Sống Tin Mừng với Mẹ Tháng 02-2015

TRANG CHUYÊN ĐỀ

Khẩn cầu Đức Trinh Nữ Ma-ri-a
CHO NHỮNG NGƯỜI SỐNG ĐỜI DÂNG HIẾN

Lạy Đức Ma-ri-a, là hình ảnh của Giáo Hội, là Hiền Thê không vết nhăn và không tì ố, khi noi gương Mẹ “bảo tồn cho tinh tuyền một đức tin toàn vẹn, một đức cậy vững bền và một đức mến chân thành”, xin nâng đỡ những người tận hiến trên con đường hướng tới chân phúc độc nhất và vĩnh cửu.

Lạy Nữ Trinh Thăm Viếng, chúng con trao phó họ cho Mẹ để họ biết mau mắn tìm gặp những người lâm cảnh khốn cùng để mang lại sự trợ giúp và nhất là để mang Chúa Giê-su đến. Xin Mẹ dạy họ biết công bố những kỳ công Thiên Chúa đang thực hiện trong thế giới ngõ hầu muôn dân đều ca ngợi danh Người. Xin nâng đỡ họ trong những công tác phục vụ người nghèo khó, kẻ đói ăn, người thất vọng, kẻ hèn mọn và hết mọi người đang thành tâm tìm kiếm Con của Mẹ.

Lạy Mẹ, Mẹ muốn con cái của Mẹ đổi mới đời sống tâm linh và hoạt động tông đồ, bằng lời đáp yêu thương và tận hiến cho Chúa Ki-tô, chúng con tin tưởng dâng lên Mẹ lời nguyện cầu. Xưa Mẹ đã thi hành ý Chúa Cha, đã mau mắn khi vâng phục, can đảm khi khó nghèo, tiếp nhận trong sự trinh khiết phong phú của Mẹ, hãy xin Con chí thánh của Mẹ ban cho những kẻ nhận được hồng ân đi theo Người trong đời thánh hiến, biết làm chứng cho Người bằng một cuộc sống được biến hình, bằng cách vui vẻ tiến lên, cùng với mọi anh chị em, tới quê hương thiên quốc và tới ánh sáng không bao giờ tàn lụi.

Chúng con xin Mẹ điều đó để Thiên Chúa cao cả, là Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần, được tôn vinh chúc tụng và yêu mến trong mọi người và trong mọi sự.

Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II
(Trích Tông huấn Đời sống Thánh hiến, số 112)

Lời khấn cầu Ba Ngôi

Lạy Ba Ngôi chí thánh diễm phúc và là nguồn hạnh phúc của mọi người, xin đổ tràn hạnh phúc xuống con cái của Chúa, mà Chúa đã chọn lựa để tuyên xưng tình yêu cao cả, lòng nhân hậu xót thương và vẻ đẹp của Chúa.

Lạy Chúa Cha chí thánh, xin hãy thánh hiến các con cái đã tận hiến cho Cha, để làm vinh danh Cha. Bởi quyền năng của Cha, xin nâng đỡ họ để họ có thể làm chứng cho Cha là nguồn của mọi sự, suối nguồn độc nhất của tình yêu và tự do. Chúng con cảm tạ Cha vì hồng ân của đời thánh hiến, đời của những kẻ trong đức tin, tìm kiếm Cha, và trong sứ mạng phổ quát của mình, mời gọi toàn thể nhân loại tiến đến với Cha.

Lạy Chúa Giê-su Cứu Thế, Ngôi Lời nhập thể, Chúa đã ký thác lối sống của Chúa cho những ai được Chúa mời gọi, xin tiếp tục lôi kéo tới Chúa những người sẽ đóng vai trò làm người phân phát lòng thương xót cho con người thời đại chúng con, tiên báo ngày Chúa trở lại, làm dấu chỉ sống động những phúc lợi của sự phục sinh mai sau. Xin đừng để thử thách nào khiến họ xa lìa Chúa và tình yêu của Chúa !

