Medjugorje Linh Ðịa được Ðức Mẹ gìn giữ

Mặc dầu cảnh nội chiến khốc liệt, huynh đệ tương tàn, đang xảy ra ở quốc gia, trước đây gọi là Liên Hiệp Yougoslavia, hay Nam Tư, hiện nay có một nơi vẫn được yên ổn, bom đạn như tránh né. Nơi ấy là linh địa Medjugorje, nơi mà dư luận cho rằng Ðức Mẹ đã và đang còn hiện ra; du khách hành hương vẫn tấp nập kéo đến.

Trước khi đi vào bối cảnh hiện tại và để giúp tìm hiểu những gì đang xảy ra, chúng ta thử ghi lại vài dòng lịch sử của Liên Hiệp Nam Tư.

Vài giòng lịch sử

Lãnh tụ Titô qua đời năm 1980. Ông là người sáng lập Liên Hiệp Nam Tư và cầm quyền liên tiếp gần 40 năm, với một bàn tay sắt. Ông là một con người đa diện, tự cho là một nhà ái quốc, nhưng không được sắc tộc nào trong 6 quốc gia liên hiệp yêu mến. Cái tài của ông là qui tụ được vào trong một tổ chức nhiều sắc dân thuộc nhiều tôn giáo và lấy chủ thuyết cộng sản làm hướng chỉ nam, nhưng lại không liên kết với Nga Sô, để được lòng Tây Phương.

Năm 1945, Titô tuyên bố thành lập “Liên Bang xã hội dân chủ nam Tư” gồm 6 tiểu bang, với một chính phủ cộng sản. Có ba đạo giáo chính là Công Giáo, Chánh Thống Giáo và Hồi Giáo. Phần đông người Croates là Công Giáo, người Serbes theo Chính Thống và người Hồi Giáo. Họ không ưa gì nhau nên giữa ba sắc tộc chính là Serbes, Croates và Slovènes, luôn luôn có sự cạnh tranh cải vã. Một nhà thơ ở Bosnia- Herzegovina viết: “Chúng tôi là một nước có ba Thiên Chúa và ba cây dao găm!”

Khi Thống Chế Titô còn sống, uy quyền của ông còn giữ được sự giao hảo trong Liên Bang; nhưng khi ông nằm xuống thì Liên Bang như nồi xúp-de sôi sục, đã nổ tung. Liên Bang chia thành các quốc gia nhỏ như Slovenia với 2 triệu dân, Croatia với 6 triệu, Bosnia-Herzegovina 4 triệu rưỡi và Serbia “Tân Nam Tư” với 10 triệu rưỡi. Có những vùng đất như ở Bosnia-Herzegonia, sắc dân và tôn giáo lẫn lộn, chằng chịt; thành phố Sarajevo bị quân đội Serbes bao vây đã mấy tháng, gây nhiều cuộc sát hại, hãm hiếp và bắn phá bừa bãi. Dựa vào thế lực súng đạn của quân đội Liên Bang để lại, người Serbes đã thừa thắng xông lên, trong chính sách chiếm đất dành dân, để ở thế mạnh trong những cuộc thương thuyết sau này. Một ủy ban liên tôn Công Giáo và Chánh Thống đã tuyên bố không có vấn đề chiến tranh tôn giáo, kêu gọi hòa bình. Nhưng trong thực tế, họ phải bảo vệ sắc dân của họ. Trước đây, tinh thần đại kết còn được trọng vọng, ngày nay, trong cảnh đổ nát điêu tàn chỉ còn lại một ít hy vọng. 300 ngôi Thánh Ðường Công Giáo ở Bosnia bị phá hủy và 100 của Chánh Thống Giáo bị hư hại. Người ta ước lượng có 10 ngàn người chết và 20 ngàn bị thương. Gần nửa triệu đã phải di tản. Liên Hiệp Quốc phái đến 24 ngàn mũ xanh, thuộc 17 quốc gia hội viên, để bảo vệ dân chúng, nhưng không có kết quả, đạo quân Serbes dưới sự điều khiển của 40 tướng lãnh hải lục vẫn làm mưa làm gió, gây tang thương và chết chóc.

