HÃY CANH CHỪNG, HÃY THỨC TỈNH

Vào thời Chúa Giêsu, không phải là không có ai chờ đợi Đấng Thiên Sai – một vị cứu tinh, mà vấn nạn đặt ra cho dân Do thái là Chúa Giêsu hóa ra chính là Đấng Mêsia mà họ đang mong chờ, nhưng Ngài lại không giống như những gì dân chúng tưởng nghĩ. Do đó, không những họ không nhận ra Con Người ngay trước mặt họ là Đấng Mêsia; mà họ còn chống đối, lên án và giết chết Ngài.

Tương tự như vậy – những cách nghĩ của chúng ta thời nay về Thiên Chúa có thể là trở ngại của chính chúng ta trong việc nhận biết và gặp gỡ Thiên Chúa. Chúng ta có thể bị mù quáng bởi những quan niệm sai lầm và thành kiến ​​của chính mình về Thiên Chúa và Chúa Giêsu. Khi xưa người ta không nhận ra Chúa Giêsu và bây giờ chúng ta cũng không nhận ra Ngài. Đúng như Thánh Gioan Tẩy Giả đã tuyên bố: “Có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết” (Ga 1:26).

Vì vậy, lời khuyên cho Chúa nhật đầu tiên trong năm phụng vụ mới của Giáo hội là: “Anh em phải coi chừng, phải thức tỉnh” (Mc 13: 33).

Việc Đấng Thiên Sai đến được nói đến trong Cựu Ước như một sự kiện vĩ đại, gây chấn động, như trong bài đọc thứ nhất: “Ngài xé trời mà ngự xuống, cho núi non rung chuyển trước Thánh Nhan, như lửa đốt củi khô, như lửa làm cho nước sôi sùng sục! Ngài sẽ khiến cho thù địch Ngài nhận biết Thánh Danh, chư dân sẽ run rẩy trước nhan Ngài, khi thấy Ngài làm những điều kinh hồn táng đởm mà chúng con không ngờ” (Is 63: 19, 64: 1-2).

Nhưng hôm nay chúng ta lại có một hình ảnh khác về việc “chủ nhà đến”. Chúa Giêsu nói “không biết khi nào thời ấy đến… không biết khi nào chủ nhà đến: Lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng… ông chủ đến bất thần” (Mc 13: 33, 35-36). Thiên Chúa, qua con người Chúa Giêsu, đã đến với dân Do thái một cách bất ngờ, đầy ngạc nhiên mà không ai đã có thể nghĩ tưởng tới trước đó: Thiên Chúa đã nhập thể, trở thành một người trong chúng ta bằng xương bằng thịt, là “Emmanuel – Thiên Chúa ở cùng chúng ta.” Đó là điều chúng ta ngày nay mong chờ đặc biệt trong mùa Vọng này, và cả cuộc đời mình.

Thử thách đối với chúng ta là phải tỉnh táo và thức tỉnh về mặt tâm linh để nhận ra Ngài, đó là ý nghĩa thực sự của Mùa Vọng. Nhưng thật không may, đối với không ít người Kitô hữu, Mùa Vọng chỉ là khoảng thời gian bốn tuần phụng vụ trong nhà thờ, chuẩn bị trang trí những dây đèn nhấp nháy, hang đá, ngôi sao, các món quà Giáng sinh. Tất cả những chuyện bên ngoài như thế, thay vì giúp cõi lòng bên trong sốt sắng để “thức tỉnh” về mục đích của đời mình, mong chờ ngày “Con Người quang lâm”, thì lại khiến tâm linh chúng ta “ngủ mê” như bài đọc thứ nhất mô tả: “lạc xa đường lối Thiên Chúa…làm cho lòng chúng con ra chai đá, chẳng còn biết kính sợ Ngài…Không có ai cầu khẩn danh Chúa, cũng chẳng ai tỉnh dậy mà níu lấy Ngài” (Is 63: 17, 64: 6).

Vì vậy – Chúng ta “phải coi chừng, phải thức tỉnh” (Mc 13: 33). Nỗi lo lắng thực sự của chúng ta không gì khác hơn là thức tỉnh, là tự hỏi liệu tôi có đang sống – và chết – trong cơn ngủ quên, trong cái cảm giác mơ hồ mất phương hướng và lạc lối của một kiếp sống vô thường không biết đi về đâu, mà kết cục chỉ là tiêu vong, hư không, vô lý, không còn biết sự hiện hữu của mình hướng vọng về điều gì chắc chắn, qui hướng về Ai vững bền.