Lạy Chúa Thánh Thần là Tình Yêu đổ xuống tâm hồn chúng con. Chúa là Đấng ban ơn sủng và thần hứng cho các linh hồn, là suối nước hằng sống giúp hoàn thành sứ mạng của Chúa Ki-tô bằng nhiều đặc sủng, chúng con cầu khẩn Chúa cho mọi người tận hiến. Xin đổ đầy tâm hồn họ niềm thâm tín mình đã được chọn để yêu mến, ca ngợi và phục vụ. Xin cho họ nếm hưởng tình bạn với Chúa, được tràn ngập niềm vui của Chúa và được Chúa an ủi. Xin giúp họ vượt qua được những lúc khó khăn và tin tưởng chỗi dậy sau khi sa ngã. Xin cho họ trở nên tấm gương phản chiếu vẻ đẹp thần linh của Chúa. Xin cho họ can đảm đương đầu với những thách đố của thời đại này và biết tỏ cho mọi người thấy lòng nhân hậu và lân ái của Chúa Giê-su Cứu Thế (x. Tt 3,4).

Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II
(Trích Tông huấn Đời sống Thánh hiến, số 111)

Đức Maria,
khuôn mẫu sống động của đời tận hiến

Tựa đề này tôi mượn lại của thánh Augustinô khi Ngài gọi Đức Maria là khuôn sống động của Chúa. Thánh nhân dùng hình ảnh khuôn sống động của Chúa với ý nói rằng Thiên Chúa làm người nơi Đức Giêsu Kitô là nhờ khuôn đúc trong lòng dạ của Đức Mẹ, một khuôn đúc đặc biệt giúp cho vị Thiên Chúa quyền năng siêu nhiên hình thành con người đầy đủ về mặt tự nhiên mà không thiếu nét nào của bản tính Thiên Chúa. Điều này giúp cho tôi suy nghĩ rằng mục đích cuộc sống của bậc tận hiến là để trở nên giống Chúa. Vậy thì nhờ nơi khuôn đúc Maria, ta cũng có thể được tạo đúc nên giống Thiên Chúa vì do cùng khuôn đúc với Đức Kitô nên chắc chắn chúng ta sẽ được nên giống Ngài. Khi trở nên giống Ngài thì ta cũng được mặc lấy những thần tính của Thiên Chúa mà không phá vỡ đi cấu trúc nhân bản của con người tự nhiên.

Vấn đề đặt ra là khuôn mẫu sống động của Đức Maria có những nét đúc nào để đúc chúng ta nên giống Chúa?

Thứ nhất, đó là đức khiết trinh của Mẹ. Cả bốn Phúc Âm đều cho chúng ta một xác tín về đức trinh khiết của Đức Mẹ. Thánh Mátthêu trình bày sự trinh khiết của Đức Maria như là ứng nghiệm lời tiên tri Isaia: “Này đây, trinh nữ sẽ thụ thai và sinh một người con. Con trẻ sẽ được đặt tên là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mt 1,23; xc Is 7,14). Chính sự trinh khiết của Đức Mẹ là điều kiện thiết yếu để cho Ngôi Con cao cả ngự trong cung lòng Mẹ như lời Đức Thánh Cha Piô XII đã tuyên bố: “…. Để trở nên xứng đáng là Mẹ Thiên Chúa, Đức Maria đã được ơn vô nhiễm nguyên tội khi đầu thai. Vô Nhiễm là tước hiệu dịu dàng khởi đầu tất cả mọi vinh quang của Mẹ” (Ngày 6-12-1939).