Linh địa được Ðức Mẹ gìn giữ

Medjugorje là xứ đạo thuộc tỉnh Bosnia-Herzegovina nơi đang xảy ra trận chiến. Tại ngôi làng với vài ngàn cư dân nầy, người ta nói rằng Ðức Mẹ vẫn tiếp tục hiện ra, như không có gì thay đổi. Từ ngày 24 tháng 6 năm 1981 cho đến tháng 3 năm 1993, nghĩa là 11 năm hơn, Ðức Mẹ đã hiện ra trên bốn ngàn lần cho 6 thanh niên, lúc đó khoảng 9 đến17 tuổi. Hai trong số thụ khải nay đã lập gia đình và chỉ được nhìn thấy “Bà lạ” – Gospa theo tiếng Croate – một năm một lần. Bốn người kia được nhìn thấy mọi ngày vào giờ nhất định, là 17 giờ 40 phút, bất cứ ở nơi nào mà họ có mặt. Chẳng hạn như cô Vicka tóc nâu, cuối tháng 11/1992, khi đi hành hương ở Bồ Ðào Nha trở về, ghé lại Lộ Ðức. Cô đã được thấy Ðức Mẹ trước hang đá Messabielle, như Bernadette đã được nhìn thấy cách đây 100 năm. Một chứng nhân thuật lại rằng Vicka đã xuất thần, đôi mắt đăm chiêu nhìn lên không nhấp nháy, nhưng miệng mấp máy như đang đàm đạo với một người nào. Hiện tượng này đã được Giáo Sư Thạc Sĩ Le Jenne thuộc viện đại học y khoa Montpellier (Pháp) quan sát và trắc nghiệm tại Medjugorje nhiều lần.

Trong khi đó thì tại Sarajevo, cách Medjugorje khoảng 100 cây số, chiến cuộc đang hoành hành gieo hãi hùng kinh sợ.

Như ngôi làng tiền định, được đặc biệt gìn giữ, ngay từ khi chiến cuộc khởi đầu cho đến nay, không bị hề hấn gì cả. Phải chăng là một phép lạ?

Tháng Tư 1992, 160 hỏa tiễn đã bay vào làng, nhưng không gây thiệt hại nào cả, ngoài những lỗ bom chằng chịt sâu hoắm và một con bò chết. Trong mùa hè năm 1992, một quả bom gồm nhiều mảnh rơi vào đúng con đường chính của làng nhưng không nổ. Các phi công bay qua trên làng cho biết chỉ thấy một làn mây trắng dưới cánh, nên không biết làm gì hơn là thả hết bom, rơi đâu hay đó để vội bay về căn cứ.

Các người trai tráng trong làng phải thay phiên nhau lên trấn giữ mặt trận Mostar, đều được trở về an toàn. Trong khi đó, tại Tòa Giám Mục giáo phận Mostar, cách làng khoảng 30 cây số, mái nhà thờ Chánh Tòa bị bom thổi bay mất và Tòa Giám Mục bị phá bình địa. Ai cũng biết Ðức Giám Mục Mostar là Ðức Cha Zanic có một thái độ rất tiêu cực đối với vụ hiển linh. Các chiến sĩ “mũ xanh” của Liên Hiệp Quốc hay đến xin các “thụ khải” cầu nguyện và trong làng hiện nay có 1,200 trẻ em đang lánh nạn được phân phối trong các gia đình.

Hiện nay, các cuộc hành hương vẫn tiếp tục, tuy có phần giảm bớt hơn. Trước đây, có khoảng 100 ngàn người mỗi ngày đến cầu nguyện. Nay mỗi ngày có vài trăm giáo lữ đến Medjugorje, có rất nhiều linh mục đón tiếp họ trong tòa cáo giải.

