CHUẨN BỊ NGÀY CHÚA ĐẾN

Việc đồn đoán  Ngày Tận Thế không phải chỉ có trong những năm tháng gần đây mà đã từng  xảy ra  ngay trong thời giáo hội sơ khai. Vì vậy thánh Phao Lô  đưa ra lời trấn an: “ Thưa anh em, về ngày Đức Giê Su Ki Tô Chúa chúng ta quang lâm và tập hợp chúng ta về với Ngài, tôi xin anh em điều này: Nếu có ai bảo rằng: Chúng tôi đã được thần khí mặc khải hoặc đã nói, đã viết thư  quả quyết rằng ngày của Chúa gần đến thì anh em đừng vội để cho tinh thần dao động, cũng đừng hoảng sợ. Đừng để ai lừa dối anh em bất cứ cách nào…

`…( Bởi vì ) trước đó phải có hiện tượng chối đạo và người ta phải thấy xuất hiện con người gian ác, đứa hư hỏng. Tên đối thủ tôn mình lên trên tất cả những gì được gọi là thần và được sùng bái, thậm chí nó còn ngồi trong đền thờ Thiên Chúa và tự xưng là Thiên Chúa. Khi còn ở với anh em, tôi đã từng nói những điều ấy, anh em không nhớ sao? Anh em biết cái gì đang cầm giữ nó, khiến nó chỉ có thể xuất hiện vào thời của nó. Thật vậy, mầu nhiệm của sự gian ác đang hoành hành, chỉ đợi người cầm giữ nó bị gạt ra một bên. Bấy giờ tên gian ác sẽ  xuất hiện, kẻ mà Chúa Giê Su sẽ giết chết bằng hơi thở từ miệng Người và sẽ tiêu diệt bằng ánh huy hoàng khi Người quang lâm…

…Còn việc tên gian ác xuất hiện là do tác động của Sa Tan, có kèm theo đủ thứ dấu kỳ, phép lạ, điềm thiêng và đủ thứ mưu gian chước dối nhằm làm hại những kẻ bị hư mất vì đã không đón nhận lòng yêu mến chân lý để được cứu độ” ( 2Tx 2, 1 -10 )

Theo thánh Phao Lô, có hai dấu hiệu báo trước Ngày Chúa đến. Một là phải có hiện tượng chối đạo ( Bội Giáo ). Hai là tên gian ác xuất hiện. Chối đạo có nghĩa là chối bỏ con đường của Đức Giê Su ki Tô mà giáo hội Công giáo Tông Truyền đã theo đuổi trong bấy lâu nay. Việc…chối đạo ấy trước hết đã diễn ra tại cái gọi là Tiến Trình Công Nghị Đức với các biểu quyết về việc phong chức Linh Mục cho phụ nữ. Bãi bỏ luật độc thân Linh Mục. Xét lại giáo lý về tính dục. Chúc lành cho các cặp hôn nhân đồng tính v.v…

Lẽ ra với các hoạt động công khai cũng như đưa ra các quan điểm chống lại đức tin Công giáo như thế, giáo hội đã phải ra vạ tuyệt thông cho nhóm phản đạo này nhưng Vatican vẫn…làm ngơ để rồi đã xảy ra liên tiếp  những vụ Đại Nghịch Bất Đạo khác chẳng hạn như có giáo xứ đã…mời một người đàn  bà…cùng đồng tế, đọc lời truyền phép trong một Thánh Lễ và mới đây nhất: HĐGM Bỉ: Hôm thứ ba 20 tháng 9, hồng y Jozep De Kesel  của Mechelen – Brussels và các giám mục khác đã xuất bản một tài liệu có tiêu đề “ Gần gũi về mặt  mục vụ với những người đồng tính. Vì một Giáo hội chào đón không loại trừ một ai” Trong đó họ đã thông báo về việc áp dụng các nghi thức chúc lành cho các cặp đồng tính trong giáo  phận của họ. Họ cũng công bố cái gọi là nghi thức phụng vụ cho việc  chúc lành các kết hợp đồng tính luyến ái…

…Tờ Nederlad nhận định: “ Làm như vậy, họ đã chống lại Vatican” và nhận xét cay đắng rằng: “Thay vì rửa tội cho thế gian, các hồng y và giám mục này đang giơ đầu cho thế gian rửa tội họ” ( Nguồn Vietcatholic News 23/9/2022 Đức ông Charles Pope: Hãy cẩn thận, dâm ô dẫn chúng ta đến cái chết đời đời )

Tại sao các giám mục, hồng y tại Đức cũng như Bỉ hiện nay dám công khai thách thức Vatican như thế ? Bởi vì đứng đàng sau họ chính là Sa Tan mà theo Thánh Phao Lô nói đó là mầu nhiệm của sự gian ác. Chúa Giê Su sẽ đến trong lần thứ hai để phán xét kẻ lành, kẻ dữ. Đó là điều tín hữu chúng ta vẫn tuyên xưng trong các Thánh Lễ hàng ngày cũng như mỗi khi đọc Kinh Tin Kính.

Thế nhưng với những hồng y, giám mục đã công khai phản bội bằng  những thái độ và hành vi trái đạo như thế chứng tỏ họ chẳng tin gì vào Đức Giê Su cùng với những  ngày khủng khiếp đã được tiên báo: “ Vì khi ấy sẽ có  hoạn nạn lớn đến nỗi từ buổi sáng thế đến nay chưa từng có mà hẳn cũng chẳng hề có nữa. Nếu những ngày ấy không được rút bớt lại thì chẳng có loài xác thịt nào được cứu thoát. Song vì cớ tuyển dân, những ngày ấy sẽ được rút bớt lại” ( Mt 24, 21 -23 ).

Những tuyển dân Chúa nói đây tức là những người còn có lòng tin vào Lời Chúa rằng sẽ có Ngày Tận Thế cũng như  cầu nguyện, chờ đợi ngày ấy đến. Cũng vì những tuyển dân như thế, Chúa Giê Su và Đức Mẹ đã đưa ra lời cảnh báo một lần nữa thông qua Thánh Faustina:

“ Con sẽ chuẩn bị thế giới cho lần đến sau cùng của Cha ( NK 429 ). Còn Đức Mẹ nói: “ Mẹ đã ban Đấng Cứu Độ cho thế gian. Còn con, con phải nói cho thế giới biết về lòng thương xót bao la của Người và chuẩn bị cho thế giới tiếp đón Người đến lần thứ hai. Người không đến trong tư cách Đấng Cứu Độ nhân lành nhưng trong tư cách Thẩm Phán Chí Công” ( NK 635 ).

Chúa đến lần thứ hai trong tư cách Thẩm Phán Chí Công. Điều ấy thật đáng sợ cho những kẻ gian ác, chối đạo đã không thực thi những giới răn của Thiên Chúa nhất là với những con người đã được Thánh Hiến nhưng phản bội Đức Ki Tô ( Antichrist ).

Vậy còn những…tuyển dân tức những người vẫn đêm ngày cầu nguyện thì sao ? Họ phải chuẩn bị những gì cho Ngày Chúa đến ?. Đối với những người không tin có Ngày Chúa đến thì không nói làm gì, nhưng với những kẻ tin thì họ cũng có sự chuẩn bị đấy nhưng nhiều khi chẳng có tác dụng và cũng không đúng như lời Chúa nói:“ Hãy sẵn sàng vì Con Người đến bất ngờ” ( Mt 24, 44 ).

Những năm trước đây, người Công giáo nghe đồn đoán sắp đến Ngày Tận Thế  và trước ngày đó sẽ có ba ngày ba đêm tối đen. Trong ba ngày ấy  phải đóng cửa ở trong nhà, thắp nến đã được làm phép và  lần hạt Mân Côi. Nhưng rồi những lời đồn ấy hết lần này đến lần kia chẳng xảy ra và rút cục lòng tin đã bị sút giảm, chẳng những người ta không còn tin Ngày Chúa đến mà ngay Lời Chúa trong Kinh Thánh cũng…chẳng đáng tin !!!

Con người chỉ có được đức tin khi cố gắng thực hành, nếu không đó chỉ là đức tin chết ( Gc 2, 17 ). Không có sự thực hành thì đức tin chỉ là viển vông vô nghĩa. Chúa chọn gọi và mạc khải cho Thánh Faustina hai việc cần thiết để chuẩn bị cho Ngày Ngài đến. Một là Bức Ảnh và hai là Chuỗi Kinh Lòng Thương Xót.

Ngày 22 tháng 2 năm 1931, lần đầu tiên chị Faustina đã nhận được mạc khải liên quan đến cuộc đời  của chị: Làm thư ký khả tín và sứ giả cho Lòng Thương Xót của Thiên Chúa dành cho toàn thể nhân loại. Chị Thánh đã tả lại biến cố ấy như sau:

“ Vào buổi tối lúc đang ở trong phòng, tôi được nhìn thấy Chúa Giê Su trong y phục màu trắng. Một tay Người giơ lên trong tư thế ban phép lành. Tay kia chạm vào ngực áo. Từ phía dưới trang phục hơi chếch một bên ngực, phát ra hai luồng sáng lớn, một màu đỏ và một màu xanh nhạt…

…Trong thinh lặng, tôi chăm chú chiêm ngắm Chúa, linh hồn tôi bàng hoàng nhưng cũng dạt dào trong  niềm hoan lạc. Sau một lúc Chúa Giê Su phán bảo tôi: Hãy vẽ một bức ảnh theo như mẫu con nhìn thấy với hàng  chữ: “ Lạy Chúa Giê Su, con tín thác nơi Chúa”. Cha ước mong bức ảnh này được tôn kính trước là trong nhà nguyện của các con và ( sau đó là ) khắp thế giới. Cha hứa rằng linh hồn nào tôn kính bức ảnh này sẽ không bị hư mất. Cha cũng hứa cho họ vinh thắng những kẻ thù ngay trên thế gian này nhất là trong giờ lâm tử. Chính Cha sẽ  bảo vệ họ như vinh quang riêng của Cha” ( NK 47 -52 ).

Trải qua nhiều trở ngại, bức ảnh Chúa Thương Xót, ngày nay đã được đặt nơi nhiều nhà thờ cũng như tại các gia đình Công giáo ngoan đạo. Thế nhưng sự thực để được xuất hiện cách công khai như thế, Bức Ảnh này đã bị chính những nữ tu trong nhà dòng nghi ngờ và đả kích  gay gắt.

Ngay khi nghe chị trình bày về Bức Ảnh được Chúa mạc khải, chị đã phải chịu một nỗi nhục nhã ê chề khi một bà bề trên nọ nói thẳng vào mặt: “ Cái chị dở hơi, đồ thị kiến điên khùng, xéo khỏi cái phòng này ngay, đừng có mà nói vớ nói vẩn. Bề trên ấy tiếp tục trút xuống đầu Faustina mọi thứ bà có thể nghĩ ra” ( NK 130 ).

Mạc khải của Đức Ki Tô quả thật  rất khó để  chấp nhận ngay cả với giáo hội xưa nay cũng thế. Lý do khiến Chúa Giê Su dùng Bức Ảnh Chúa Thương Xót với lời ghi ở bên dưới “ Lạy Chúa Giê Su, con tín thác nơi Chúa” mục đích là để khôi phục lại lòng tin mà nhân loại ngày nay hầu như đã mất. Đang khi đó đức tin vào Chúa Giê Su là đường là sự thật và là sự sống  là điều vô cùng quan hệ để được cứu: “ Ta là sự sáng đến thế gian. Hầu hễ ai tin Ta thì chẳng cứ ở trong tối tăm” ( Ga 12, 46 ).

Có tin và thực hành lời Đức Ki Tô thì mới…ở trong sự sáng. Ngược lại sẽ ở trong tối tăm và sự tối tăm ấy chính là đi theo Con Đường Tục Hóa và đó cũng chính là chủ trương “ Gần gũi về mặt mục vụ với người đồng tính. Vì một giáo hội chào đón không loại trừ một ai”. Chào đón và chúc phúc cho những cặp hôn nhân đồng tính thì có khác nào…chào đón tội lỗi và như thế chẳng phải là đã phản bội công cuộc Cứu Độ của Đức Ki Tô đó sao ?

Với một giáo hội hầu như đã mất đức tin như thế thì việc Chúa dùng bức ảnh Chúa Thương Xót  hầu vực dậy đức tin cho Dân Chúa  xem ra đơn giản  nhưng lại hết sức hiệu nghiệm. Tại sao? Bởi vì Bức Ảnh ấy khi được đặt trang trọng nơi Thánh Đường hay gia đình  sẽ khiến  người ta  như được nhắc nhở về sự hiện diện của Chúa cùng với câu “ Lạy Chúa Giê Su con tín thác nơi Chúa”. Hình ảnh và câu tín thác ấy mặc dù không được để ý nhưng qua năm tháng nó sẽ được in sâu vào tâm trí để rồi đến ngày phán xét chung hay riêng thì chính hình ảnh và tâm tình tín thác ấy sẽ đến và cứu giúp chúng ta. Chúa Giê Su nói với Thánh Faustina về giá trị Bức Ảnh: “Sự cao quý của bức ảnh này không hệ ở nét đẹp của màu sắc  hay của nét vẽ nhưng ở ân sủng Cha ban” ( NK 313 ).

Một ân sủng lớn lao khác được dùng để chuẩn bị cho Ngày Chúa đến đó là Chuỗi Kinh Lòng Thương Xót: “ Con hãy đọc không ngừng chuỗi kinh mà Cha đã dạy cho con. Bất cứ ai đọc Chuỗi Kinh này  sẽ nhận được lòng thương xót bao la trong giờ lâm tử. Các linh mục hãy giới thiệu  Chuỗi Kinh  ấy  cho các tội nhân  như niềm trông cậy sau cùng  cho Ơn Cứu Rỗi. Một tội nhân dù chai đá cứng lòng đến mấy nhưng nếu đọc Chuỗi Kinh này  dù chỉ một lần duy nhất  mà thôi cũng sẽ nhận được Ơn Thánh do lòng lân tuất vô cùng của Cha. Cha khát khao ban trào tràn những ơn sủng khôn lường cho những linh hồn tín thác vào lòng thương xót của Cha” ( NK 687 ).

Chúa nói một tội nhân dù chai đá cứng lòng đến mấy cũng sẽ nhận được Ơn Cứu Rỗi nhất là trong giờ lâm tử. Thế nhưng để nhận được ơn cao trọng ấy  thì tại sao chúng ta lại không thực hành Chuỗi Kinh này mỗi ngày vào lúc 03 giờ chiều để tưởng nhớ cuộc  khổ nạn của Chúa? Được sống như một con người, hơn nữa lại là Ki Tô Hữu đó là một ơn vô cùng lớn. Vì vậy chúng ta không thể làm uổng phí thời gian quý báu trong những năm tháng, ngày giờ chuẩn bị  Chúa đến  bằng những thú vui giả tạm đời này hay những lo toan thế tục chẳng giúp ích gì cho Sự Sống Đời Đời !

“ Ôi, Cha sẽ ban những ơn sủng trọng đại biết bao cho những linh hồn đọc Chuỗi Kinh LTX  sâu nhiệm của Cha. Cha cảm kích vì những người đọc Chuỗi Kinh này. Hỡi ái nữ của Cha, con hãy ghi chép những lời này. Con hãy nói cho toàn thế giới  về Lòng Thương Xót vô biên của Cha. Đó là một dấu chỉ  cho thời đại cuối cùng, sau đó sẽ là ngày công thẳng. Trong lúc vẫn còn thời giờ, hãy để họ đến nương nhờ suối nguồn thương xót của Cha và mưu ích từ Máu và Nước đã trào tuôn cho họ” ( NK 848 ).

Ngoài Bức Ảnh và Chuỗi Kinh LTX, Chúa Giê Su còn thể hiện Lòng Thương Xót của Ngài với những ai tham dự Lễ Kính LTX  được tổ chức ngay sau đại lễ Phục Sinh: “ Ái nữ của Cha, con hãy nói cho cả thế giới biết về lòng thương xót khôn lường của Cha. Cha ước mong đại lễ kính Lòng Thương Xót  Cha trở thành chỗ nương náu và trú ẩn  cho mọi linh hồn  nhất là các tội nhân đáng thương. Trong ngày hôm ấy, lượng thương xót dịu hiền thẳm sâu của Cha sẽ được khai mở. Cha trào đổ cả một đại dương ân sủng xuống cho các linh hồn tìm đến với nguồn mạch xót thương của Cha. Người nào xưng tội và chịu lễ sẽ được lãnh nhận hồng ân thứ tha mọi tội lỗi và hình phạt. Ngày hôm ấy mọi chốt ngăn  những nguồn thác ân sủng sẽ được tháo mở” ( NK 699 ).

Chúa hứa, người nào xưng tội, rước lễ trong ngày đại lễ kính Lòng Thương Xót sẽ được nhận lãnh hồng ân thứ tha mọi tội lỗi và hình phạt. Đây quả là hồng ân chưa từng có bởi lẽ việc xưng tội, rước lễ như tín hữu chúng ta vẫn làm trước đây có thể chẳng  mang lại ơn ích gì  mà còn bị đoán phạt nếu  mang tội trọng nơi mình.

Nhưng nay, với đại lễ  kính LTX khi nguồn thác ơn sủng đã được tháo mở  thì việc xưng tội, rước lễ lại là hồng ân. Không phải Chúa không xét đến tội nhưng chỉ vì lòng tin vào Lời Hứa của Chúa mà người ấy đã được tha mọi tội lỗi và hình phạt.

Lòng tin vào Lời Hứa của Thiên Chúa  là nền tảng của việc sống đạo dù trong thời Cựu hay Tân Ước.“ Bởi đức tin, Apraham khi được gọi bèn vâng lời ra đi đến nơi mình sẽ nhận làm cơ nghiệp. Người ra đi mà không biết mình đi đâu ? Bởi đức tin, người kiều ngụ trong xứ đã hứa như trong xứ lạ, ở trong trại với Isaac và Giacop là kẻ đồng thừa tự cùng một lời hứa với mình” ( Dt 11, 8 -9 ).

Tổ phụ Apraham vì vâng lời mà ra đi nên mới nhận được lời hứa. Giả dụ dù có lòng tin mà không vâng lời ra đi thì cũng chẳng ích lợi gì ! Chúa Giê Su Ki Tô mạc khải cho biết cần chuẩn bị cho ngày Ngài đến qua hai việc tôn sùng Bức Ảnh Chúa Thương Xót và siêng năng lần Chuỗi Kinh LTX  thì hãy cứ vâng theo mà làm sẽ có ơn ích. Điều này cũng ví như trong tiệc cưới Ca Na, khi nhà tiệc hết rượu, Đức Mẹ cầu cứu với Chúa  Giê Su nhưng Ngài nói: Việc này nào có quan hệ đến Mẹ, Con chúng ta ? Ấy vậy nhưng Đức Mẹ biết rõ tình thương của Chúa nên nói với đám gia nhân: “ Hễ Người bảo gì thì hãy làm theo” ( Ga 2, 4 -5 )./.

Phùng  Văn  Hóa

Chia sẻ Bài này:

facebookShare Email Email Print Bài này Print Bài này