Chúa Nhật 12 Thường Niên Năm B

 12th Sunday in Ordinary Time
Reading 1: Jb 38:1, 8-11; Reading 2: 2 Cor 5:14-17; Mark 4:35-41

35 On that day, as evening drew on, Jesus said to his disciples:  “Let us cross to the other side.”
Leaving the crowd, they took Jesus with them in the boat just as he was. And other boats were with him.
A violent squall came up and waves were breaking over the boat, so that it was already filling up.
Jesus was in the stern, asleep on a cushion.
They woke him and said to him,
“Teacher, do you not care that we are perishing?”
He woke up,
rebuked the wind, and said to the sea, “Quiet! Be still!”
The wind ceased and there was great calm.
Then he asked them, “Why are you terrified?
Do you not yet have faith?”
They were filled with great awe and said to one another,
“Who then is this whom even wind and sea obey?”

Chúa Nhật 12 Thường Niên
Bài đọc 1: G 38,1.8-11; Bài đọc 2: 2 Cr 5,14-17; Máccô 4,35-41

35 Hôm ấy, khi chiều đến, Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Chúng ta sang bờ bên kia đi!”
36 Bỏ đám đông ở lại, các ông chở Người đi, vì Người đang ở sẵn trên thuyền; có những thuyền khác cùng theo Người.
37 Và một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước.
38 Trong khi đó, Đức Giê-su đang ở đàng lái, dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ. Các môn đệ đánh thức Người dậy và nói: “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?”
39 Người thức dậy, ngăm đe gió, và truyền cho biển: “Im đi! Câm đi!” Gió liền tắt, và biển lặng như tờ.
40 Rồi Người bảo các ông: “Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?”
41 Các ông hoảng sợ và nói với nhau: “Vậy người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?”

Interesting Details

– (vv. 35-37) The wind and the sea are ancient symbols of chaos and of evil that struggle against God. The early Christian community considered the boat a symbol of the church.

– (v. 38) The disciples have seen Jesus healed all kinds of sickness, and drove out demons(chapters 1-3). Now that they are with him in a raging storm, he sleeps. They conclude that Jesus does not care for them! A peaceful and untroubled sleep is a sign of complete trust in God (Prov 3:24, Job 11:18-19), Jesus’ ability to sleep in the middle of a storm reflects his complete confidence in God.

– (v. 39) The words which Jesus uses to address the wind and sea are the same words he has used earlier to rebuke the demons in a man (Mk 1:25). This suggests that in this story Jesus is also demonstrating his control over the powers of evil.

– (v. 40) The Hebrew and Greek words which are translated to English as “faith” are actually better translated as “personal loyalty” or “personal commitment.” Jesus reprimands the disciples for letting their fear of death shaken their loyalty to him.

– (v. 41) Control over the sea and wind are characteristic signs of divine power. Calming of a storm is also a major proof of God’s loving care (Ps 107:23-32).

Chi tiết hay

– (cc. 35-37) Vào thời thượng cổ, gió và biển là tượng trưng cho náo loạ n và sự dữ, luôn chiến đấu với Thiên Chúa. Giáo hội tiên khởi được coi như là một con thuyền.

–  (c. 38) Các môn đệ đã từng thấy Chúa Giêsu chữa nhiều bệnh tật, và trừ được quỷ (chương 1-3). Thế mà khi họ phải lao đao giữa cơn bão biển, Chúa Giêsu lại ngủ. Họ kết luận rằng Chúa Giêsu chẳng lo nghĩ gì đến họ! Sách Cách Ngôn (3,24) dùng giấc ngủ an bình để tả lòng tin tưởng hoàn toàn nơi Thiên Chúa. Việc Chúa Giêsu có thể ngủ ngay lúc bão táp là dấu chỉ lòng tin tuyệt đối vào Thiên Chúa của Ngài.

– (c. 39) Những lời Chúa Giêsu dùng để nói với bão biển, “Im đi! Câm đi!”, cũng cùng là lời Chúa đã dùng để trừ quỷ (Máccô 1,25). Như thế, quyền năng của Chúa Giêsu trên sóng gió ngụ ý nói về quyền năng của Người trên thần dữ.