Trong dịp lễ Giáng Sinh 1992, có nhiều đoàn giáo lữ Pháp đi từ Paris, Mayenne và Ronen. Một số khác đang chuẩn bị lên đường trong tháng ba, vì không có chỗ đủ trong các chuyến bay đến Split; rồi từ đây, họ dùng xe ca đến Medjugorje, qua phía Bắc tỉnh Bosnia.

Từ ngày Bà lạ “Gospa” hiện ra, có gần 15 triệu khách hành hương đến kính viếng. Tuy Giáo Hội chưa công nhận, nhưng lòng đạo đức của giáo dân thay đổi hẳn khi tiếp xúc với Medjugorje. Hiện có 5,000 nhóm cầu nguyện trên thế giới khuôn rập theo kiểu mẫu Medjugorje, ăn chay mỗi ngày thứ Sáu chỉ có nước lã và bánh khô. Trong những ngày sôi động nhất, dưới hầm nhà xứ, một nguyện đường được thiết lập để tiếp tục các buổi cầu kinh như thường lệ.

Phải chăng đây là một phong trào tin nhảm, thổi phồng lên do các ông Cha Dòng áo nâu? Trong mục thơ tín của Báo “Actualités Religieuses dans le monde”, có đăng lá thư của một linh mục cho rằng Medjugorje là công cuộc… ma quỉ dối trá!

Ðể tìm hiểu sự thật, nhiều phái đoàn chuyên viên khoa học đã đến tại chỗ và nhiều lần, để nghiên cứu hiện tượng xuất thần của những sự kiện xảy ra. Các thanh thiếu niên nam nữ đều đồng loạt cho biết họ đã nhìn thấy Ðức Trinh Nữ xuất hiện như một thiếu nữ khuôn mặt màu nâu, mắt xanh, đầu đội “voan” màu xám, trang phục màu áo xám xanh. Các thụ khải gồm sáu em là Vicka (17 tuổi vào năm 1981), Marija, Ivan và Mitjana (16 tuổi), Ivan ka và Jakov (15 tuổi).

Giáo Sư Thạc Sĩ Henri Joyeux đã quay phim nhiều cuộc xuất thần, thực hành nhiều cuộc thí nghiệm khoa học. Ông quả quyết: “Không một em nào có dấu hỗn loạn thần kinh, trái lại, các em rất bình thường khỏe mạnh thể xác và tinh thần”. Trong các cuộc xuất thần, vị bác sĩ chuyên viên nhân thấy các em không ngủ, không mơ, không có dấu gì thuộc bệnh động kinh tê bại, tóm lại, các em rất bình thường không có triệu chứng nào thần kinh bệnh. Bác sĩ Philippe Lauron, chuyên viên thần kinh tại dưỡng đường Salpêtrière ở Paris cũng đồng quan điểm. Ðể tránh mọi sự lừa đảo, Giáo Sư Joyeux lại quay phim cuộc xuất thần của em Vicka, bên cạnh một em khác cũng tự cho mình được nhìn thấy “Bà lạ”, nhà chuyên viên nhận thấy có một sự khác biệt lớn lao rõ rệt. Vicka rất bình tĩnh và tự nhiên, cô kia thì tỏ ra lo âu, bất bình thường. Chúng ta biết rằng khi Bernadette ở Lộ Ðức được diễm phúc nhìn thấy Ðức Mẹ hiện ra ở bộng há Messabielle thì cũng có nhiều cô thiếu nữ tự cho mình cũng được nhìn thấy Ðức Mẹ. Nhiều thanh niên xin được “nâng khăn sửa túi”, trong số ấy có một sinh viên y khoa, cho rằng nếu không lấn được thì “xin Chúa cho chết trong cảnh cô đơn” và còn đeo đuổi cho đến khi thánh nữ Bernadette đã vào tập viện. (R. laurentin, Vie de Bernadette, trang 142).

