sự Chết được chế tạo nên bởi những ngẫu thần giả tạo…Tiền bạc, sự xuyên tạc, năng lực ý chí, phái thờ Satan, rối loạn tình dục, bạo lực…tất cả những điều này trong các phương tiện truyền thông đại chúng lại được đặt nơi dễ thấy trong gia đình chúng ta ! Tất cả những người khách của chúng ta có thể trông thấy chúng hay đọc và nói về chúng với chúng ta ! Chúng ta đã quên Chúa Giêsu. Chúng ta đã quên Thánh Kinh !

Mỗi người biết rằng họ có một thân thể; họ cảm nhận được nó, chạm vào nó, nó là một thực thể hữu hình; họ chăm sóc nó và bảo dưỡng nó tùy theo họ. Mỗi người biết rằng họ có một trái tim – trái tim nhạy cảm, nhất là khi họ đau khổ; điều đó rất thật, mặc dù không thấy được. […]  Họ cố thỏa mãn trái tim mình (nhưng chỉ được phần nào). Mỗi người chúng ta biết rằng mình có một bộ óc; mình có thể suy nghĩ, so sánh trí thông minh của mình với người khác. Mình cố làm giàu trí óc bằng những kiến thức khác nhau có tính cần thiết hay hấp dẫn.

Nhưng còn linh hồn ? Ai thực sự biết là mình có một linh hồn ? Ai cảm nhận được linh hồn mình ? Ai nhận thức được sự đói khát, những nhu cầu và ước vọng của linh hồn mình ? Ai ý thức được những ước vọng này vô cùng mạnh mẽ hơn, quan trọng hơn rất nhiều so với nhu cầu của thân xác, trí thông minh hay tâm hồn mình? […] Tôi phải ngồi đây năm phút, hai tay ôm đầu, và can đảm tự hỏi câu hỏi thật với lòng mình:

Tôi muốn gì cho cuộc đời tôi ? Bởi vì, tôi quyết định trở thành là người như thế nào ngày nay, thì tôi sẽ là như thế vào cuối cuộc hành trình và cho đến đời đời.

          Sự lựa chọn 1 : Tôi cứ là tôi như hiện giờ. Tôi sẽ sống thu hẹp trong thế giới phù du, hữu hình nhỏ bé  này. Tôi sẽ gắng rút ra từ cuộc sống những giây phút hạnh phúc, rồi khi thời gian và tuổi tác chồng chất, mọi thứ bị lấy đi khỏi tay tôi, ôi… tôi cũng chẳng màng. Tôi xem thế là đủ !

          Sự lựa chọn 2 : Tôi cảm thấy mình lớn hơn cái thế giới nhỏ bé, phù du, cụ thể này. Tôi mong muốn tình yêu vĩnh cửu, chung thủy; và nếu tôi có thể ước muốn điều đó, thì nó phải hiện hữu. Vì thế tôi sẽ tìm kiếm nó, và tôi sẽ tìm thấy nó ! Thánh Kinh là chìa khóa cho sự lựa chọn thứ nhì, sự lựa chọn cuộc sống: bằng Thánh Kinh, tôi sẽ “khám phá được Thiên Chúa” và qua đó, cùng lúc, những chiều sâu của riêng tôi, những chiều kích bí mật của tôi. Tôi sẽ khám phá các bạn của tôi (những kẻ thù của tôi nữa !) và biết tôi được yêu thương nhiều thế nào. Rất khiêm nhường, tôi bắt đầu đọc rảo khắp Quyển Sách huyền bí này, vì tôi đến với Sách đó như một người trong thể xác suy yếu, tầm nhìn và thính lực kém cỏi. Tôi thám hiểm Sách Thánh Kinh với nỗ lực và cả sai lầm, tôi bị tắc nghẽn, đôi khi tôi nản lòng, nhưng đây đó, vâng, một chữ chạm đến tôi, một chữ nuôi dưỡng tôi, một chỗ mới trong căn nhà bí mật của tôi được chiếu sáng ! Ôi, vẻ đẹp thật diệu kỳ mà tôi khám phá được! Và tôi đã không biết…Tôi tiếp tục thám hiểm và tôi khám phá ra hết vẻ đẹp này đến vẻ đẹp khác. Thế rồi sau cùng thì linh hồn tôi bắt đầu sống lại; nó ăn, nó uống, nó hấp thu Manna bởi trời và mở ra hài hòa trong sự hòa hợp với chính nó. Linh hồn tôi bày tỏ chính nó cho tôi. Nó hiện hữu, và đó là linh hồn tôi ! Một mạc khải tuyệt diệu làm sao !

XƯNG TỘI
 

Cầu Nguyện-Ăn Chay-Thánh Kinh-Xưng Tội-Thánh Lễ

“Các con bé nhỏ, chớ gì việc Xưng Tội là hành động ăn năn hối cải trước tiên của các con, và rồi quyết định sống thánh thiện. Chớ gì việc ăn năn, hối cải và quyết tâm sống thánh thiện bắt đầu ngay hôm nay và đừng để đến ngày mai. Các con bé nhỏ, Mẹ kêu gọi tất cả các con đi trên Đường Cứu Độ và Mẹ ước ao chỉ cho các con đường lên Thiên Đàng.” (SĐ 25-11-1998)

Đức Mẹ Hồng Phúc không thay thế linh mục, nhưng như một trợ tá cho linh mục. Thật sự, Mẹ chuẩn bị cho tâm hồn con cái Mẹ để họ có thể xưng tội tốt hơn.