Đường nét thứ hai nơi khuôn đúc Maria mà người sống đời tận hiến phải rập theo là đức khiêm nhường. Về đức khiêm nhường, trong Tổng luận Thần học, thánh Tôma Aquino viết như sau: “Khiêm nhường là một nhân đức đặc biệt. Đức khiêm nhường liên hệ ở sự tuân phục của con người đối với Thiên Chúa, và vì Thiên Chúa, hạ mình vâng phục những người khác.” Sự khiêm nhường của Đức Mẹ được diễn tả vắn tắt nhưng thật đầy đủ trong câu trả lời sứ thần trong biến cố truyền tin: “Xin vâng, này tôi là nữ tỳ của Chúa” (Lc 1,38). Vì khiêm nhường, Đức Maria đã nói lời “xin vâng” tuân phục Thiên Chúa và vì Thiên Chúa hạ mình, chịu từ bỏ những ý định riêng tư để vâng phục nhân loại, hầu nhân loại được hưởng nhờ ơn cứu độ.

Nét đúc thứ ba chúng ta thấy được nơi khuôn đúc sống động của Đức Mẹ là tinh thần phục vụ. Khiêm nhường thường đi liền với phục vụ. Với lòng khiêm nhường chân thành sâu xa, Đức Maria không kiêu hãnh vì danh hiệu cao quý vừa lãnh, dù Mẹ rất vui mừng. Nghe tin bà Êlisabét đã mang thai, với tinh thần rất đơn sơ, Mẹ vội vàng đến để phục vụ bà. Là Mẹ Thiên Chúa, phải từ bỏ biết bao ý định riêng tư, Mẹ đáng được đòi hỏi nhiều thứ nơi Thiên Chúa, đáng đòi hỏi một sự tôn kính, phục vụ. Nhưng không như thế, Mẹ đã ra đi để phục vụ. Ra đi phục vụ là Mẹ tự đặt mình vào địa vị bị người khác đòi hỏi và sai khiến, phải tôn kính và chiều ý người khác.

Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong một Thông điệp gởi cho Ủy ban Tổ chức Toàn cầu về Ơn gọi đã khẳng định: “Mọi ơn gọi của Thiên Chúa là Ơn gọi phục vụ”. Ngài nhấn mạnh: “Nếu trong nền văn hóa hiện đại xem thường những người phục vụ kẻ khác là thấp kém, thì trong lịch sử thánh, người phục dịch là người được Thiên Chúa kêu gọi để làm công việc cứu rỗi và cứu chuộc, là người nhận được đầy đủ ơn Chúa, và cảm thấy sẵn sàng phục dịch kẻ khác vì những gì mà họ đã nhận được.”

Công đồng Vatican II đã có một phát biểu rất tuyệt vời: Hoạt động truyền giáo là bản chất của Giáo Hội xuất phát từ tình yêu Ba Ngôi. Đúng thế, truyền giáo phải xuất phát từ tình yêu. Đức Trinh nữ Maria xưa mau mắn mang Tin Mừng Đấng Cứu Thế đến cho gia đình bà Êlisabét cũng không ngoài tình yêu. Có tình yêu thì có chia sẻ. Vì yêu thương mà Ba Ngôi muốn chia sẻ hạnh phúc nội tại dư tràn thành công trình sáng tạo. Vì yêu thương mà Thiên Chúa ban Con Một để cứu chuộc nhân loại và đưa vũ trụ trở về với hạnh phúc vĩnh cửu. Người Kitô hữu, nhất là những người sống đời tận hiến, được kêu gọi tiếp tục cách đặc biệt sứ vụ chia sẻ tình yêu và hạnh phúc đó. Nhận lãnh sứ vụ từ Thiên Chúa và theo gương mau mắn của Đức Mẹ, thiết tưởng tình yêu sẽ không cho người sống đời tận hiến được phép chậm lại bước chân khi số những anh em đang khao khát được nghe Tin Mừng cứu độ còn nhiều không đếm hết.

Thánh Augustinô khen ngợi Mẹ là khuôn sống động tạo hình hài cho Đức Kitô người Mục Tử hiền của nhân loại và là Người Con chí ái của Chúa Cha. Xin Mẹ cũng là khuôn sống động tạo hình hài cho những người sống đời tận hiến, đặc biệt cho các Linh mục của Mẹ thành người mục tử nhân lành như lòng Chúa mong muốn và hằng làm hài lòng thánh ý Thiên Chúa như Đức Kitô, Con rất yêu dấu của Mẹ. Amen.

KV (Lược trích từ: conggiao.info)

TẬN HIẾN CHO MẸ MARIA

Tận hiến cho Mẹ Maria là một phong trào đạo đức đã có từ lâu trong Giáo Hội và phát triển mạnh sau khi cuốn sách “Thành thực sùng kính Đức Mẹ Maria” được ấn hành vào mùa xuân năm 1843. Nhưng thực sự sách đã được viết vào quãng đầu thế kỷ 18. Tại Việt Nam phong trào Tận hiến cho Mẹ cũng được rất nhiều người hưởng ứng. Để đi vào đúng đường theo đạo lý Công giáo chúng ta cần tìm hiểu ý nghĩa thần học của hai chữ “Tận Hiến” và về cách áp dụng việc tận hiến đó như thế nào khi chúng ta muốn tận hiến cho Mẹ.

a/ Ý nghĩa “Tận hiến” theo nghĩa chính thức, thì tận hiến gồm ba yếu tố này:

1. Tách rời vật nào đó ra khỏi những gì phàm tục.

2. Để chỉ dùng vào việc phượng tự.

3. Có một nghi lễ riêng để thánh hiến vật đó sẽ trở thành “Thánh”. Theo nghĩa này thì việc tận hiến hay hiến thánh “Consecratio” phải là việc dành riêng để thờ phượng Chúa.

Nhưng theo một nghĩa tương đối, chúng ta cũng có thể thi hành việc tận hiến cho Đức Mẹ khi muốn tỏ lòng sùng kính Ngài cách riêng. Đây chỉ là việc áp dụng một nguyên tắc chung này: Những gì nói được về Chúa và về tạo vật thì không được nói theo cùng một nghĩa, mà trái lại khi nói về Chúa thì phải nói theo nghĩa chính thức, còn nói về tạo vật thì nói theo nghĩa tương đối.

Đối với Chúa ta phải có một tác động biệt tôn “Latria” hoặc thờ lạy. Còn đối với Đức Mẹ thì ta chỉ có thể thi hành việc biệt kính (Hyperdulia).

b/ Áp dụng nguyên tắc trên:

Ta sẽ thấy việc tận hiến cho Đức Mẹ không thể gây hiểu lầm hay trái đạo lý Công giáo. Đấy cũng là điều vẫn được thi hành trong Giáo Hội, ít nhất là từ ba thế kỷ nay, có nhiều văn kiện các Đức Giáo Hoàng nhất là ĐGH Piô XII đã phổ biến, khuyến khích và phân tích cũng như vạch rõ những yêu sách phải có của việc tận hiến cho Đức Mẹ. Việc các ĐGH đã dùng thường quyền mà dạy tín hữu như thế phải được chúng ta vâng nghe và thực hành.

Việc tận hiến như thế gồm ba yêu sách này:

1. Gây một mối liên lạc mới và tình nguyện giữa ta và Đức Mẹ.

2. Mối liên lạc đó phải được tỏ ra bên ngoài bằng một tác động đặc biệt nói lên sự ý thức và lòng tình nguyện.

3. Sau hết sẵn sàng chấp nhận một cách trung thành tất cả những gì mối liên lạc đó đòi hỏi.

Việc ta tận hiến cho Đức Mẹ nói tới các yêu sách trên đây được thực hiện xét theo hai lãnh vực này:

1. Trước hết chúng ta phải nhận định và tin rằng Đức Mẹ có một chức vị vô cùng đặc biệt, chức vị là Mẹ Thiên Chúa. Ngài lại là một vị rất thánh, là gương mẫu sự thánh thiện, đồng thời Ngài có lòng vô cùng nhân hậu đối với ta, như mẹ đối với con, vì Ngài chính là mẹ ta. Xét theo những đặc ân Đức Mẹ được, và những tác động nhân hậu đối với ta như thế, ta phải tận hiến cho Đức Mẹ là lẽ đương nhiên.

Vì theo lãnh vực này tận hiến cho Đức Mẹ chính là sự nhận biết chức cao cả của Đức Mẹ, kính trọng Ngài, cảm ơn Ngài, phó thác ở Ngài và tin tưởng chạy lại xin Ngài cứu giúp. Tận hiến chính là việc bao gồm tất cả những yếu tố cần thiết để tỏ lòng kính mến Đức Mẹ một cách tận tình.

2. Lãnh vực thứ hai khiến việc trên trở thành cao quý hơn nữa, đó là Thánh Ý Chúa đã muốn cho Đức Mẹ hoàn thành nơi ta một sứ mệnh đặc biệt, nghĩa là Chúa muốn cho Đức Mẹ cùng cộng tác với Chúa Giêsu trong việc thánh hóa chúng ta. Đối với công cuộc cứu thế Chúa Giêsu đã làm cho Đức Mẹ nên vị Đồng Công đắc lực. Đức Mẹ luôn hiện diện và hoạt động trong việc cứu thế của Chúa Giêsu thậm chí ta có thể nói rằng cùng với Chúa Giêsu và trong Chúa Giêsu, Đức Mẹ là đồng nguyên nhân sự thánh hóa của ta. Và đấy cũng là điều Công Đồng Vaticano II quả quyết khi nói “Đức Mẹ Maria với tình yêu người mẹ, đã cộng tác với Chúa Giêsu trong việc tái sinh và dinh dưỡng tín hữu (LG 63).

Trong lãnh vực này việc ta tận hiến cho Đức Mẹ có một ý nghĩa mới. Tận hiến không phải chỉ là một việc tôn kính ta phải có đối với Đức Mẹ vì thiên chức cao cả và các đức tính tuyệt vời của Ngài, mà trái lại việc tận hiến cho Chúa Giêsu trong phép Rửa tội. Đây là sự tận hiến căn bản và đầy ý nghĩa nhất. Nói kiểu khác, mối liên hệ nối kết ta với Đức Mẹ chính là việc ta được làm tín hữu, được tái sinh trong ơn thánh, được nhận làm con Chúa, được trở nên chi thể của Đức Kitô, được nên Đền thờ Chúa Thánh Thần, và vì thế được làm con Đức Mẹ, vì Đức Mẹ là Mẹ Chúa Giêsu, đấng là đầu mà chúng ta có liên quan ngay với Đức Mẹ, xét theo chương trình cứu độ Chúa xếp đặt từ đời đời.

Xét theo những điều kể trên thì việc tận hiến cho Đức Mẹ là việc phải làm, không những vì ta muốn trọng kính Đức Mẹ vì các đặc ân của Ngài, mà chính là vì sứ mệnh đặc biệt của Ngài có trong chương trình cứu độ. Mối tương quan giữa ta và Đức Mẹ bắt nguồn từ phép Rửa tội, tại đó, cùng với Chúa Giêsu và trong Chúa Giêsu, ta đã tận hiến cho Đức Mẹ. Nếu thế, và thực thế, thì việc tận hiến này, ngoài sự ý thức về sứ mệnh của Đức Mẹ, nó trở thành một sự gắn bó, sự trung thành thi hành các nhiệm vụ mà phép rửa tội đòi ta phải có. Một trong những nhiệm vụ trên là việc kết hợp với Đức Mẹ bằng một tình con thơ hiếu thảo. Quan niệm này khiến việc tận hiến cho Đức Mẹ không còn là việc tự do muốn làm hay không muốn cũng được. Trái lại, là một việc phải làm. Vì theo Đức tin ta biết rằng Chúa đã trao phó cho Đức Mẹ một sứ mệnh cứu độ chúng ta. Vì thế mọi tín hữu đương nhiên phải nhận ra mối liên hệ với Mẹ Maria khi họ nhận định cho đúng được những yếu tố làm cho họ thành tín hữu. Cũng như trong lãnh vực tự nhiên, người con khi biết dùng trí khôn phải biết nhìn nhận mối tương quan giữa mẹ và con, tuy trong thực tế có người con không nghĩ tới mối tương quan đó. Việc này quả là một sự thiếu sót, nhưng không phải vì thế mà mối tương quan đó không có.

Thánh Louis de Montfort đã hiểu thấu đáo điều này khi ngài viết sự tận hiến hoàn toàn cho Chúa Giêsu không phải là gì khác mà chính là sự tận hiến toàn thân một cách hoàn hảo và tận đáy lòng cho Mẹ Maria. Hay nói cách khác chỉ là một việc ôn lại lời khấn hứa khi chịu phép rửa tội (Thành thực sùng kính, số 120).

Vì ý nghĩa cao cả đó, ta lại càng có lý do để nói quả quyết rằng phải tận hiến cho Đức Mẹ. Vì tận hiến là sự lệ thuộc có ý thức vào Đức Mẹ, xét theo địa vị Chúa đã dành cho Đức Mẹ trong việc người tín hữu tận hiến cho Chúa ngày họ chịu phép Rửa tội. Đây là một lý do sâu xa và là một điểm chính trong chương trình tiến đức của đời sống thiêng liêng, vì tận hiến này đồng hoà với sự sống thiêng liêng. Đây cũng là bản chất lòng sùng kính trên sẽ không phải chỉ còn là một việc đạo đức, mà là một đặc tính khiến cho việc đạo đức có giá trị.

c/ Tận hiến công cộng

Cho đến đây chúng ta đề cập tới việc tận hiến cá nhân cho Đức Mẹ, xét theo khía cạnh Đức tin về việc ta đã chịu phép Rửa tội. Vậy việc tận hiến tập thể một gia đình, một xứ đạo, một nước… cho Đức Mẹ có ý nghĩa gì? Ta phải thưa ngay rằng việc tận hiến có tính cách xã hội như vậy không liên hệ trực tiếp tới điều khấn hứa khi chịu phép Rửa tội, mà chỉ liên hệ một cách gián tiếp.

Việc tận hiến chung như vậy là hành động của một xã hội, xét theo tương quan xã hội đó phải có, nghĩa là xét theo bổn phận xã hội phải thực hành để mưu ích cho con người trong xã hội. Nếu vậy, xét theo ơn gọi được làm tín hữu, việc tận hiến một xã hội cho Đức Mẹ một đàng có liên quan tới bổn phận xã hội của mọi người, đàng khác lại có liên quan tới bổn phận họ phải thực hiện một cách nào đó để Nước Chúa mở rộng hầu con người được cứu độ.

Trong tất cả những lãnh vực xã hội trên, Đức Mẹ cũng luôn luôn hiện diện và hoạt động. Vì thế khi một xã hội tận hiến cho Ngài thì không những họ tỏ ra lòng trọng kính, biết ơn và tin tưởng ở Đức Mẹ, mà còn xưng ra lòng tin về việc Đức Mẹ hoạt động hữu hiệu để cứu đời, đồng thời xin Đức Mẹ nhớ lại bổn phận đó để cộng tác và giúp đỡ loài người, hầu tiến tới mục đích sau cùng đang khi hưởng dùng những ân huệ trong một xã hội hiện tại.

Kinh dâng thế giới cho Đức Mẹ nói lên đầy đủ ý nghĩa ta vừa trình bày: Lạy Mẹ là mẹ chúng con, chúng con nguyện dâng Hội Thánh và loài người cho Trái Tim cực sạch Mẹ, nhờ lòng từ ái, nhờ ơn hộ vực mà nước Chúa chóng khải hoàn thịnh trị cho muôn dân hòa hảo cùng nhau, bằng an với Chúa rập một tiếng cao rao Mẹ là “Bà có phúc” và từ đông chí tây, từ nam chí bắc hợp vầy cùng Mẹ hát lên ngợi khen Magnificat để cảm tạ Chúa Giêsu là nơi có sự thật sự sống, và sự bằng an đời đời. Amen.

(Nguồn: dongcong.net)

Chia sẻ Bài này:

facebookShare Email Email Print Bài này Print Bài này