Những mệnh lệnh gần đây nhất

Chúng ta biết các thụ khải nhận được nhiều mệnh lệnh của Ðức Mẹ. Cha R. Laurentin, một chuyên viên về Thánh Mẫu Học, đã ghi lại trong tác phẩm nhan đề: “Message et Pedagorie de Marie à Medjugorje” (Các mệnh lệnh và giáo huấn của Ðức Mẹ).

Tất cả giáo huấn gồm tóm trong hai điểm: “Hãy cầu nguyện và ăn chay”. Thật ra không có gì mới lạ, chỉ là thực thi lời Chúa dạy trong Phúc Âm: “Hãy cầu nguyện và sám hối.”

Trong các mệnh lệnh mới nhất gần đây, Ðức Mẹ đã nói đến người Serbes, người Chánh Thống và người Hồi Giáo: “Chúng con hãy yêu mến anh em chúng con, người Hồi Giáo.”

Ngoài ra còn có 10 bí mật được các em giữ kín cẩn thận, chỉ được tiết lộ sau khi các cuộc hiển linh chấm dứt. Và sau đó, sẽ có “một dấu rõ rệt và bất diệt” để lại.

Bí mật sau cùng vào đêm Giáng Sinh năm 1982 và cô Mirjana thụ khải được cho biết: “Con sẽ không còn nhìn thấy Mẹ, ngoài dịp kỷ niệm sinh nhật của con và khi những biến cố quan trọng sẽ xảy đến. Con sẽ tin như mọi người.”

Bí mật cuối cùng ấy, Ivanka cũng được mặc khải ngày 6 tháng 3 năm 1985, Ðức Mẹ hứa sẽ trở lại với cô ngày kỷ niệm hiển linh đầu tiên. Ngày 25 tháng 6 năm 1986, cô được nhìn thấy Ðức Mẹ trong 14 phút. Sau đó, cô đã lập gia đình.

Vicka đã khóc khi nhận lãnh bí mật thứ 9 và Mirjana đã chảy nước mắt khi được trao phó bí mật thứ 10.

Nhiều người cho rằng các bí mật ấy nối tiếp những bí mật tại Fatima.

Tại Fatima, ngày 13 tháng 7 năm 1917, Ðức Mẹ nói cùng ba trẻ: “Nếu người ta thực thi các điều Ta dạy, nước Nga sẽ trở lại. Nếu không nước Nga sẽ phổ cập các điều sai lầm của họ khắp thế giới, gây nhiều cuộc chiến tranh, nhiều quốc gia sẽ bị tiêu diệt.”

Tại Medjugorje cũng như ở Fatima, có những ánh sáng kỳ lạ tương tự như cuộc nhảy múa của mặt trời ở Fatima ngày 18 tháng 10 năm 1917, trước mặt 70 ngàn người chứng kiến trên đồi Covadiria. Kỳ lạ thật, nhiều người tỏ ra hoài nghi, nhưng sau một cuộc viếng thăm, họ trở về xao xuyến và thay đổi hẳn.

Lời kết luận của Giáo Sư Thạc Sĩ LeJeune cũng đáng cho chúng ta chú ý, sau những biến cố ly loạn vừa xảy ra ở Nam Tư, như chúng tôi vừa lược thuật. Giáo sư trả lời cho một ký giả hỏi về hiện tượng Medjugorje:

“Hiện tượng Medjugorje đã được khảo sát nhiều lần khác nhau trong năm 1984 trên các trẻ em được thị kiến. Ðó là một hiện tượng không thể cắt nghĩa theo khoa học được. Nhưng cuộc khảo sát tỉ mỉ được thực hiện cho thấy rằng không có một biện chứng bệnh hoạn nào… hay một sự lừa đảo nào. Chúng tôi nghĩ rằng không có một danh từ khoa học nào khả dĩ mô tả được. Chúng tôi cho đó là một trạng thái cầu nguyện linh động, cao độ và phần nào mất liên lạc với thế giới bên ngoài, một trạng thái chiêm nghiệm và giao liên với một Ðấng mà chỉ có em mới nhìn thấy, nghe được và sờ được. Chúng tôi không biết gì về nơi phát xuất, nhưng chúng tôi quả quyết rằng những người thu-nhận là những người khỏe mạnh và bình thường.” (Phỏng vấn của Robert Serron đăng trên báo Paris Match 14/6/1985).