Cha Anthony DeMello, một linh mục Dòng Tên nói: “Sống đạo có nghĩa là thức tỉnh. Hầu hết mọi người đều đang ngủ, mặc dù họ không nhận ra điều đó. Họ sinh ra trong ngủ mê, họ sống trong ngủ mê, họ kết hôn trong ngủ mê, họ sinh con trong ngủ mê, họ chết trong ngủ mê mà không hề thức tỉnh. Họ không bao giờ hiểu được sự đáng yêu và vẻ đẹp của điều mà chúng ta gọi là sự hiện hữu của con người” (Awareness – Tỉnh thức). Họ không bao giờ hiểu được làm thế nào để sống cách trọn vẹn, bởi vì họ bị tiêu hao quá nhiều vào vô vàn chuyện trần tục, những áp lực bận rộn của cuộc sống, đến mức cuộc sống của họ không thể coi là sống thực sự. Họ sống theo những gì xảy ra chung quanh họ hoặc những gì họ gây ra cho cuộc sống của mình. Họ sống và chết trong mê lầm như tiên tri Isaia thú nhận: “Tất cả chúng con đã trở nên như người nhiễm uế, mọi việc lành của chúng con khác nào chiếc áo dơ. Tất cả chúng con héo tàn như lá úa, và tội ác chúng con đã phạm, tựa cơn gió, cuốn chúng con đi” (Is 64: 5-6).

Cha Anthony De Mello kể:

  • Một đệ tử là người Do Thái hỏi: “Con phải làm việc lành nào để được Thượng Đế chấp nhận?” Minh Sư trả lời: “Làm sao thầy biết được. Thánh Kinh nói rằng tổ phụ Abraham thực thi lòng hiếu khách và Thiên Chúa ở với ông. Tiên tri Elia say mê việc cầu nguyện và Thiên Chúa ở với ông. Vua David chăm lo việc trị nước và Thiên Chúa cũng ở với ông nữa.”

“Có cách gì con có thể tìm ra việc mà Thượng Đế đã phân định cho riêng con không.”

“Có chứ. Hãy tìm kiếm trong nội tâm con khuynh hướng sâu thẳm nhất, rồi nương theo đó mà hành động.”

Nhưng nhiều người lao vào hành động, rồi rốt cuộc chỉ để làm mọi việc tồi tệ hơn. Hành động của họ phát xuất từ những cảm xúc tiêu cực ẩn kín trong thâm tâm, từ một mặc cảm tội lỗi, giận dữ, căm ghét; từ một cảm xúc bất công hay bất cứ điều gì giống như thế. Hành động của những người vô minh này chỉ thay thế sự bất công này bằng sự bất công khác, sự giận dữ, căm ghét này bằng sự giận dữ, căm ghét khác. Và cứ như thế, tồi tệ hơn, vì chúng không đến từ lòng yêu thương chữa lành.

Không phải là hành động của bạn mà là bản chất của bạn mới có giá trị. Thật không may, chúng ta rất ít quan tâm đến việc thức tỉnh này. Cảnh giác, thức tỉnh theo nghĩa Kinh thánh không phải là sống trong lo sợ về mọi thứ hiểm nguy có thể xẩy đến, rồi lao vào đủ mọi thứ để cố quên đi nỗi khắc khoải về sự phi lý của kiếp người, như Albert Camus, một nhà văn triết gia người Pháp, nhận thấy: “Một người muốn kiếm tiền để được hạnh phúc, và toàn bộ nỗ lực của cuộc đời người ấy đều được cống hiến cho việc kiếm được số tiền đó. Hạnh phúc bị lãng quên; phương tiện thay thế cho mục đích cuối cùng” (Albert Camus, Huyền thoại về Sisyphus và các tiểu luận khác). Cũng trong tác phẩm này, Camus thấy con người mình “sẽ mãi mãi không thể xác định được. Giữa sự chắc chắn mà tôi có về sự hiện hữu của mình và ý nghĩa mà tôi cố gắng gán cho sự hiện hữu chắc chắn đó, khoảng cách sẽ không bao giờ được lấp đầy. Mãi mãi tôi vẫn là người xa lạ với chính mình.”

“Thức tỉnh” là “phản tỉnh”, thoát ra khỏi tình trạng “vong thân”, để trở nên đích thực là mình: nhận ra mình là ai, không còn thấy mình xa lạ với chính mình, nhận thức con đường mình đang đi, đón nhận ánh sáng để biết đâu là chân lý phải theo. Thức tỉnh là “đánh thức” mình dậy khỏi cơn mê ngủ “vô minh”. Đó là thái độ khôn ngoan người tín hữu phải có khi sống ở trần gian.

Meister Eckhart, linh mục và nhà thần bí người Đức, nói: “Mọi người không nên lo lắng quá nhiều về những gì họ làm mà thay vào đó là về những gì họ là. Nếu họ và cách sống của họ tốt lành thì việc làm của họ sẽ rạng ngời. Nếu bạn là người công chính thì việc làm của bạn cũng sẽ công chính. Chúng ta không nên nghĩ rằng sự thánh thiện dựa trên những gì chúng ta làm mà đúng hơn là dựa trên con người chúng ta, vì không phải việc làm của chúng ta thánh hóa chúng ta mà là chính chúng ta thánh hóa việc làm của mình. Dù các việc làm của chúng ta có thánh thiện đến đâu, chúng cũng không làm cho chúng ta nên thánh vì chúng chỉ là các việc làm, nhưng chính chúng ta, càng thánh thiện và trở nên chính mình cách trọn vẹn, thì chúng ta thánh hóa mọi việc làm của chúng ta, cho dù đó là những việc như  ăn, ngủ, thức, hay bất cứ điều gì” (Selected Writings).