– (c. 40) Chữ “lòng tin” khi dùng trong xã hội Hy Lạp hay Do Thái thời đó có nghĩa là “lòng trung thành”. Chúa Giêsu trách các môn đệ đã để sự nhát gan làm lung lay lòng trung thành của họ đối với Người.

– (c. 41) Quyền năng trên biển và bão tố là dấu hiệu một quyền năng đến từ Thiên Chúa (Thánh Vịnh 107,23-32).

 

One Main Point

The presence of Jesus brings peace to our hearts. To travel with Jesus is to travel in peace even in the storms of life. Trust him at all times and in all circumstances.

Một Điểm Chính

Sự hiện diện của Chúa mang bình an đến cho tâm hồn. Đi với Chúa Giêsu là đi trong bình an, dù là đi giữa bão tố của đời. Hãy tin tưởng vào Chúa luôn luôn và trong mọi biến cố.

Reflections

1.                   What are the storms in my life right now? (It can be a situation or a struggle from within).

2.                   I am with Jesus on a raging sea. Would I stay by his side as water fills the boat? Would I wake him up to ask for a miracle? Would I look to other gods to calm the sea?

Suy Niệm

1.                   Đời tôi hiện nay đang ở trong cơn bão tố nào? Có thể là một biến cố bên ngoài hay một cuộc chiến trong tâm hồn.

2.                   Nếu như Chúa Giêsu ở bên cạnh tôi khi tôi lao đao giữa giông tố ngoài biển khơi, thì tôi sẽ làm gì? Tôi có vẫn ngồi bên Người ngay khi khi nước trào ngập thuyền? Tôi có đánh thức Người dậy để xin một phép lạ? Tôi có bỏ đi tìm một quyền năng nào khác để làm lặng xuống những sóng gió trong tôi?

 