Ðền Thờ Medjugorje được gìn giữ an toàn

Từ năm 1980 đến nay, phong trào hành hương đến Medjugorje kính viếng nơi Ðức Mẹ hiện ra ở Nam Tư dần hồi có tầm vóc quốc tế. Tại ngôi làng bé nhỏ xứ Bosnia-Herze này, nơi chiến cuộc đang xảy ra, lùi về năm 1980, có tin đồn rằng Ðức Mẹ đã hiện ra với 6 em nhỏ và ban nhiều mệnh lệnh.

Hiện nay, các mệnh lệnh được ghi chép thành một bộ sách dày 250 trang.

Ðức Mẹ được gọi là Gospa (Bà Lạ, theo thổ ngữ Slave) được tôn kính. Hàng triệu người đã đến hành hương tại Medjugorje.

Tại đây, các Cha Dòng Phanxicô, đặc biệt là các Cha Jozo và Slavko, tiếp tục tổ chức đời sống mục vụ đạo đức. Họ gặp sự khó khăn nơi thái độ của vị Giám Mục Giáo Phận Mostar là Ðức Cha Zanic. Không hiểu vì sao, mới đầu ngài không chống đối, có thiện cảm là khác, nhưng rồi thay đổi lập trường, ngài cho dữ kiện Medjugorje là “công cuộc của ma quỉ” và rất khó chịu vì những lời chỉ trích. Hội Ðồng Giám Mục Nam Tư cũng như Tòa Thánh Vatican đều chưa nhìn nhận các cuộc Hiển Linh và các Mệnh Lệnh ban bố.

Tuy nhiên, đó đây trên thế giới, có rất nhiều linh mục, tu sĩ nam nữ và Giám Mục nữa, đã đặt niềm tin vào dữ kiện Medjugorje. Nhóm Thánh Linh mệnh danh là “Cộng đoàn Phúc Thật” cổ võ rất mạnh cho việc tổ chức hành hương ở Pháp và loan báo tin tức bằng máy Minitel. Ai đến tại chỗ, đều nhận thức bầu khí đạo đức và cầu nguyện cao độ xảy ra và rất cảm động. Những buổi canh thức cầu nguyện, rước kiệu và leo núi Krizevac, đồi hiện ra, thật rất trang nghiêm sốt sắng.

Phải công nhận rằng cho đến nay, dữ kiện Medjugorje đã vượt thắng mọi trở lực. Trước một chế độ đầy thủ đoạn lươn lẹo như cộng sản, Medjugorje đã gây nể nang không ít.

Trước một Giám Mục đầy ác cảm mà danh tánh được đọc lên trong lời kinh nguyện mỗi ngày, trước sự kiện một số trẻ em không còn được nhìn thấy Gospa – Bà Lạ nữa, người ta có thể đặt ra một số câu hỏi và thắc mắc.

Nhưng điều đáng chú ý là, mặc dầu cuộc nội chiến đang lan rộng trong cả vùng Bosnia-Hezegovina, Medjugorje vẫn được đặc biệt gìn giữ.

Ngày 13 tháng 4 năm 1991, nhóm du kích Serbe đã đến gần Thánh Ðường Ðức Mẹ. Nhưng, bom đạn chết chóc tàn sát như bị chận lại ngoài làng Medjugorje. Quân Serbe đã có dự định thả bom thiêu hủy Thánh Ðường trong đêm Phục Sinh. Dưới ngôi Thánh Ðường và nhà xứ, một hầm trú được biến cải thành một nguyện đường, ngày đêm giáo dân tiếp tục cầu nguyện như thường lệ, và ngôi Thánh Ðường đã mở cửa lại cho khách hành hương.