Ngay cả việc tôi mang thức ăn cho người đói, mang nước cho người khát, hay thăm kẻ tù rạc liệu có ích gì nếu tôi làm những việc đó chỉ để phô trương “cái tôi quy kỷ – egocentric.” Khi đó, người đói khát và tù rạc chỉ là một phương tiện cho mục đích quảng cáo thương hiệu “vị kỷ” của tôi; tôi vẫn chưa thức tỉnh, vẫn vô minh, vẫn ảo tưởng về giá trị của việc “bác ái” của mình, mà lẽ ra các việc đó phải là cách giúp tôi “từ bỏ chính mình, xóa mình – self-denial” để trở nên sẵn sàng chấp nhận mất mát, thiệt thòi vì yêu thương hết lòng, như Chúa Giêsu: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15: 13). Thay vì “dốc đổ chính mình – self-emptiness” tôi lại âm thầm tìm cách “làm đầy chính mình – self-fulfilment” bằng tiền bạc, của cải vật chất, tiếng tăm, thú vui, theo chuẩn mực của “cõi người tham sân si”. Liệu lòng dạ tôi đã có thể buông bỏ “cái tôi quy ngã” để trở nên chỉ còn là yêu thương chưa? Chúa Giêsu không ngừng lên tiếng: “Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15: 12). Ngài chỉ ra con người thật của chúng ta: “Đối với anh em cũng vậy: khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi” (Lc 17: 10).

Thánh Phaolô tha thiết nói: “Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi” (1 Cr 13: 3).

Thức tỉnh như thế quả là một thách đố quá khó khăn nếu chỉ nhắm vào sức riêng của chúng ta. Yêu như Chúa yêu không phải là kết quả của năng lực riêng của chúng ta. Tình yêu ấy phải được kín múc từ nguồn yêu thương không hề cạn là Chúa Giêsu. Nếu Chúa Giêsu trao phó cho chúng ta sứ mệnh yêu thương như Ngài, thì chính Ngài làm trổ sinh trong chúng ta những hoa trái của một tình yêu như thế: “Chính Thầy đã tuyển chọn và cắt đặt anh em để anh em ra đi và sinh nhiều hoa trái và để hoa trái của anh em tồn tại” (Ga 15: 16). Chúng ta có thể loan báo tình yêu tột cùng này và làm chứng về tình yêu ấy bằng chính đời sống của ta chỉ khi ta thức tỉnh về giới hạn của mình, tin tưởng trở về với Đấng duy nhất có thể khơi nguồn tình yêu ấy trong ta. “Tất cả những gì các con xin Chúa Cha nhân danh Thầy, người sẽ ban cho các con” (Ga 16: 23).

Như vậy, để có thể “thức tỉnh”, con người cần “lắng nghe và làm theo” lời Chúa dạy: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14: 6) và kết quả của việc bước theo Chúa Giêsu là: “Tôi là ánh sáng đến thế gian, để bất cứ ai tin vào tôi, thì không ở lại trong bóng tối” (Ga 12: 46). Đó là lời hứa của Chúa Giêsu: “Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống” (Ga 8: 12) một sự sống dồi dào: “Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10:10).

Thức tỉnh là lấy lòng yêu thương và sự hòa hợp làm lẽ sống của chúng ta. Đó là luôn có tâm tình biết ơn, trân quý mọi khoảnh khắc cuộc đời, tha thứ, xin lỗi và vui mừng được sống trong vòng tay chắc chắn của Thiên Chúa mỗi ngày, trong cộng đồng nhân loại  – là liên tục sống mỗi ngày trong ân sủng của Chúa Kitô, để Ngài đi vào cuộc sống mỗi ngày của chúng ta. Điều chúng ta nên tự vấn là: tôi muốn sống và chết trong trạng thái tâm linh nào. Tôi có thức tỉnh luôn mãi không? Nghĩa là tôi luôn có ánh sáng, sự thật và sự sống của Thiên Chúa, là Chúa Giêsu, trong con người mình không? Hay tôi đang trở nên lười biếng trong đời sống đức tin và có thể rơi vào tình cảnh ngủ mê “ông chủ đến bất thần, bắt gặp anh em đang ngủ” (Mc 13; 36).

Để đạt tới Sự Tỉnh Thức trọn vẹn, chúng ta cần khiêm hạ nài xin ơn trợ giúp của Thiên Chúa như Thánh Phaolô đề cập trong bài đọc thứ hai: “Anh em không thiếu một ân huệ nào, trong lúc mong đợi ngày Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, mặc khải vinh quang của Ngài. Chính Ngài sẽ làm cho anh em nên vững chắc đến cùng, nhờ thế không ai có thể trách cứ được anh em trong Ngày của Chúa chúng ta là Chúa Giêsu Kitô” (1 Cr 7-8).

Phêrô Phạm Văn Trung

Chia sẻ Bài này:

facebookShare Email Email Print Bài này Print Bài này