Thử thách trong cuộc đời – ĐTGM. Ngô Quang Kiệt
Trong đời ta gặp nhiều trường hợp giả vờ rất đáng yêu. Chẳng hạn bà mẹ trẻ giả vờ trốn đứa con nhỏ, để nó phải lo âu đi tìm. Và khi thấy nó đã lo âu đến độ tuyệt vọng, sắp khóc đến nơi, bấy giờ bà mẹ mới xuất hiện. Vừa thấy bà mẹ xuất hiện, đứa trẻ vui mừng khôn xiết. Và nó càng yêu mến, càng bám chặt lấy mẹ nó hơn nữa.
Chúa Giêsu cũng có nhiều lần giả vờ như thế. Lần giả vờ được minh nhiên ghi lại trong Tin Mừng là khi Người cùng hai môn đệ đi trên đường Emmaus. Khi đã đến nơi, Người giả vờ muốn đi xa hơn, làm cho các môn đệ phải tha thiết nài nỉ Người mới chịu ở lại. Khi Người ở lại, các môn đệ vui mừng khôn xiết. Và niềm vui lên đến tuyệt đỉnh khi các môn đệ nhận ra Người lúc bẻ bánh.
Hôm nay tuy Tin Mừng không minh nhiên ghi lại, nhưng ta có thể đoán biết Chúa Giêsu đang giả vờ. Vì sóng to gió lớn dập vùi làm cho thuyền chòng chành nghiêng ngả, nước tràn vào đến nỗi thuyền có nguy cơ bị chìm đắm, trong khi đó các tông đồ xôn xao chạy ngược chạy xuôi, hò hét nhau tìm cách tát nước ra. Giữa khung cảnh như thế, làm sao có thể nằm ngủ ngon lành được. Chỉ có thể là giả vờ. Việc giả vờ của Chúa phát xuất do tình yêu.
Vì yêu thương ta, Chúa muốn ta đáp lại tình yêu thương của Chúa. Đó là định luật thông thường trong tình yêu. Khi yêu ai cũng muốn được đáp trả. Chúa không đi ra ngoài định luật thông thường đó. Người tha thiết yêu ta. Người mong ta yêu mến gắn bó với Người, nên đôi khi Người giả vờ lãng quên để ta nhớ mà chạy đến với Người, gắn bó với Người hơn. Như bà mẹ muốn đứa con tỏ ra cần đến mẹ, tha thiết đi tìm mẹ, hốt hoảng khi không thấy mẹ, Chúa cũng mong ta cần đến Chúa, tha thiết đi tìm Chúa và hốt hoảng lo âu khi thấy vắng bóng Chúa.
Vì yêu thương ta, Chúa muốn rèn luyện ta nên người. Để rèn luyện ta, Chúa gửi những thử thách tới. Cuộc đời ví như mặt biển cả mênh mông. Mỗi người là một con thuyền lênh đênh trên mặt nước. Sóng gió là những thử thách trong cuộc đời. Những thử thách Chúa gửi đến giúp ta trưởng thành ở ba phương diện.
Những thử thách giúp ta biết mình hơn. Bình thường ta nghĩ mình chẳng kém thua ai. Nhưng khi gặp thử thách mới biết mình thật yếu đuối. Thánh Phêrô thấy Chúa đi trên mặt nước thì tưởng mình cũng đi được. Nhưng chỉ được mấy bước đã chìm xuống. Các tông đồ là những bạn chài đã quen với sóng nước. Thế mà vẫn kinh hoảng trước bão tố. Đã chứng kiến biết bao phép lạ Chúa làm, nhưng khi gặp gió bão vẫn hoảng kinh. Thử thách giúp ta biết mình. Biết mình để thêm khôn ngoan, thêm trông cậy và nhất là để biết rèn luyện bản thân cho tiến bộ hơn.
Thử thách giúp ta biết yêu mến, cậy trông vào Chúa hơn. Có thử thách ta mới biết sức mình, biết có những việc ở ngoài tầm tay của mình, chẳng ai có thể giúp mình ngoài Chúa. Vì thế gặp nhiều thử thách giúp ta biết cậy trông phó thác vào Chúa hơn. Gặp thử thách ta mới biết chẳng ai yêu thương ta bằng Chúa. Chúa sẽ không để ta bị thử thách quá sức chịu đựng, nên ta sẽ biết yêu mến Chúa hơn.
Thử thách giúp đức tin vững mạnh. Chẳng có thử thách nào kéo dài mãi mãi. Chúa chỉ cho thử thách một thời gian. Rồi Chúa lại can thiệp để sóng yên biển lặng. Khi sóng yên biển lặng rồi, các môn đệ càng vững tin nơi Chúa hơn. Để từ nay các ngài không còn cuống quít lo sợ mỗi khi gặp gian nan nữa. Đời sống mỗi người chúng ta cũng thế. Ai càng gặp nhiều thử thách thì càng trở nên từng trải, vững vàng.
Đời sống không thể thiếu thử thách. Hãy biết rằng Chúa cho phép thử thách vì yêu thương ta, để rèn luyện ta nên người. Hơn nữa Chúa luôn ở bên ta. Vì thế ta hãy vững tin, hãy cậy trông phó thác và hãy biết tận dụng những khó khăn để đức tin thêm vững mạnh. Thử thách rồi sẽ qua đi. Nhưng cách ta phản ứng trước thử thách lại tồn tại và tạo thành giá trị đời ta. Ước gì mọi thử thách ta gặp trong đời đều biến thành cơ hội cho ta được thêm lòng, lòng cậy và lòng mến Chúa.
GỢI Ý CHIA SẺ
1) Tại sao Chúa cho ta bị thử thách? Thử thách có cần thiết không?
2) Thử thách giúp ta trưởng thành thế nào?
3) Ta phải sống thế nào trong thử thách để vượt lên trên thử thách?

 

Suy niệm CHÚA NHẬT 12 THƯỜNG NIÊN – B Lời Chúa: G 38,1.8-11; 2Cr 5,14-17; Mc 4,35-41

Suy niệm về Lễ Chúa Nhật Thường Niên XII – Năm B

Đức Giêsu là Chúa!