Ngày 25 tháng 4 năm 1991, Gospa – Bà Lạ ban một sứ điệp: “Chỉ có cầu nguyện và ăn chay mới có thể chận đứng chiến tranh.” Và ngày 25 tháng 6 năm 1991, kỷ niệm 11 năm, Gospa tuyên bố với vẻ u buồn rằng “nhiều người đã quyết tâm lên đường rồi lại rút lui.”

Chúng ta biết rằng trong khi chiến cuộc đang xảy ra thì Cha Giám Ðốc Ðền Thánh Ðức Mẹ ở Medjugorje đang công du thế giới để chuẩn bị ngày kỷ niệm 26 tháng 6, ngày hiện ra thứ 11. Ngài kêu gọi du khách hành hương hãy đến thật đông để chứng minh rằng sức mạnh tinh thần thắng vũ khí, tình thương thắng bạo lực. Nhưng một số người đã rút lui vì sợ

Ngày nay, trên thế giới có khoảng 5,000 nhóm cầu nguyện theo tinh thần Medjugorje. Và Medjugorje vẫn là một hòn đảo hòa bình của “Nữ Vương Hòa Bình” giữa một thế giới thiếu tình thương, thiếu hòa bình.

Như thường lệ Giáo Hội tỏ ra dè dặt và khôn ngoan trong vấn đề Medjugorje thì chúng ta hãy chờ đợi phán quyết tối hậu của Giáo Hội. Tuy nhiên chúng ta có thể nói rằng Medjugorje với những sự kiện nóng hổi vừa xảy ra là một lời nhắc nhở cho chúng ta thực thi sứ điệp Phúc Âm bị quên lãng: Cầu nguyện, ănnăn trở lại, hãm mình, ăn chay vàđền tội

Chứng Từ Phép Lạ Medjugorje

Sức Khỏe Ðược Hồi Phục, Hôn Nhân Ðược Cứu Vãn

Ðê-vít là một cầu thủ túc cầu của Ai-len và đồng thời cũng là một ca sĩ được mộ mến trong nước. Anh lập gia đình với cô An và có được hai mặt con.

Gia đình sẽ vô cùng hạnh phúc nếu một tuần lễ sau mùa thi đấu hồi tháng 7/1977 Ðê-vít không khám phá ra mình mắc chứng bệnh mà Y khoa gọi là bệnh Kôn. Những người mắc chứng bệnh này thoạt tiên thấy đau trong dạ dày, sau đó là nôn mửa sau mỗi bữa ăn và tiêu chảy. Chỉ trong vòng 6 tuần lễ từ 102kg Ðê-vít chỉ còn cân nặng 59kg. Vài tháng sau, Ðê-vít nhập viện để được giải phẫu. Trong 2 năm sau đó, hệ thống bài tiết của anh chỉ được giải quyết bằng một chiếc túi gắn ở bên hông. Mặc dù sức khỏe không hoàn toàn hồi phục. Nhưng vì tình trạng tài chính eo hẹp, Ðê-vít phải hằng đêm đi hát tại các khách sạn, gia tăng thu nhập cho gia đình. Ðứa con trai 3 tuổi của anh lại mang bệnh cong cột sống. An, vợ anh, phải ở nhà trông nom con cái. Do đó, ngoài việc đi hát ban đêm, anh còn phải làm thêm trong một siêu thị.

Tháng 12/1977, anh được đưa vào bệnh viện để giải phẫu đường ruột. Trong 2 năm sau, anh lại phải trải qua 2 lần giải phẫu nữa. Dù trong 2 năm liền sau đó, tương đối anh được bình phục, nhưng về mặt thiêng liêng, anh tuyên bố không còn tin tưởng ở Chúa nữa: “Làm sao có thể có một Thiên Chúa toàn năng và yêu thương, nhưng lại để cho đứa con trai của anh bị kết án có thể chết sớm vì bệnh cong cột sống? Làm sao một Thiên Chúa toàn năng và yêu thương lại để cho anh, người phải lo gánh vác gia đình, lại phải quằn quại trong đớn đau?” Ðê-vít không đến nhà thờ nữa và anh cũng khuyến dụ vợ anh bỏ lễ Chúa nhật. Anh cón cảnh cáo vợ không được đọc kinh cầu nguyện trước mặt anh.