Ở Mễ Du, một số linh mục hành hương không hoàn toàn tin chắc rằng Đức Mẹ thật sự đang hiện ra. Nhưng khi các ngài ngồi tòa giải tội, nghe những điều thầm kín của các tín hữu, các ngài đã hết sức ngạc nhiên chứng kiến ân huệ đã được ban cho họ. Các ngài có thể chạm đến công trình của Đức Mẹ và nhiều người nói rằng các ngài được canh tân trong ân sủng của giới giáo sĩ !

Về phần các tín hữu, vô số bài tường thuật về sự chữa lành tâm hồn và thể xác sau khi họ xưng tội cho nên : nào là ung thư, trầm cảm, nghiện ngập đủ loại, lo âu và bị ám ảnh…v.v… chỉ là một vài thí dụ. Là Người Mẹ, Đức Mẹ dạy chúng ta cách sống các Bí Tích cũng như qua những gương mẫu đáng chú ý và rõ ràng. Marija ưa thích kể chuyện sau đây, vì nó báo hiệu một sự thay đổi sâu xa cho cả làng Mễ Du. Vào tháng tám năm 1981, một mùa hè “nóng bỏng” theo đúng nghĩa của từ đó – không chỉ là gió oi bức, ngột ngạt, mà còn là tính khí nóng nảy của lực lượng dân quân CS !

Không có cách gì làm cho cách thị nhân im lặng, mặc dù họ đã nhận lệnh chính thức là bảo các thị nhân phải khai báo là họ đã không thấy gì, là tất cả chỉ là một chuỗi những lời nói dối, và từ nay trở đi họ phải im lặng. Nhưng các thị nhân không chịu im lặng, nhất là Vicka. Mặc dù cô ấy bị buộc ở nhà và lánh mình đi nhưng cô ấy thường lên mái nhà và la to lên những Sứ Điệp mới nhất của Đức Mẹ bằng một giọng nói lớn nổi tiếng – cô ấy không cần cái loa phóng thanh nào cả ! Không có gì trên thế gian này có thể làm cho Vicka chùn bước trước sứ mạng mà Đức Mẹ đã giao phó cho cô và 5 người kia : “Hãy bảo dân chúng…” Thế là lực lượng dân quân canh gác nhà cô lâm vào thế bí. Cũng có một số người được hoán cải khi tiếng nói của Mẹ xuyên qua cái vỏ bọc đôi khi yếu đuối của trái tim họ. Nhưng những người này nhanh chóng bị điều đi Zagreb hay Sarajevo hay đi tù. Vì các thị nhân không chịu im lặng, lực lượng dân quân quyết định không cho dân chúng lên đồi. Họ giăng dây thừng tại chân đồi Podbrdo để đám đông dân chúng không thể lên đồi dự các cuộc hiện ra hàng ngày. Nhưng Đức Mẹ lại khôn ngoan hơn. Mẹ đã nhìn thấy trước sự việc đó và Mẹ đã sắp xếp lại kế hoạch của Mẹ.

“Ngày mai,” Mẹ nói với các thị nhân: “Mẹ sẽ hiện ra với các con ở cánh đồng Gumno. Hãy nói dân làng đến với các con. Hôm nay, tất cả những ai muốn, có thể đến và chạm vào Mẹ.”

– “Nhưng làm sao họ có thể làm được điều đó ?” Các trẻ thưa với Mẹ: “Nhưng làm sao họ có thể chạm vào Mẹ khi họ không thể thấy được Mẹ ạ ! “Chỉ có chúng con là thấy được Mẹ thôi !”

“Hãy đưa họ qua bên Mẹ, lần lượt từng người một, và với cách đó họ sẽ chạm vào Mẹ được.”

Thật là một tin lạ ! Các thị nhân ngạc nhiên không nói được lời nào, nhưng chúng làm theo lời Mẹ bảo. Dân làng kinh ngạc nhưng vui mừng quá sức và được các thị nhân hướng dẫn, họ đặt tay lên vai Mẹ, trên đầu Mẹ, khăn choàng Mẹ, cánh tay Mẹ. Mỗi người cảm thấy sự hiện diện thật sự của Mẹ, mặc dù họ không thấy cũng không nghe tiếng Mẹ. Một số người cảm thấy ấm áp khi họ chạm đến Mẹ, những người khác cảm thấy lạnh lẽo, hay một cái gì như dòng điện giựt nhưng không thể định rõ được. Mức độ xúc cảm thì hết sức mạnh mẽ, không thể quên được ! Trong khi chứng kiến cảnh tượng khó tin này, các thị nhân thông báo rằng vài vết nhơ đã bắt đầu xuất hiện trên áo của Mẹ Maria. Những dấu vết đó cứ loang ra mỗi lúc nhiều thêm và chẳng bao lâu sau, chiếc áo của Mẹ thật sự ra nhơ bẩn. Khuôn mặt của Đức Mẹ bắt đầu có vẻ buồn. Có một điều gì đó sai lầm chăng!

Điều không bình thường là Đức Mẹ buồn bã và áo choàng của Mẹ đã trở nên dơ bẩn ! Các thị nhân càng lúc càng bối rối, xúc động hơn vì cảnh tượng đó.

– “Mẹ ơi ! Áo Mẹ dơ bẩn hết rồi !”
“Những vết nhơ này là tội lỗi của dân làng đang chạm vào Mẹ đó.” Mẹ khiêm nhường trả lời.

Như mọi đứa trẻ khác, các thị nhân ra oai. Trước hết các em là người Croát và chúng hết lòng yêu quí Nữ Vương của chúng.

– “Xin đừng chạm vào Đức Mẹ nữa ! Xin dừng lại!” Chúng la lên với dân làng.

Thế rồi Mẹ Hồng Phúc bảo chúng về việc mọi người cần phải đi xưng tội. Mẹ giải thích :

– “Không có ai trên trái đất này không cần đi xưng tội ít nhất mỗi tháng một lần.”

Một người đàn ông kêu lên:

“Chúng ta hãy đi xưng tội để thanh tẩy mình.”

Chiều tối hôm đó một biển người tội lỗi chảy vào giáo xứ, một làn sóng người như thủy triều mênh mông !

Cha Jozo tội nghiệp, lúc đó hết sức sửng sốt lại bị chen lấn, đến nỗi ngài phải gọi cho các linh mục bạn ở các giáo xứ gần đó đến giúp ngồi tòa giải tội. Tối đó lòng trắc ẩn, lòng thương xót của trời cao đổ xuống như dòng sông qua ngôi làng. Việc làm đầy ý nghĩa của Đức Mẹ, trong sự đơn sơ đáng ngạc nhiên, đã chạm đến trái tim con cái của Mẹ sâu xa hơn tất cả những bài giảng thuyết dài trên thế giới. Kể từ đó, Mễ Du chưa bao giờ thiếu tội nhân đi tìm ơn tha thứ, và đã nhận một danh hiệu thật xứng đáng : “Mễ Du là Tòa Hòa Giải cho cả thế giới !”

“Hôm nay, Mẹ muốn mời gọi tất cả các con hãy xưng tội, dù các con mới xưng tội cách nay chỉ vài ngày. Mẹ mong ước rằng : tất cả các con đều cảm nghiệm được ngày Lễ của Mẹ trong nội tâm các con. Nhưng các con không thể cảm nghiệm điều ấy, trừ phi các con hoàn toàn phó mình cho Thiên Chúa. Vì thế, Mẹ mời gọi tất cả các con hãy hòa giải với Thiên Chúa.”   (SĐ 24-3-1985)

      “Trong việc xưng tội, các con hãy lìa bỏ tội lỗi và quyết chọn thánh thiện. Hãy thực hiện điều này vì yêu mến Chúa Giêsu là Đấng đã Cứu Chuộc tất cả các con bằng Máu Thánh của Người, để các con được hạnh phúc và sống trong bình an. Hỡi các con bé nhỏ, đừng quên rằng : tự do của các con cũng là sự yếu đuối của các con! Vì thế, hãy nghiêm túc thi hành các Sứ Điệp của Mẹ.”    (SĐ 25-2-2007)

    “Các con không thể thực hiện hòa bình, nếu các con không sống bình an với Chúa Giêsu. Vì thế, Mẹ mời gọi các con hãy đến với Bí Tích Hòa Giải, như vậy Chúa Giêsu sẽ là Sự Thật và Bình An của các con.”   (SĐ 25-1-1995)

 THÁNH LỄ

Cầu Nguyện-Ăn Chay-Thánh Kinh-Xưng Tội-Thánh Lễ

    “Các con thân yêu ! Mẹ muốn kêu gọi các con sống Thánh Lễ. Nhiều người trong các con đã nhận thức được sự cao sang của Thánh Lễ, nhưng lại có những người tới dự Thánh Lễ một cách miễn cưỡng. Hỡi các con yêu quí, Mẹ đã chọn các con, nhưng Chúa Giêsu ban cho các con muôn ân sủng của Ngài trong Thánh Lễ. Bởi vậy, hãy sống Thánh Lễ một cách ý thức và hãy làm cho mỗi lần đến dâng Thánh Lễ là một niềm vui. Hãy đến đó với tình yêu và làm cho Thánh Lễ trở nên thiết thân với mình. Cám ơn các con đã đáp lại lời kêu gọi của Mẹ.”   (SĐ 3-4-1986)

Năm 1983, Đức Mẹ bảo các thị nhân nếu phải chọn dự buổi Đức Mẹ hiện ra hay đi dự Thánh Lễ, thì các em nên chọn đi dự Thánh Lễ ! Tại sao à ? Đức Mẹ không đến Mễ Du vì Mẹ, đúng hơn là để giới thiệu Chúa Giêsu.

        “Các con của Mẹ ! Mẹ ước mong Thánh Lễ là quà tặng trong ngày cho các con. Hãy tham dự và mong mỏi Thánh Lễ bắt đầu ! Chúa Giêsu hiến mình cho các con trong Thánh Lễ. Vì vậy, hãy trông đợi đến lúc các con được thanh tẩy. Hãy cầu nguyện thật nhiều, để Chúa Thánh Thần đổi mới giáo xứ các con. Nếu người ta dự Thánh Lễ cách thờ ơ, họ sẽ trở về nhà nguội lạnh và với một trái tim trống rỗng.”    (SĐ 30-3-1984)

 “Các con của Mẹ, hãy cầu nguyện ! Mẹ nhắc lại: hãy cầu nguyện ! Rồi Mẹ sẽ còn nhắc lại nữa. Đừng nghĩ rằng Chúa Giêsu sẽ tỏ mình ra lần nữa trong máng cỏ ! Các bạn ơi, Người được sinh ra lại trong lòng các bạn!”      (SĐ 8-1-1984)

       “Thánh Lễ phải là trung tâm cuộc sống của các con. Ngay cả việc bác ái cũng không thể thay thế Thánh Lễ. Nếu các con cần đi thăm bệnh nhân hay giúp người già cả, hãy đi dự Thánh Lễ để đón nhận Lòng Nhân Ái từ Thần Khí, rồi các con sẽ trao Lòng Nhân Ái ấy cho người nghèo.” (Marija, đang nói về Sứ Điệp cho người hành hương.

“Các con đã không cử hành Bí Tích Thánh Thể đúng như các con phải làm. Nếu biết được ơn ích nào, quà tặng nào mình nhận được (từ Bí tích ấy), các con sẽ phải chuẩn bị mình cho Bí Tích ấy mỗi ngày, ít nhất là một giờ. Nhưng, các con yêu dấu, khi các con dự Lễ, các con không ý thức gì cả !”   (Mirjana 1985)

“Nếu hoàn cảnh cho phép các con, Mẹ mong là các con dự Lễ hàng ngày.”  (qua nhóm cầu nguyện)

“Thánh Lễ là đặc ân lớn lao nhất được ban cho loài người trong cuộc sống trên trần gian.” (qua nhóm cầu nguyện)

 “Thánh Lễ là lời cầu nguyện cao trọng nhất, đó là thời gian thánh thiêng nhất của cuộc đời các con !”

“Hãy đến nhà thờ để chính mình được gặp gỡ Thiên Chúa. Những ai đến nhà thờ chỉ vì thói quen hay để gặp bạn bè là những người vô tín.”  (qua Mirjana 1982)

           Đức Mẹ cũng bày tỏ ước muốn của Mẹ là mỗi giáo xứ trên thế giới hãy có giờ chầu liên lỉ.

 Đức Mẹ bảo : “Hãy thờ lạy Người, hỡi các con bé nhỏ, trong giáo xứ các con và như thế, các con sẽ được kết hiệp với toàn thế giới.”   (SĐ 25-9-1995)

 “Hãy tôn thờ Con của Mẹ ! Mẹ luôn luôn hiện diện khi các tín hữu tôn thờ Thánh Thể. Họ sẽ nhận được những ân sủng đặc biệt.”  (qua nhóm cầu nguyện)

           Ở Mễ Du, trong chế độ CS, Thánh Lễ chỉ được cử hành buổi sáng sớm. Khi Đức Mẹ đến, Mẹ yêu cầu Thánh Lễ phải luôn được cử hành vào buổi chiều tối và được dâng cách đặc biệt cho hòa bình. Mẹ ban những lời dạy bảo chính xác : Trước mỗi Thánh Lễ nên hát bài thánh ca dâng Chúa Thánh Thần và kết Lễ với Bài Ca Ngợi Khen (Magnificat) hay bài thánh ca tạ ơn. Đức Mẹ cũng yêu cầu tín hữu ở lại cầu nguyện ít nhất 10 phút sau khi Rước Lễ. Đây là lý do ở nhà thờ thánh Giacôbê, các cha dòng bắt đầu kinh nguyện Phan Sinh truyền thống là 7 Kinh Lạy Cha, 7 kinh Kính Mừng và 7 Kinh Sáng Danh trước khi ban Phép Lành cuối Lễ.

Đức Mẹ nói : “Các con yêu dấu, nếu các con đến Nhà Thờ sớm hơn một chút để chuẩn bị tâm hồn cho Chúa Giêsu và ở lại lâu hơn sau Thánh Lễ để cám ơn cho xứng hợp, thì Thiên Chúa có thể làm nhiều phép lạ hơn nữa trong cuộc đời các con và các con sẽ ít bị đau ốm hơn !”

Đức Mẹ khuyên là sau mỗi Thánh Lễ nên có lời cầu nguyện cho người bệnh và một tháng một lần, một Thánh Lễ đặc biệt được cử hành cho người bệnh.

Mẹ yêu cầu Giáo Xứ Mễ Du mỗi thứ Năm sau Thánh Lễ đọc Tin Mừng theo Thánh Matthêu 6, 24.

“Các con không thể phục vụ hai chủ”, Mẹ cảnh báo cho người tín hữu về sự nguy hiểm sắp tới liên quan đến tiền bạc trong làng. Những lời dạy bảo khác của Mẹ Hồng Phúc có thể được tìm thấy trong các sách Sứ Điệp.

Trở về quê nhà, một số mục tử đã sắp xếp trong giáo xứ các ngài chương trình chiều tối giống như ở Mễ Du. Hầu hết các ngài cảm nghiệm những phúc lành đặc biệt và hoa trái giữa sự gia tăng tốt đẹp về ơn gọi linh mục.
**************************
Maria Hoàng Lan chuyển ngữ

         Ngày 16-6-2012
Lễ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Đức Mẹ

(Nguồn : childrenofmedjugorje.com)

Sống đẹp lòng Chúa

Với lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa, chúng ta chấm dứt Mùa Giáng Sinh và bắt đầu Mùa Thường Niên I, chu kỳ năm B, kéo dài đến Chúa Nhật VII, rồi bước vào Mùa Chay Thánh với Thứ Tư Lễ Tro.

Bài Đọc I trích trong Isaia (42, 1-4, 6-7; có thể chọn đoạn 55, 1-11), nói đến ‘Người được Thiên Chúa tuyển chọn và làm đẹp lòng Chúa trong mọi sự’. Bài Đọc II trích trong Sách Công Vụ Tông Đồ (10, 34-38; cũng có thể chọn 1Gioan 5, 1-9) nói đến việc Chúa Giêsu được Thiên Chúa xức Dầu Thánh, được đầy Chúa Thánh Thần và ra đi rao giảng. Bài Phúc Âm (Matcô 1, 7-11) ghi lại việc Chúa Giêsu đến để chịu Phép Rửa của Thánh Gioan, và khi Ngài chịu xong, Chúa Thánh Thần tràn ngập trên Ngài, có tiếng từ Trời cao nói: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con.”

Lúc đó là vào khoảng năm 30 (Luca 3, 23), Thánh Gioan Tẩy Giả đang ban Phép Rửa thống hối tại sông Giodan (Gioan 1,28) (chỗ gọi là Bêtania phía đông sông Giodan; nơi này khác với làng Bêtania là quê hương của ba chị em Matta, Maria va Ladarô). Thánh Gioan kêu gọi mọi người đến chịu Phép Rửa để tỏ dấu ăn năn tội lỗi và sửa lại cuộc sống, đón chờ Chúa Cứu Thế đến. Chúa Giêsu cũng đến nhận Phép Rửa của Thánh Gioan. Dịp này, Ngài được Đức Chúa Cha chính thức giới thiệu Ngài là Đấng ‘Thiên Sai’ và Chúa Thánh Thần xuống tràn ngập trên Ngài. Từ nay Chúa Giêsu từ bỏ cuộc sống 30 năm ẩn dật ở Nagiaret để bắt đầu cuộc sống công khai ra đi rao giảng.

Phép Rửa Thánh Gioan ban chỉ là một ‘phép rửa bằng nước’ để tỏ lòng sám hối tội lỗi. Còn Bí Tích Rửa tội là một trong bảy phép Bí Tích, là ‘phép Rửa Tội trong Chúa Thánh Thần và lửa!’ (Matthêu 3, 11). Khi chúng ta chịu Phép Rửa Tội là chúng ta được tha tội nguyên tổ (tội tổ tông truyền) và các tội riêng chúng ta đã phạm (khi chúng ta chịu vào tuổi đã khôn lớn). Lúc đó chúng ta được ‘chết đi với Chúa Kitô, từ bỏ đời sống tội lỗi và sống lại thật với Chúa Kitô, trở nên trong sạch xứng đáng là con Chúa , và chính thức gia nhập gia đình Giáo Hội Chúa, bắt đầu một cuộc sống mới trong Chúa Thánh Thần, trở nên một chi thể trong Thân Thể Mầu Nhiệm của Chúa Kitô và cùng góp phần vào việc làm tăng trưởng gia đình Giáo Hội qua cuộc sống làm chứng cho Chúa” (Theo Sách Giáo Lý). Vì thế, Bí Tích Rửa Tội khởi đầu cuộc sống Kitô hữu (Bí Tích khai tâm), chỉ sau khi chịu phép Rửa Tội, chúng ta mới được chịu các phép Bí Tích khác. Bí Tích Rửa Tội ghi dấu thiêng liêng vào linh hồn chúng ta, không bao giờ mất, nên chỉ được chịu một lần (cũng như Bí Tích Thêm Sức và Bí Tích Truyền Chức Thánh).

Mừng Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa là dịp để mọi người chúng ta nhớ lại phép Rửa tội chúng ta đã được lãnh nhận, để tạ ơn Chúa và cầu xin cho mọi người chúng ta luôn cố gắng sống xứng đáng con cái Chúa trong gia đình Giáo Hội và luôn sống làm chứng cho Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống hàng ngày.

Chúng ta nên nhớ: vào cuối nghi thức Rửa Tội, vị chủ sự trao cho người vừa được rửa tội Tấm Áo Trắng (tượng trưng tâm hồn trong sạch qua Bí Tích Rửa Tội) và Cây Nến cháy sáng đốt từ ngọn lửa của Cây Nến Phục Sinh (tượng trưng Ánh Sáng Chúa Kitô). Khi trao Tấm Áo Trắng, vị chủ sự nói: “Con đã trở nên một tạo vật mới và đã mặc lấy Chúa Kitô. Vậy con hãy lãnh nhận áo trắng này, con hãy mang lấy và gìn giữ nó tinh tuyền cho đến ngày ra trước tòa Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, để được sống muôn đời.” Khi trao Cây Nến Sáng, vị chủ sự nói với chúng ta: “Con đã trở nên ánh sáng Chúa Kitô, con hãy luôn luôn sống như con cái Sự Sáng, để được bền vững trong Đức Tin. Khi Chúa Kitô ngự đến, con sẽ xứng đáng ra nghênh đón Người cùng với toàn thể các Thánh trên trời.”

Trong nghi thức rửa tội trẻ em, vị chủ sự trao áo trắng và nói: “Con đã trở nên một tạo vật mới, và đã mặc lấy Chúa Kitô, chiếc áo này là dấu chỉ tước vị của con. Nhờ lời chỉ bảo và gương lành của thân nhân giúp đỡ, con hãy mang nó tinh tuyền mãi cho đến cõi trường sinh.” Và khi trao Nến Sáng (qua cha mẹ đỡ đầu), vị chủ sự nói : Anh chị em thân mến, là những bậc làm cha mẹ và cha mẹ đỡ đầu, ánh sáng này được trao phó cho anh chị em chăm sóc, tức là lo lắng cho những em được Chúa Ktô soi sáng, luôn sống như con cái sự sáng và bền vững trong Đức Tin. Nhờ đó, khi Chúa đến, các em sẽ được ra nghênh đón Người với toàn thể các Thánh trên trời.” Điều này nhắc nhở trọng trách của các bậc cha mẹ trong việc giáo dục đức tin cho con cái khi các em lớn lên; đồng thời cũng nhắc nhở trách nhiệm của các cha mẹ đỡ đầu. Thật là một vinh dự khi được mời làm cha mẹ đỡ đầu, nhưng đó cũng là một trọng trách mà cha mẹ đỡ đầu phải lo chu toàn trước mặt Chúa. Chúng ta phải ý thức bổn phận này khi chúng ta được mời để đỡ đầu cho các tân tòng hay các em nhỏ khi lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội.

Kết thúc Bí Tích rửa Tội, trước khi lãnh nhận phép lành, chúng ta cùng nhau đọc Kinh Lạy Cha, để nhắc nhở chúng ta, qua Bí Tích rửa Tội, chúng ta được vinh dự có Chúa là Cha, và chúng ta đều là anh em với nhau trong gia đình Giáo Hội. Xin cho chúng ta luôn hết lòng phụng sự Chúa và yêu thương lẫn nhau để cùng nhau loan truyền cho mọi người nhận biết Chúa là Cha, và chung tay xây dựng tình yêu thương trong gia đình nhân loại.

Lm Anphong Trần Đức Phương

Sức mạnh cứu rỗi của tràng chuỗi Mân Côi

.. Trích sử liệu cuộc đời thánh Giuseppe Cafasso, người Ý.
Vào một sáng tinh sương, thánh Giuseppe Cafasso ra khỏi nhà thật sớm. Đường phố Torino, Bắc Ý, vắng lặng trống trơn. Bỗng thánh nhân gặp một cụ bà, ăn mặc nghèo nàn, dáng điệu lòm khòm, vừa đi vừa chậm rãi lần hạt Mân Côi. Ngạc nhiên, thánh nhân cất tiếng hỏi:

– “Có chuyện gì vội mà cụ phải ra khỏi nhà sớm thế?”. Bà cụ trả lời:
– Ô, thưa ngài, con đi dọn sạch các đường phố.

Không hiểu, thánh Giuseppe Cafasso hỏi lại:

– “Dọn sạch các đường phố? Cụ ngụ ý nói gì thế?”. Bà cụ thong thả đáp:
– Cha không thấy sao? Đêm vừa qua, diễn ra cuộc vui chơi trá hình (‘carnavale’) và dân chúng phạm không biết bao nhiêu thứ tội. Vì thế, giờ đây, con muốn đi trở lại tất cả các nẻo đường ghi dấu vết tội lỗi, vừa đi vừa lần hạt Mân Côi. Các lời kinh ‘Kính Mừng Maria’ sẽ trở thành hương thơm ngào ngạt tỏa ra thấm vào các nơi chốn tội lỗi!.

Thật vậy, lời Kinh Mân Côi có sức mạnh tẩy luyện linh hồn khỏi các vết nhơ tội lỗi và ướp đượm ơn lành. Kinh Mân Côi cứu thoát các linh hồn. Thánh Massimiliano-Maria Kolbe từng nói: “Bao nhiêu tràng chuỗi Mân Côi là bấy nhiêu linh hồn được cứu rỗi!”. Kinh Mân Côi mang lại sự lành cho tất cả mọi người: từ kẻ tội lỗi đến người tốt lành cũng như các bậc thánh nhân.

Khi được hỏi ý kiến phải chọn lời kinh nào, thánh Filippo Neri không do dự trả lời ngay: “Hãy lần hạt Mân Côi và lần hạt nhiều bao nhiêu có thể”. Đức Giáo Hoàng Phaolo VI cũng quả quyết rằng: “Tràng Kinh Mân côi là tràng xích cứu rỗi, rơi từ đôi tay chí thánh của Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ con người và của Đức Maria, Hiền Mẫu Ngài. Tràng chuỗi Mân Côi tuôn đổ xuống trên chúng ta muôn vạn ơn lành. Và cũng từ tràng chuỗi Mân Côi, chúng ta dâng lên Các Ngài mọi ước muốn cùng trọn niềm hy vọng của chúng ta”.

Tràng chuỗi Mân Côi còn có sức mạnh lớn lao cứu thoát các Linh Hồn nơi Lửa Luyện Ngục. Thánh Alfonso de Liguori nhắn nhủ con cái ngài rằng: “Nếu muốn cứu giúp các linh hồn nơi Luyện Hình, hãy lần hạt Mân Côi cầu nguyện cho các vị ấy”. Thánh Pio da Pietrelcina, mỗi lần trao tặng ai tràng chuỗi Mân Côi, ngài thường nói: “Hãy đưa các Linh Hồn ra khỏi Luyện Ngục bằng việc lần hạt Mân Côi kính Đức Mẹ”.. Vị thánh người Ý có lòng nhiệt thành an ủi các Linh Hồn nơi Lửa Luyện Tội bằng tràng kinh Mân Côi là thánh Pompilio Pirrotti. Thánh nhân được đặc ân lần hạt hạt chung với các đẳng Linh Hồn. Các đẳng Linh Hồn thưa lớn tiếng lời kinh Kính Mừng Maria với giọng trầm tĩnh và an bình, suốt trong buổi lần hạt Mân Côi chung với thánh Pompilio Pirrotti.

Chị Lucia dos Santos, một trong ba trẻ mục đồng Fatima còn sống và là nữ tu dòng Kín Cát-Minh cũng nhấn mạnh: “Kể từ khi Đức Trinh Nữ Rất Thánh Maria ban cho Tràng Kinh Mân Côi có một hiệu lực mênh mông, không còn vấn đề nào thuộc bất cứ phạm vi tinh thần hay vật chất, quốc gia hay quốc tế, mà lại không giải quyết được với Kinh Mân Côi và với những hy sinh quảng đại của chúng ta”.

Kinh Mân Côi và Trái Tim Vẹn Sạch Đức Maria (Khiết Tâm Đức Mẹ) sẽ ghi dấu chứng chiến thắng sau cùng của Nước Thiên Chúa nơi thời đại chúng ta đang sống.

Lòng hâm mộ lần hạt Mân Côi và lòng sùng kính Khiết Tâm Đức Mẹ là những bảo chứng chắc chắn cho ơn cứu rỗi loài người. Chính Đức Mẹ đã hứa với chị Lucia dos Santos rằng: “Những ai siêng năng lần hạt Mân Côi và yêu mến Trái Tim Vẹn Sạch Mẹ, sẽ được Thiên Chúa yêu dấu cách riêng và sẽ trở thành bông hoa được Mẹ kết lại và dâng lên trước tòa Chúa”.

(P. Stefano Maria Manelli, “MAGGIO, mese di MARIA”, Casa Mariana Editrice, 1999, trang 192-197).
***************************************************************************

Soeur Jean Berchmans Minh Nguyệt

Đi trên đường đời

Khi tôi học lái xe, tôi không ý thức được những điều tôi sắp viết. Lúc ấy, tâm trí tôi chỉ tập trung tất cả vào những lời hướng dẫn của người bạn dạy lái ngồi bên cạnh. Rồi sau đó, mười mấy năm trời, tôi lái xe, đi học, đi làm, đi lo công chuyện, đi chơi…, mà không suy nghĩ gì hết. Thì lái xe là… lái xe, suy nghĩ cái gì nữa .

Thế nhưng gần đây, một người bạn từ Việt Nam mới sang Mĩ; nhờ tôi dạy lái xe. Trong khi ngồi bên cạnh anh bạn, giảng giải về luật đi đường và cách lái xé, tôi chợt nhận ra một vài điều vô cùng quan trọng. Quan trọng không những cho việc lái xe, mà nhất là quan trọng cho tôi khi tiến bước trên đường đời.

Điều khiến tôi quan tâm hơn cả là cái thắng. Trước đây tôi vẫn cứ tưởng trong chiếc xe, cơ phận quan trọng hơn hết là bộ máy. Không có bộ máy, hay bộ máy hỏng, chiếc xe không còn chạy được, nó sẽ không còn đáng gọi là ”xe”, vì không còn chức năng giúp người ta di chuyển nữa. Bộ máy thật quan trọng, điều ấy dĩ nhiên là đúng, nhưng cái thắng lại quan trọng hơn. Để tôi nói cho bạn nghe nhé: nếu chiếc xe thiếu bộ máy, hay bộ máy hỏng, chiếc xe không chạy được, và người định lái nó sẽ phải ngồi ở nhà, không thể tới được nơi định tới. Nhưng nếu chiếc xe có bộ máy tốt, chạy nhanh, mà xe không có thắng, hoặc thắng bị hư, thì người đó có nhiều ”cơ hội ” để không bao giờ lái bất cứ một chiếc xe nào nữa!

Trên xa lộ của các thành phố hay tiểu bang, xe cộ lao nhanh vun vút. Ai cũng muốn lái xe thật nhanh để sớm đến mục tiêu. Xe chạy càng nhanh thì thắng lại càng khó và khi thắng không kịp thì Xảy ra tai nạn. Sự thương vong không những xảy tới cho người lái xe, mà còn cho người lái những chiếc xe khác nữa.

Tôi nghĩ đến đường đời. Trên con đường này người ta cũng đua nhau lái xe nhanh, ai cũng mong cho mau đến mục tiêu, đến trước người khác càng tốt. Ít có ai ý thức rằng lái xe trên đường đời cũng y như lái xe trong thành phố hay trên xa lộ: chuyện tống ga cho xe chạy nhanh không quan trọng bằng việc đạp thắng cho xe dừng lại. Trên đường đời, người ta thường bị những mục tiêu danh vọng, tiền tài, địa vị lôi cuốn. Đó là những hấp lực, những cục nam châm có sức mạnh khiến người ta lao tới, đôi khi nhắm mắt mà lao tới, không còn biết đến những ai, những gì đang ở chung quanh mình. Điều đó khiến xảy ra những va chạm. Va chạm làm nên tai nạn, và tai nạn làm cho người ta mất luôn khả năng tiến tới. Người ta sẽ không đạt được mục tiêu. đồng thời lãnh nhận nhiều đau khổ.

Nghĩ đến điều đó, tôi mới thấy đi trên đường đời, nghệ thuật quan trọng là nghệ thuật biết dừng lại chứ không phải là nghệ thuật tìm cách tiến tới thật nhanh. Nhưng đã có mấy ai, mà tôi cũng thế, lúc nào cũng biết và dám can đảm dừng lại đúng nơi, đúng lúc? Đường trong thành phố còn có đèn xanh, đèn đỏ, còn có bảng ”stop”, còn có cảnh sát. Đường đời không có đèn xanh đèn đỏ, không có bảng, không có cảnh sát. Chính tôi phải kiểm soát tốc độ của tội, phải tự quan sát để tiến tới hay dừng lại. Sự kiểm soát chính mảnh và quan sát mọi sự chung quanh quả nhiên phải được gọi là một ”nghệ thuật sống ”.

Khi hướng đẫn anh bạn học lái xe, tôi còn khám phá ra sự quan trọng trong việc phân biệt giữa ”đường” và ”hướng ”. Khi tôi hỏi anh biết đường ấy chưa, anh trả lời là biết rồi, và quả nhiên anh tìm ra con đường ấy thật. Nhưng khi tôi bảo anh lái xe đến một địa điểm nằm trên con đường ấy thì anh chạy… ngược chiều. Nghĩa là càng ngày anh càng xa dần mục tiêu. Thay vì lái xe lên miền núi ở hướng Bắc thì anh cho chạy về miền biển ở hướng Nam.

Tôi có một anh bạn khác, lái xe tìm đến các địa điểm rất chính xác. Nghệ thuật của anh thật đơn giản: bao giờ trước khi lên xe, anh cũng mở bản đồ xem trước; tìm đường, định hướng cẩn thận; ghi ra giấy; rồi cứ nắmmảnh giấy mà lái xe. Trăm lần như một, anh đều đến mục tiêu một cách dễ dàng, chính xác và đúng giờ.

Thật ra, không phải bất cứ ai lái xe đều có thói quen tốt như anh bạn thứ hai của tôi. Chính vì thế mà khi lái xe trên đường, có nhiều người ngơ ngác, không biết là mình đang đi về hướng nào. Lại có những người không có ý niệm gì về những hướng Đông, Tây, Nam, Bắc! Lái xe là lái xe, lái theo thói quen, đến được đâu là do kinh nghiệm đã lái xe đến đó nhiều lần, không biết địa điểm đó nằm ở hướng nào kể từ điểm xuất phát.

Biết đường, xét ra không quan trọng bằng biết hướng. Không biết đường, người ta không đến được mục tiêu. Nhưng biết đường mà không biết hướng, người ta không đến được mục tiêu đã đành, mà còn xa dần mục tiêu hơn nữa.

Trên đường đời, có lẽ cũng có nhiều người biết ”đường” mà không biết ”hướng”. Chính vì thế mới xảy ra chuyện “lạc nẻo đường đời’. Có người biết rất nhiều ”đường” nhưng không biết, hay không để ý những ”đường” đó dẫn mình đến ”hướng” nào. Tôi hình dung ”đường” là những kiến thức mình có, mà ”hướng” là lí tưởng của đời mình. Tài năng, kiến thức của mình cần đem sử dụng để phục vụ một lí tưởng chân chính, giúp mình càng ngày càng tiến gần đến lí tưởng hơn. Đặt sai hướng cuộc đời, phục vụ cho một ”lí tưởng” sai lầm thì, kiến thức càng cao, hiểu biết càng rộng càng nguy hiểm và càng kéo người ta đến chỗ sai lạc nhiều hơn, nhanh hơn. Khi đó, giá mà không có kiến thức, có lẽ tết hơn.

Kết hợp giữa tiến tới và dừng lại, và kết hợp giữa đường với hướng, tôi nhìn ta một điều rất quan trọng cho đời mình: tiến tới là chuyện tốt, nhưng tôi cần luôn tỉnh thức để biết dừng lại. Chính khi dừng lại, tôi định hướng xem mình đã đi đúng đường đúng hướng chưa. Nếu đi sai đường, đi ngược hướng, tôi còn kịp thời thay đường, chuyển hướng. Sự thay đường, chuyển hướng này đòi hỏi nơi tôi một sự can đảm và chân thành đến độ dám đặt lại cả vấn đề cuộc sống của mlnh.

Một quan sát khác cũng đưa tôi đến một suy tư đặc biệt: thường thường khi lái xe, người ta hay chở theo nhiều người khác. Những người này đa số là người thân trong gia đình hoặc bạn bè thân thiết. Nếu không may tôi đi lạc đường hay gây ra tai nạn thì những người này chịu cùng số phận với tôi. Chịu cùng số phận, chỉ vì họ đã tin tưởng trao sự an toàn của họ cho tôi. Trong cuộc đời, cũng có nhiều người chịu ảnh hưởng về những quyết định và hành động của tôi. Nếu tôi không ”thắng” kịp, nếu tôi đi sai ”đường” lạc ”hướng”, tôi đem lại khổ đau không những cho riêng tôi, mà cho tất cả những người ấy nữa. Chuyện đắng cay là những người ấy lại là những người gần gũi tôi nhất và tôi yêu thương nhất.

Làm xong công tác hướng dẫn lái xe cho anh bạn mới tới tôi nhận được nơi anh những lời cảm ơn nồng nhiệt, Tôi cũng cảm ơn anh, nồng nhiệt không kém. Anh có vẻ ngỡ ngàng không hiểu. Anh đâu biết được rằng nhờ có anh và chuyện học lái xe của anh, tôi học được những bài học vô cùng quan trọng cho cuộc đời mình.

Quyên Di

Nhìn xuống cuộc đời