Trong Bài Tin Mừng Ngày Chúa Nhật hôm nay, Chúa Nhật XII Thường Niên B, (Mc 4,35-41), Chúa Giêsu “ngăm đe gió, và truyền cho biển: “Im đi! Câm đi! ” Gió liền tắt, và biển lặng như tờ” (c.39). Các Tông đồ đang ở trong thuyền trên biển, bị bão táp làm cho sắp chìm, thấy sự lạ này xảy ra, liền “hoảng sợ và nói với nhau: “Vậy người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?” (c.41).

Cộng đoàn phụng vụ chúng ta hãy cùng nhau suy niệm về Chúa Giêsu là Đức Chúa Trời.

Đức Giêsu giới thiệu mình là Con của Thiên Chúa.

Đức Giêsu giới thiệu rõ ràng Ngài là Con của Thiên Chúa: “Người Do Thái đáp: “Chúng tôi ném đá ông, không phải vì một việc tốt đẹp, nhưng vì một lời nói phạm thượng: ông là người phàm, mà lại tự cho mình là Thiên Chúa” (Ga 10,31-32).

Khi Đức Giêsu hỏi các tông đồ về Con Người của Ngài thế nào, họ nói cho Ngài biết trong dân chúng, có nhiều quan niệm trái ngược nhau về Ngài: “Kẻ thì nói là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Êlia, có người lại cho là ông Giêrêmia hay một trong các vị ngôn sứ ” (Mt 16,14). Muốn biết ý kiến của các tông đồ, Đức Giêsu hỏi thẳng họ nghĩ gì về Ngài. Phêrô, được ơn Chúa Thánh Thần soi sáng, liền trả lời: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16). Đức Giêsu khen Phêrô nói được như vậy là do Thiên Chúa Cha mặc khải cho biết: “Không phải phàm nhân mặc khải cho con điều nầy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời.” (Mt 16,17).

Đức Giêsu tuyên bố mình ngang hàng với Thiên Chúa.

Đức Giêsu năng nói Thiên Chúa là Cha của Ngài và Ngài cũng là Thiên Chúa như Thiên Chúa Cha. Hai điều nầy làm cho các kẻ nghịch của Ngài hết tức tối và tìm cách hại Ngài.   Khi đứng trước Tòa Án Thượng Phẩm, Đức Giêsu tuyên bố rõ ràng, công khai và long trọng, Ngài là Con của Thiên Chúa: “Vị thượng tế nói với Người: “Tôi nại đến Thiên Chúa hằng sống, mà truyền cho ông phải nói cho chúng tôi biết: ông có phải là Đấng Kitô, Con của Thiên Chúa không?” Đức Giêsu trả lời: “Chính ngài nói đó.” Và Đức Giêsu đã bị lên án chết vì câu trả lời dứt khoát nầy.

Đức Giêsu có những quyền năng lạ lùng của Thiên Chúa.

Đức Giêsu bắt buộc những ai tin theo Ngài, phải bỏ tất cả để đi theo Ngài: “Nếu anh muốn nên hoàn thiện, anh hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.” (Mt 19,21 ).

Đức Giêsu đòi hỏi người ta phải yêu mến Ngài trên hết, yêu hơn cha mẹ mình: “Ai yêu cha hay yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy” (Mt 11,37).

Đức Giêsu bảo đảm cho những ai tin theo Ngài, được thưởng hạnh phúc đời đời sau nầy trên thiên đàng: “Các con hãy vui mừng vì tên các con đã được ghi trên trời” (Lc 10,20).

Đức Giêsu nói lời tha tội một cách nhẹ nhàng, dễ dàng, ngay cả đối với những tội nhân phạm tội tầy trời: “Tội con đã được tha rồi!” (Lc 7,48).

Đức Giêsu ban phần thưởng thiên đàng ngay cho kẻ có lòng ăn năn sám hối trước khi chết: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng.” (Lc 23,43).

Đức Giêsu chữa bệnh một cách dễ dàng, cho lành bệnh ngay lập tức, dẫu đó là những bệnh nan y, những bệnh không thể nào chữa lành ngay được: “Bấy giờ Đức Giêsu bảo người bại liệt: “Hãy đứng dậy, vác giường mà về nhà đi! ” Người bại liệt đứng dậy, đi về nhà.” (Mt 6,6-7). / Đức Giêsu cầm tay kẻ chết còn nằm trên giường, lôi dậy và cho sống lại: “Người còn đang nói với họ như thế, thì kìa, một vị thủ lãnh đến gần bái lạy Người và nói: “Con gái tôi vừa mới chết ….” Người đi vào, cầm lấy tay em bé, nó liền chổi dậy. ” (Mt 9,18-25). / Đức Giêsu phán một lời, kẻ chết đang được gánh đem đi chôn, sống lại ngay: “Rồi Người lại gần, sờ vào quan tài. Các người khiêng dừng lại. Đức Giêsu nói: “Này người thanh niên, tôi bảo anh: “Hãy chỗi dậy!” Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói.” (Lc 7,14-15). / Đức Giêsu cho kẻ chết hôi thối nhiều ngày nằm trong mộ, được sống lại và ra khỏi mộ dễ dàng: “Nói xong, Người kêu lớn tiếng: “Anh Ladarô, hãy ra khỏi mồ!” Người chết liền ra, chân tay còn quấn vải, và mặt còn phủ khăn. Đức Giêsu bảo: “Cởi khăn và vải cho anh ấy, rồi để anh ấy đi.” (Ga 11,43-44).

Đức Giêsu hiểu hết và biết hết tất cả những gì người ta suy nghĩ trong đầu óc, những gì người ta ao ước trong tâm tư: “Thấy họ có lòng tin như vậy, Đức Giêsu bảo người bại liệt: “Này con, cứ yên tâm, con đã được tha tội rồi.” Và kìa, máy kinh sư nghĩ bụng rằng: “Ông này nói phạm thượng.” Nhưng Đức Giêsu biết ý nghĩ của họ, liền nói: “Sao các ông lại nghĩ xấu trong bụng như vậy?” (Mt 9,2-4).

Đức Giêsu không để cho ai bắt giết Ngài được khi Ngài chưa cho phép họ thi hành độc kế giết Ngài: “Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình.” (Ga 10,18).

Đức Giêsu dùng nhiều phép lạ để chứng minh Ngài là Thiên Chúa.

Chúng ta thấy rằng Đức Giêsu dạy những lời của Thiên Chúa và bắt buộc người nghe phải tin theo Ngài như tin theo Thiên Chúa, nhưng sự tin nầy rất khó vì Đức Giêsu dạy những chân lý của Nước Trời, những điều vượt quá sự hiểu biết thông thường của loài người. Vì vậy, nếu Đức Giêsu không chứng minh những lời dạy cao siêu của Ngài bằng những phép lạ mà chỉ có Thiên Chúa mới làm được, thì không ai dám tin Ngài đâu. Đó là lý do tại sao các phép lạ lại đầy dẫy trong các trong sách Tin Mừng. Bất cứ ai mở các sách Tin Mừng, đều tìm được dễ dàng, như phép lạ trong bài Tin Mừng hôm nay: Đức Giêsu tức khắc dẹp yên gió bão đang hung hăng trên biển cả (Mc 4,35-41).

Để cho người ta biết Ngài là Con Thiên Chúa toàn năng, có toàn quyền trên mọi bệnh tật của con người, Đức Giêsu chữa lành bất cứ bệnh nhân nào tìm đến với Ngài, dù họ là những người mang những chứng bệnh nan y như mù từ thuở bình sinh (Ga 9,1), những chứng bệnh rất kinh tởm như phung cùi thúi tha (x.Lc 17,11-14), v.v….

Để cho người ta biết Ngài là Con Thiên Chúa toàn năng, có toàn quyền trên sự sống cũng như trên sự chết của con người, Đức Giêsu làm cho kẻ đã chết được sống lại dễ dàng.  (x. Ga 11,43-44), v.v….

Để cho người ta biết Ngài là Con Thiên Chúa toàn năng, biết rõ mọi việc tương lai, Đức Giêsu đã nói những lời tiên tri về chính Ngài: “Từ lúc đó, Đức Giêsu Kitô bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết: Người phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại” (Mt 16,21).

Thật, Đức Giêsu là Chúa! Thật, Chúa Giêsu là Đức Chúa Trời! Amen.

Lm Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang

 

CHÚA NHẬT XII THƯỜNG NIÊN

Suy niệm Tin Mừng Mc 4:35-41

 Người dựa vào chiếc gối mà ngủ

Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi mà Thầy chẳng lo gì sao?

Cũng như hai dụ ngôn ‘hạt giống tự mọc’ và ‘hạt cải nhỏ bé’ được kể trước đó, sự kiện cuồng phong nổi lên và sóng nước ập vào làm cho con thuyền các môn đệ hòng chìm, trong khi đó Đức Giê-su ‘đang ở đàng lái, dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ’ buộc ta phải suy nghĩ khi giáp mặt với những nghịch lý đầy thách thức trong chính đời sống Tin Mừng. Tự nhiên, khi nghĩ về Thiên Chúa cũng như về vương quốc của Ngài, thì quyền năng và sức mạnh mới chính là điều mà mọi người thường nghĩ tới trước nhất. Chính vì vậy mà khi nhìn thấy đau khổ tràn lan, bất công ngập tràn và sự ác thống trị, trong khi sự thiện lại thoi thóp trong tuyệt vọng, nhiều người đã cho rằng, đó là một bằng chứng thuyết phục cho thấy không hề có Thiên Chúa; vì nếu Ngài thật sự hiện hữu, thì với tất cả quyền năng và thánh thiện như thế, tại sao lại không can thiệp, không giáng phạt bằng tất cả sức mạnh của Ngài? Thiên Chúa lẽ nào lại vô tâm tới mức đó sao? Giải đáp duy nhất mà người ta thường nại tới để giải quyết nghịch lý này là sự kiên nhẫn chịu đựng có giới hạn của Thiên Chúa, sự nhẫn nhục này chỉ tồn tại trong thời gian ngắn ngủi của cuộc đời này, để rồi tới kiếp sau sự công thẳng và quyền bính của Ngài sẽ hiển trị qua việc nghiêm minh xét xử, với phần thưởng thiên đàng dành cho người thiện, hay hình phạt hỏa ngục dành cho người dữ. Giải đáp này trên thực tế hình như được hầu hết các tôn giáo trưng ra, tuy với những hình thái khác nhau, chẳng hạn như thuyết luân hồi của Phật Giáo.

 

Vẫn biết Thiên Chúa là quyền năng và quyền năng này vượt trên tất cả mọi sự, ‘Thức dậy, Người ngăn đe gió và truyền cho biển: “Im đi! Câm đi!” Gió liền tắt, và biển lặng như tờ’. Thiên Chúa đương nhiên có quyền trên cả sự dữ! Trong trường hợp cụ thể này, theo lối suy nghĩ của các môn đệ, biển cả dậy sóng là hình ảnh quen thuộc của sức mạnh sự dữ, của tà thần (xem Mc 1:25). Có điều là ít tôn giáo nào dám nghĩ rằng quyền năng lớn lao nhất của Thiên Chúa (Thượng Đế…) lại chính là quyền năng buộc Ngài phải câm nín. Ngoài Ki-tô giáo, có tôn giáo nào dám nghĩ rằng có một Thiên Chúa mà quyền năng và bản chất tuyệt hảo nhất của Người lại chính là lòng nhân từ và thứ tha? Đặc tính ‘nhân từ và hay thương xót’ của Thiên Chúa, nếu có tìm thấy trong Do Thái giáo, Hồi giáo…, thì cũng chỉ mang tính tạm bợ và hạn hẹp, và chỉ dành cho một số đối tượng nhất định mà thôi (các tín hữu trung thành, những người công chính chẳng hạn). Chỉ riêng Tin Mừng của Đức Giê-su mới cho ta hiểu rằng Thiên Chúa là tình yêu, và bản chất của Tình Yêu đó trước hết và trên hết là thứ tha và hay thương xót. Phải chăng từ muôn thuở yếu tính của Thiên Chúa chính là điều này… và sẽ còn tiếp tục mãi mãi cho tới muôn đời? Mạc khải lớn nhất của Đức Giê-su Ki-tô chính là đây: Thiên Chúa không lên án, Ngài không luận phạt, Ngài chỉ làm một điều duy nhất là cứu độ và xót thương. Luận phạt hay lên án là do chính con người tự quàng vào cổ mình “vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa” (Ga 3:16-21). Kể từ mạc khải vĩ đại này, thinh lặng trước sự dữ, thay vì là yếu đuối sợ hãi, lại biểu lộ sức mạnh vô địch nhất của Thiên Chúa. “Ông không nói lại được một lời sao? Mấy người này tố cáo ông gì đó?… Nhưng đức Giê-su vẫn làm thinh” (Mt 26:62-63).

 

Thần lực Người làm cho gió im biển lặng đã làm cho các môn đệ hoảng sợ, mối hoảng sợ này có lẽ lớn không kém lúc cuồng phong bão tố nổi lên, ‘Các ông hoảng sợ nói với nhau…’ Mô-sê trước bụi gai bốc cháy (Xh 3:1), hoặc I-sai-a khi thoáng nhìn thấy vinh quang Thiên Chúa (Is 6:5), hoặc bất cứ ai khác cũng đều run sợ trước mọi biểu hiện của quyền lực thần linh. Chỉ duy uy quyền tình yêu của Thiên Chúa là không gây sợ hãi! Và chỉ có sức mạnh tình yêu tha thứ mới làm cho con người được thư thái và an bình thực sự. “Bình an cho anh em… Thầy đây đừng sợ!” (Lc 24:36). Một khi được Đức Giê-su tỏ cho biết Thiên Chúa là ai trong thực chất của Ngài, và Thần Khí giúp ta khám phá ra Thiên Chúa thật gần gũi, thấu hiểu hết các yếu đuối lỗi lầm của con người cho dù họ có gian ác tội lỗi tới đâu đi nữa, bất cứ ai cũng sẽ cảm thấy tràn ngập một niềm an bình độc đáo, một thứ an bình không ai trên cõi đời này có thể ban cho. “Thầy ban cho anh em bình an của Thầy… không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi…” (Ga, 14:27)

 

Tuy nhiên, một khi khám phá ra và hiểu rõ hơn về sức mạnh tình yêu tha thứ và xót thương của Thiên Chúa, con người sẽ không khỏi cảm thấy một mối kinh ngạc thú vị, gần giống như một cảm giác ngất ngây. Hy vọng rằng các Ki-tô hữu chúng ta, một khi nghiệm thấy cảm giác tuyệt diệu đó, hãy để cho mối ‘kinh ngạc ngất ngây’ này tiếp tục tràn ngập tâm hồn mình… bây giờ và cho tới muôn đời!

Lạy Vua Tình Yêu nhân ái, cảm tạ Chúa đã một lần cho con nếm cảm được uy lực tình yêu nhân ái Chúa trong đời sống con. Xin cho con luôn nghiệm thấy Thiên Chúa tình yêu đang thinh lặng hiện diện trong con giữa mọi sóng gió cuộc đời. Xin đừng bao giờ cất khỏi lòng con sự bình an ngây ngất của Thần Khí hiện diện trong con, để con luôn có thể mở miệng kêu lên ‘Áp-ba’ giữa mọi nghịch cảnh. A-men.

Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty SDB

Chia sẻ Bài này:

facebookShare Email Email Print Bài này Print Bài này