Tháng 6/1981 anh lại vào bệnh viện để được giải phẫu một lần nữa. Và 3 năm sau, anh trải qua lần giải phẫu thứ năm. Khi đứa con thứ 3 chào đời, Ðê-vít hoàn toàn rơi vào thất vọng và bắt đầu một cuộc phiêu lưu tình cảm. Trong khi không còn biết bám víu vào đâu, vợ anh chỉ còn biết trông cậy vào ơn Chúa. Chị đi lễ mỗi ngày để cầu nguyện cho sức khỏe của chồng và nhất là để cứu vãn cuộc hôn nhân của 2 người.

Nhưng tháng 8/1987, Ðê-vít dọn ra khỏi gia đình. Sau vài tháng sống xa vợ con, anh trở về. Anh ngạc nhiên đến xấu hổ khi thấy vợ anh không hề mở miệng trách móc anh điều gì. Dù vậy, đầu năm 1988, anh lại bỏ nhà ra đi một lần nữa và lại một lần nữa trở về trong vòng tay yêu thương và tha thứ của vợ anh.

Mùa Giáng sinh năm đó (12/1988), sau những cơn đau dữ dội trong dạ dày, anh được đưa vào bệnh viện để trải qua một cuộc giải phẫu kéo dài 11 tiếng đồng hồ. Sau cuộc giải phẫu ấy, viên bác sĩ trưởng phòng mổ ra ngoài phòng đợi để báo cho vợ anh biết rằng anh sẽ không sống quá 10 tuần lễ nữa. Trong cơn đau tột cùng, vợ anh kêu khóc và cho biết chị không có đủ can đảm để nói điều đó với chồng. Ngày hôm sau, viên bác sĩ  đã đích thân đến bên giường bệnh và thông báo cho anh sự thật ấy. Ðê-vít đã đón nhận sự thật một cách bình tĩnh.

Mỗi ngày vợ anh luôn có mặt bên cạnh anh để nâng đỡ và anh ủi anh. Giờ này anh hiểu được thế nào là vai trò của một người vợ và một người mẹ mà vợ anh đã đảm nhận trong bao nhiêu năm qua. Không bao lâu, Ban nhạc của anh và các nghệ sĩ quen biết với anh đã biết được tình trạng sức khỏe của anh.Họ liền tổ chức một buổi ca nhạc để quyên tiền giúp đỡ gia đình anh. Một người trong ban tổ chức còn nói rõ tiền thu được của buổi ca nhạc sẽ được dành cho tang lễ của anh. Quả thật, với trọng lượng 44kg, con người đã từng là một cầu thủ bóng đá nổi tiếng Ai-len, chấp nhận sự thật là mình phải từ giã cõi đời.

Tháng 2/1989, trong một buổi tiếp tân để gây quỹ cho anh, ngoài ban nhạc và các nghệ sĩ tên tuổi trong nước, người ta thấy có một nữ ký giả Tin Lành.Chị sinh trưởng trong một gia đình Tin Lành ở bắc Ai-len. Vài năm trước đó, do nghiệp vụ, chị phải làm một bài phóng sự về các cuộc hành hương tại Medjugorje mà chị xem như là một thứ dị đoan. Nhưng kinh nghiệm mà chị trải qua tại đây đã thay đổi cái nhìn của chị đến độ thúc đẩy chị tìm hiểu Ðạo Công Giáo. Hai năm sau, chị xin trở lại Công Giáo. Với tất cả nhiệt thành, chị và một người bạn đã đứng ra tổ chức một công ty du lịch chuyên giúp các chuyến đi Medjugorje. Trong buổi tiếp tân đó, chị quyết định thuyết phục Ðê-vít làm một chuyến hành hương đến Medjugorje. An, vợ anh sung sướng vô cùng khi hay tin chồng mình chấp nhận đi hành hương đến Medjugorje.

Nhưng dĩ nhiên, Ðê-vít đi đến đó để làm vừa lòng vợ hơn là do xác tín cá nhân. Ngay trong thánh lễ đầu tiên kéo dài 90 phút đồng hồ, anh đã giận dữ nói với vợ:

Anh phải rời bỏ nơi này tức khắc, ngay cả phải đi một mình.

Vợ anh nài nỉ:

Nếu anh có thể nán ở lại cho đến buổi lễ chiều nay, em sẽ thu xếp hành lý và đi về với anh tức khắc.

Chiều vợ, anh đã ở lại để tham dự nghi thức cầu nguyện cho các bệnh nhân. Vào giữa lúc người ta đưa các bệnh nhân lên gần bàn thờ để được xức dầu và chúc lành. Ðê-vít cười cợt và chống chế. Anh biết rằng anh chỉ còn có 2 tuần lễ để sống. Một lần nữa để chiều vợ, anh tiến lên trước mặt vị linh mục. Vị linh mục đặt thánh giá trên tay phải của anh và đặt tay ngài trên đầu anh để cầu nguyện. Lúc đó, anh cảm thấy có một sức nóng lạ thường chạy xuyên qua người.

Về phòng trọ, anh cảm thấy đói và ăn uống bình thường trở lại. Cơn nôn mửa và tiêu chảy hoàn toàn biến mất. Anh cảm thấy trong tâm hồn một sự bình an lạ thường.

Ngày hôm sau, anh trở lại nhà thờ để xưng tội. Ðây là lần đầu tiên anh trở lại với Bí tích Hòa Giải sau không biết bao nhiêu năm xa cách Giáo Hội.

Sau đó, anh và vợ anh leo lên ngọn đồi Pót-trô, nơi mà người ta tin là Ðức Mẹ hiện ra cho các thanh thiếu niên Nam Tư hồi tháng 6/1981. Có một đám đông đang lần chuỗi. Anh ngồi xuống với họ và cố gắng đọc kinh Lạy Cha và Kính Mừng, nhưng không tài nào nhớ nổi một chữ. Vợ anh thấy rõ anh đang bị dao động mạnh. Chị đứng dậy vì nghĩ rằng anh muốn đi về. Anh đứng lên vòng tay ôm lấy vợ xin chị tha thứ và bắt đầu khóc. Cả hai vợ chồng cùng khóc với nhau trong những giọt nước mắt sung sướng.

Ðê-vít từ giã Medjugorje với niềm an bình mà anh chưa từng cảm nhận được. Anh chia sẻ như sau:

Nếu Chúa có nói với tôi rằng: “Bệnh con sẽ trở lại” thì tôi cũng vẫn không bị mất sự bình an ấy. Tôi sẽ thưa với Chúa: Con xin vâng ý Chúa miễn là con có được sự bình an ấy. Con xin chấp nhận chịu bệnh này để đền bù vì những khổ đau con mà đã gây ra cho An và hai gia đình.

Trở về, Ðê-vít được các bác sĩ chẩn đoán cho biết rằng các triệu chứng của bệnh Kôn đã hoàn toàn biến mất. Ðê-vít đã thu bài Ave Maria của… như một bài ca tạ ơn dâng lên Mẹ Maria. Tại một Ðại hội Thánh Mẫu tại California, Hoa Kỳ, anh đã được mời đến để hát và chia sẻ kinh nghiệm được chữa lành của anh. Với anh, cuộc hôn nhân được cứu vãn và sự bình an mà anh có được là điều quan trọng hơn cả việc anh được chữa lành trong thân xác.

 

Chia sẻ Bài này: