Chúa Nhật 16 Thường Niên B

Nhịp sống Kitô hữu
ĐTGM. Ngô Quang Kiệt

Trời có lúc mưa lúc nắng. Mưa để tưới cho cây lúa mọc nhanh. Nắng để cho hạt lúa vào mẩy chín vàng. Thời gian có ngày có đêm. Ngày để con người làm việc. Đêm để con người nghỉ ngơi phục hồi sức lực. Con người có đời sống riêng tư những cũng có đời sống xã hội. Có lúc phải ra ngoài góp mặt với đời. Có lúc phải rút lui vào chốn riêng tư để sống cho mình. Nhịp hai chi phối đời sống con người ấy cũng chi phối những hoạt động thiêng liêng của người môn đệ Chúa. Trong bài Tin Mừng Chủ nhật tuần trước, ta đã thấy Đức Giêsu sai các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng, hoạt động cứu độ con người. Hôm nay, khi các ông về tường trình lại những việc đã làm. Người bảo các ông tìm chỗ vắng vẻ mà nghỉ ngơi. Nghỉ ngơi trong cầu nguyện. Sống riêng tư thân mật với Chúa. Hoạt động và cầu nguyện, đó là nhịp sống của người môn đệ Chúa.

Hoạt động và cầu nguyện đó là hai nhu cầu của con người. Vì con người có thể xác nhưng cũng có linh hồn. Vì đời sống trong xã hội, con người có bổn phận đối với làng xóm, với đất nước. Để thăng tiến bản thân, gia đình và đất nước, ta phải học hành, lao động hết sức vất vả. Đó là nhiệm vụ bắt buộc. Một người có tinh thần trách nhiệm không thể nào xao lãng những nhiệm vụ đó. Tuy nhiên sẽ là thiếu sót rất lớn nếu con người chỉ biết có đời sống thể xác mà quên đi đời sống tâm linh. Thật vậy, con người không chỉ có thể xác mà còn có linh hồn. Đời sống tâm linh cũng cần phải được nuôi dưỡng bồi bổ để phát triển. Sẽ là khập khiễng, lệch lạc, què quặt nếu chỉ lo phát triển đời sống vật lý mà quên đời sống tâm linh. Đời sống tâm linh được nuôi dưỡng bồi bổ ở bên Chúa. Chính Chúa là nguồn mạch đời sống thiêng liêng. Vì thế những giờ phút riêng tư thân mật bên Chúa sẽ giúp cho đời sống tâm linh phát triển. Chính nhờ những giờ phút cầu nguyện mà con người được phát triển quân bình, song song cả hồn lẫn xác.

Hơn thế nữa việc cầu nguyện sẽ hỗ trợ hoạt động bên ngoài. Nếu chỉ hoạt động bên ngoài, con người sẽ không khác gì máy móc. Nếu chỉ biết phát triển đời sống thân xác, con người sẽ trở thành nô lệ cho vật chất. Nếu chỉ quan tâm tới những nhu cầu vật chất, con người sẽ dễ bị tha hoá, đuổi theo tiền bạc, chức quyền. Một xã hội chỉ phát triển về vật chất mà không phát triển về đạo đức sẽ khó tồn tại. Cầu nguyện giúp nâng tâm hồn lên khỏi nô lệ vật chất. Những giây phút yên lặng bên Chúa giúp ta định hướng cuộc đời, ánh sáng Lời Chúa giúp ta nhìn rõ tâm hồn mình, biết rõ những sai sót của mình mà sửa lỗi. Những lời chỉ dạy của Chúa là những chuẩn mực đạo đức giúp ta sống ngay thẳng thật thà, lương thiện. Ơn Chúa ban sẽ cho ta sức mạnh để hoạt động tích cực hữu hiệu hơn, để hăng hái dấn thân hơn nữa trên đường phục vụ anh em.

Riêng trong lãnh vực tông đồ, cầu nguyện tuyệt đối cần thiết. Thật vậy, việc tông đồ bắt nguồn từ nơi Chúa. Làm việc tông đồ là làm việc của Chúa. Làm việc của Chúa mà không kết hiệp mật thiết với Chúa thì không những không thể có kết quả tốt đẹp mà còn có nguy cơ đi sai đường, làm hỏng công việc của Chúa. Không cầu nguyện ta sẽ dễ chú ý tới những hoạt động thuần tuý phô trương bề ngoài. Không cầu nguyện ta sẽ dễ biến việc của Chúa thành của riêng ta và vì thế sinh ra tự phụ, kiêu hãnh. Không cầu nguyện, việc tông đồ sẽ chỉ là một hoạt động xã hội từ thiện không hơn không kém. Vì thế, cầu nguyện rất cần thiết. Cần cầu nguyện đế biết rõ ý Chúa, biết việc phải làm. Cần cầu nguyện để múc lấy sức mạnh của Chúa giúp chu toàn công việc. Cần cầu nguyện để biết khiêm nhường luôn coi mình là dụng cụ trong bàn tay Thiên Chúa. Chỉ khi làm việc trong Chúa, với Chúa và vì Chúa, việc tông đồ mới có kết quả tốt đẹp theo ý Chúa muốn.

Hoạt động và cầu nguyện. Đó là hai nhịp trong đời sống Kitô hữu. Nhưng có lẽ ta thường chú trọng tới hoạt động mà quên cầu nguyện. Hôm nay, Chúa dạy ta phải biết giữ quân bình giữa hai nhịp của đời sống. Có hoạt động nhưng cũng phải có cầu nguyện. Hoạt động phải là kết quả của những giờ suy nghĩ và cầu nguyện. Cầu nguyện để tổng kết lượng giá những hoạt động cũ và định hướng những hoạt động mới. Hoạt động là bề mặt. Cầu nguyện là bề sâu. Giữ được quân bình giữa hai nhịp sống, con người mới phát triển toàn diện. Duy trì sự ổn định của hai nhịp sống mọi hoạt động của con người mới có nền tảng và bền vững.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1- Một ngày kết thúc mà bạn chưa cầu nguyện, bạn có cảm thấy như thế là thiếu sót như thể bạn chưa ăn gì trong ngày hôm ấy không?
2- Trước khi đi làm việc tông đồ, bạn có cầu nguyện không?
3- Hai nhịp trong đời sống bạn đã hài hoà chưa? Bạn sẽ làm gì để chỉnh đốn lại những lệch lạc trong nhịp sống?
4- Gia đình bạn có cầu nguyện chúng với nhau trước khi đi ngủ không?

 

Chạnh lòng thương

(Trích trong ‘Manna’)

Suy Niệm

Sau một cuộc hành trình truyền giáo, các tông đồ phấn khởi trình bày cho Đức Giêsu những gì mình đã làm và đã dạy.

Đức Giêsu có vẻ quan tâm đến con người hơn công việc. Ngài biết các tông đồ giờ đây cần gì. Họ cần một chút nghỉ ngơi cho thân xác. Họ cần một chút riêng tư, trầm lắng cho tâm hồn, để nhìn lại phía sau, để nhìn về phía trước, để tách mình ra khỏi công việc bề bộn nơi đám đông, để sống tình thầy trò ấm áp.

“Hãy đi riêng ra, đến nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi một chút.” Chỉ cần một chút thôi, năm phút, mười phút…

Ai trong chúng ta cũng cần một chút lặng lẽ mỗi ngày, để trở lại chỗ sâu nhất của lòng mình, để nghe được tiếng gọi mời của Thiên Chúa.

Cần tìm một chỗ lặng lẽ trong nhà, để tôi có thể ngồi với tôi, trước nhan Chúa.

Cuộc sống hôm nay không để cho ta một chút nghỉ ngơi.

Các tông đồ cũng bị cuốn vào cơn lốc của công việc.

Cần phải phấn đấu để có được một chút mỗi ngày.

Một chút lắng sâu đủ nuôi cả ngày. Một chút êm ả khi ta đã làm mình rỗng không khỏi bao điều đã nghe và thấy, đã nói và ước mơ.

Phải xuống thuyền để đi đến nơi nghỉ ngơi. Phải ra khỏi chỗ mình đang sống.

Thầy trò đã lên thuyền, nhưng kế hoạch bất thành. Có lẽ vì ngược gió nên thuyền đi chậm. Một số người đã chạy đến trước nơi Thầy trò sắp ghé vào. Đức Giêsu sững sờ khi thấy đám đông. Những bước chân nôn nao, hối hả của họ đã khiến Ngài rung động tận cõi lòng. Ngài biết họ cần Ngài và Ngài thương họ.

Cái cần của tập thể thật cấp bách đến nỗi nhu cầu chính đáng của cá nhân phải hy sinh.

Đức Giêsu mang trái tim của người mục tử nhân hậu, nhói đau trước sự bơ vơ của đoàn chiên.

Bơ vơ là tâm trạng của con người mọi thời, nhất là của người trẻ hôm nay. Bơ vơ khi bị ném vào cuộc đời lọc lừa, xảo trá. Bơ vơ khi bị nghiền nát bởi những thủ đoạn gian manh. Bơ vơ khi bị sa sảy, không sao đứng lên được. Bơ vơ khi những thần tượng lần lượt tan vỡ.

Bi bơ vơ dẫn đến chán chường và buông trôi, mặc cho mình bị kéo vào những cái bẫy nghiệt ngã.

Làm thế nào để người bạn trẻ gặp được Giêsu, để lấy lại niềm tin, để tìm được hướng sống, để vững vàng bình an giữa sóng gió cuộc đời.

Tôi phải giới thiệu Đức Giêsu cho người khác, nhưng tôi cũng phải trở thành một Giêsu gần gũi để đến với những ai bơ vơ quanh tôi.

Gợi Ý Chia Sẻ

Mỗi ngày kéo dài 288 lần 5 phút. Bạn có dám dành 1/288 của ngày để sống cho mình, sống rất riêng với Chúa không? Nếu bạn thường xuyên lặng lẽ như vậy, bạn có thấy được nâng đỡ không?

Bạn đã có lần rơi vào khủng hoảng, bơ vơ. Bạn làm gì hay nhờ ai mà ra khỏi tâm trạng bơ vơ đó?

Cầu Nguyện

Giữa những ồn ào của đám đông, giữa những sôi nổi của thành công và ê chề của thất bại, xin dành một cõi rất riêng cho Giêsu.

Giữa những đam mê quay cuồng, giữa những khát khao thèm muốn và những trói buộc của sợ hãi, âu lo, xin giữ một cõi rất riêng cho Giêsu.

Giữa lúc bị cuộc đời từ khước, giữa lúc bơ vơ đi trong đêm mênh mông, chẳng có ai để cậy dựa, xin trở về với cõi riêng bên Giêsu, để một mình ở đó, trầm lắng và bình an.

 

Nghỉ ngơi

Mục tử và đàn chiên là một hình ảnh rất quen thuộc đối với dân Do Thái, vốn là dân du mục. Trong Cựu ước, các ngôn sứ thường dùng hình ảnh này để diễn tả mối liên hệ giữa Thiên Chúa và dân Do Thái. Chẳng hạn trong bài đọc thứ nhất hôm nay, ngôn sứ Giêrêmia cho thấy Thiên Chúa hết lòng yêu thương chăm sóc dân, Ngài lên án những hành vi ngang trái của những mục tử xấu và hứa đặt những mục tử tốt lành khác để lãnh đạo dân. Hơn nữa, Chúa còn hứa ban cho dân một vị mục tử xuất thân từ dòng dõi Đavid để lãnh đạo dân Ngài trong công bình chính trực, đem lại cảnh thái bình thịnh vượng. Rồi Chúa Giêsu đến, các sách Tin Mừng cho biết: Ngài chính là vị mục tử tốt lành mà các ngôn sứ đã loan báo. Như thế, lời hứa của Thiên Chúa đã được thực hiện. Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta biết một chút tâm tình của vị mục tử ấy, là Chúa Giêsu, qua lời Chúa nói với các môn đệ: “Anh em hãy lánh riêng ra, đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút”.

Lý do Chúa Giêsu bảo các môn đệ như vậy là bởi vì sau khi các ông vâng lệnh Chúa, từng hai người một, ra đi rao giảng khắp nơi, hôm nay, các ông trở về vui mừng báo cáo cho Chúa biết những việc đã làm và những lời đã giảng dạy. Có lẽ lúc đó các môn đệ đã mệt mỏi, thêm vào đó, Tin Mừng cho biết các ông không còn thời giờ ăn uống, vì có rất nhiều người đến xin các ông dạy dỗ và chữa bệnh. Thấy thế, Chúa bảo các ông tạm lánh đi để khỏi bị quấy rầy và tĩnh nghỉ một chút. Chúng ta thấy Chúa quan tâm đến các môn đệ và cảm thông với những vất vả của các ông. Nhưng Chúa quan tâm đến con người hơn là công việc, Ngài muốn các ông hãy dành một chút nghỉ ngơi cho thân xác, một chút lắng đọng cho tâm hồn, để tách mình ra khỏi đám đông, để sống tình thầy trò, tương giao mật thiết với thầy và với nhau. Tức là Chúa khuyên các môn đệ cần phải có thời gian yên tĩnh nghỉ ngơi và được bồi dưỡng để có thể duy trì hoạt động được lâu bền, bởi vì nghỉ ngơi cũng là để phục vụ hữu hiệu và lâu dài hơn, cũng như muốn đi thật xa càng phải luôn dừng lại để nghỉ ngơi lấy sức, thì muốn hoạt động tông đồ hiệu quả, cần phải năng tĩnh dưỡng tâm hồn.

Qua đó Chúa Giêsu muốn dạy cho chúng ta biết: dù phải bon chen, đầu tắt mặt tối lo cho đời sống, dù phải ngược xuôi vất vả trong sinh hoạt hằng ngày, chúng ta cũng phải biết dành thời giờ để hồi tâm, thinh lặng và suy nghĩ. Vì có hồi tâm, thinh lặng và suy nghĩ chúng ta mới thấm thía ý nghĩa cuộc đời, mới đối diện với chính mình và liên lạc trực tiếp với Thiên Chúa. Sự hồi tâm, thinh lặng và suy nghĩ như thế thật quan trọng, cần thiết và ích lợi.

Một văn sĩ Ấn Độ, tên là Mukedi, một hôm hỏi thầy giáo cũ của mình, là một tu sĩ dòng Bênarét: “Thưa thầy, thời gian còn ở Mỹ châu, con có quen biết một người tên là Uyn-sân. Ông ấy ôm ấp một lý tưởng và đã viết ra thành 14 khoản, rồi ra sức phổ biến lý tưởng ấy, nhưng vô hiệu, không mang lại kết quả gì, xin thầy chỉ giáo cho con biết tại sao ông ta thất bại?” Vị tu sĩ hỏi: “Con người 14 khoản ấy có biết yên lặng và suy nghĩ mỗi năm một khoản không? Ông ta có kiểm điểm thường xuyên để rút ưu khuyết điểm đem lại cho mỗi khoản một nguồn sống không?” Mukedi thưa: “Thưa thầy con không tin như vậy”. Tức thì mặt vị tu sĩ xuất thần, sáng lên và nói lớn: “Thảo nào, thảo nào, thất bại là ở đó”.

Ông Uynliam Phinlơ, một doanh nhân thành đạt, lúc đầu sống rất chật vật và nghèo khổ, sau làm nghề viết báo, rồi mở nhà in, lợi nhuận hàng năm thu vào rất nhiều. Ông viết một quyển sách kể về những kinh nghiệm của đời ông. Ngay trang đầu tiên có những dòng chữ sau: “Có bao giờ các bạn đã thử sống một mình trong căn phòng, không đọc sách báo, không nghe radiô hay ca nhạc, không xem tivi, không làm gì hết, một mình với những ý tưởng để suy nghĩ. Các bạn cứ thử xem, một chiều im lặng, mình với mình thôi, sẽ giúp cho các bạn biết mình, biết người, và chắc chắn các bạn sẽ thành công”.

Quả thực, có người đã nói: “Tất cả những cái chúng ta làm ra là kết quả của tư tưởng”. Đúng thế, từ cái bút máy, đồng hồ, máy may, rađiô, tivi, máy tính, xe đạp, ô tô, phản lực, hỏa tiễn, phi thuyền… đều do đầu óc mà ra, có nghĩa là do suy nghĩ. Niu-tân, một nhà bác học thời danh, rất thông minh và có tài đặc biệt, một lần có người hỏi ông: “Bằng cách nào ông đã phát minh được nhiều cái mới lạ như vậy?” Ông trả lời: “Bằng cách luôn luôn suy nghĩ”. Nhờ suy nghĩ, do một thùng nước sôi làm bật vung, người ta đã chế tạo ra máy hơi nước. Nhờ suy nghĩ, từ những màng nhện giăng ở trong vườn, người ta đã phát minh ra cách làm cầu treo. Nhờ suy nghĩ, do chiếc đèn chầu đưa qua đưa lại mỗi khi bị va chạm, người ta đã tìm ra được luật đồng hồ. Nhờ suy nghĩ, Âu tinh dứt bỏ được cuộc đời tội lỗi bê tha để trở nên một vị đại thánh thời danh. Nhờ suy nghĩ câu “Lời lãi cả thế gian mà thiệt mất linh hồn ích gì” mà Phanxicô Xaviê đã đổi hướng cuộc đời, từ danh vọng thế trần sang con đường đạo đức, quên mình đi truyền giáo. Chính Chúa Giêsu cũng sống âm thầm suy nghĩ suốt 30 năm trước khi công khai đi rao giảng. Rồi trong những năm giảng dạy, cho dù bận rộn với biết bao công việc, Chúa vẫn thường tìm nơi thanh vắng để hầu chuyện với Chúa Cha.

Chúng ta cũng vậy, trong thinh lặng suy nghĩ, chúng ta mới thấm thía ý nghĩa của đời người: phải làm ăn, tranh đấu, lam lũ với nghề nghiệp, lo miếng cơm manh áo cho mình và gia đình. Thật là nhiêu khê đến mệt óc, mỏi tim. Lo lắng, bon chen, vất vả, nhưng cuối cùng sẽ được gì? Sẽ đi về đâu? vì sống là gửi, thác là về. Trong thinh lặng suy nghĩ, chúng ta mới biết tại sao vẫn chưa mến Chúa tận tình, vẫn chưa yêu người như Chúa truyền, vẫn chưa hiền lành, nhịn nhục, chịu khó, thông cảm và tha thứ? Trong thinh lặng suy nghĩ, chúng ta mới thấy linh hồn là quý, linh hồn ấy đòi làm lành lánh dữ, cần sống đời Kitô cho nghiêm chỉnh, và mới biết mình đang làm lợi hay hại cho linh hồn.

Tóm lại, qua lời Chúa khuyên bảo các tông đồ, Chúa cho chúng ta biết sự quan trọng, cần thiết và ích lợi phải hồi tâm, thinh lặng và suy nghĩ để tìm lại chính mình, hoặc để nghỉ ngơi. Đây không phải là chuyện vô ích, nhưng là chuyện thuộc về nhu cầu sống của chúng ta, nhờ đó tâm hồn chúng ta sẽ thanh thản hơn, thân xác chúng ta sẽ khỏe mạnh hơn, và chắc chắn đời sống chúng ta sẽ thoải mái và tốt đẹp hơn.

Kiểm thảo

Các con hãy vào nơi vắng vẻ.

Chúa Giêsu bảo các môn đệ vào nơi vắng vẻ để nghỉ ngơi, nhưng đồng thời cũng để kiểm điểm lại, sau những cuộc hành trình truyền giáo đầy gian nan vất vả.

Với chúng ta cũng thế, giữa dòng đời huyên náo, bon chen và ồn ào với những âm thanh thừa thãi, chúng ta cũng hãy dành lấy những giây phút thinh lặng, để cầu nguyện và kiểm điểm về cuộc sống của mình, từ tư tưởng, lời nói cho đến việc làm, xem có điều chi sai quấy và đi trái với lệnh truyền của Chúa.

Sau đây, tôi xin gợi lên một vài điểm để chúng ta cùng nhau suy nghĩ và xét mình.

Thứ nhất là về đời sống cá nhân:

Người ta thường nói:

– Việc người thì sáng, việc mình thì quáng.

Sống trên đời, chúng ta giống như người đeo hai cái giỏ. Cái giỏ phía trước mặt đựng những sai lỗi của người khác. Cái giỏ phía sau lưng đặt những sai lỗi của bản thân. Vì thế, chúng ta thường nhìn thấy rất rõ và lên tiếng phê bình chỉ trích gắt gao những sai lỗi của người khác. Trong khi đó, những sai lỗi của bản thân thì lại không nhìn thấy. Và nếu có nhìn thấy, cũng sẽ đưa ra một ngàn lẻ một lý do để bênh vực và bào chữa.

Vì vậy, người ngoài thường nhìn thấy rõ những khuyết điểm của chúng ta, còn chính chúng ta lại không nhìn thấy.

Hai người chửi nhau, đánh nhau và có khi kiện nhau, thì mấy khi có người nhận mình đã sai lỗi. Có những người không ưa chúng ta, thì kêu ca và trách móc, bảo chúng ta là thế nọ thế kia, nhưng chính chúng ta lại không nhìn thấy và không nhận lỗi. Mẹ chồng nàng dâu ai cũng bảo mình là phải, vì thế mới có mâu thuẫn, xích mích va chạm và chiến tranh.

Crexley là một tên cướp nổi tiếng ở Nữu ước với biệt hiệu là hai súng vì trong mình hắn lúc nào cũng có hai khẩu súng. Một hôm bị cảnh sát bao vây trên một cao ốc. Một tay hắn bắn lại, còn một tay thì nguệch ngoạc viết một hàng chữ như sau:

– Dưới lớp áo này, trái tim tôi vẫn ngập tràn tình thương và không muốn hại ai.

Trong khi đó, tòa án kết tội hắn là một tên giết người không biết gớm tay.

Bởi đó, phải biết dừng lại để kiểm điểm xem mình là ai và như thế nào, đồng thời đánh giá đúng mức dư luận người khác nghĩ về mình. Bởi vì như một câu danh ngôn đã bảo:

– Ai khen ta mà khen phải ấy là bạn ta, còn ai chê ta mà chê phải, ấy là thày ta.

Thứ hai là về đời sống gia đình.

Vợ chồng có hòa thuận đoàn kết và yêu thương, hay ông nói gà bà nói vịt, trống đánh xuôi kèn thổi ngược, để rồi luôn có sự xích mích đôi co.

Với con cái, có biết lưu tâm dạy dỗ và giáo dục, nhất là về phương diện đạo đức và luân lý, như dạy bảo kinh bổn, nhắc nhở làm những việc thiêng liêng hay là chúng ta lại làm ngơ và thả lỏng.

Có một câu danh ngôn đã khuyên những bậc làm cha làm mẹ như sau:

– Thà rằng, hiện giờ con cái phải khóc vì được cha mẹ dạy bảo, còn hơn là sau này chính cha mẹ phải khóc vì con cái mình ngang bướng ngổ nghịch.

Thứ ba là về đời sống xã hội:

Chúng ta có biết tránh đi những chuyện gây bất hòa cho bà con lối xóm, như thả gà vịt, trâu bò, phá phách hoa màu người khác? Có biết tránh đi thái độ bênh con cái, có bé xé ra to và thổi phồng những chuyện con nít hay không?

Khi hàng xóm có việc như ma chay cưới hỏi, chúng ta có biết chia vui sẻ buồn, giúp đỡ họ trong những hoàn cảnh như vậy hay không? Cùng sống trong một giáo xứ, chúng ta có biết góp phần xây dựng cho công ích, hay chỉ đứng ngoài làm giám độc, giám xúi chứ không dám làm. Tay chúng ta không làm, nhưng miệng chúng ta thì chỉ toàn phun ra những lời phê bình chỉ trích.

Chúng ta có biết yêu thương đùm bọc lấy nhau hay chia thành năm bè bảy mối, vu oan tố giác kẻ khác, cuối cùng cũng chỉ là làm cỗ cho thiên hạ xơi. Chúng ta có biết thông cảm, hòa giải và xích lại gần nhau, hay mượn cơ hội để trả thù và báo oán.

Sau cùng là về đời sống đạo đức.

Chúng ta có siêng năng đọc kinh tối sớm, xưng tội rước lễ, hay thảng hoặc mới tới nhà thờ. Chúng ta có thực sự là một tín hữu biết sống niềm tin của mình hay chúng ta chỉ là những kẻ mang danh hiệu Kitô hữu, có tên trong sổ Rửa tội mà không hề sống đạo.

Đó chỉ là mấy điều gợi ý để chúng ta kiểm thảo và nhìn rõ con người của mình, vì như người xưa vốn thường khuyên:

– Này bạn, bạn hãy biết mình bạn.

 

Nghỉ ngơi

Sau hơn một tháng trời vâng lời Chúa ra đi truyền giáo, các môn đệ trở về vui mừng báo cáo cho Chúa biết kết quả những việc đã làm. Chúa chia sẻ niềm vui với các môn đệ và nhận thấy các ông có vẻ thấm mệt, nên Chúa bảo: “Anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút”. Một lời khuyên thật ý nghĩa và cần thiết.

Chúng ta phải công nhận Chúa Giêsu rất hiểu tâm lý con người. Bởi vì làm việc nhiều rồi thì dĩ nhiên mệt mỏi, nên cần phải nghỉ ngơi đôi chút để lấy lại nghị lực, rồi mới có thể tiếp tục làm việc được. Đó là điều dễ hiểu thôi. Anh chị em hãy nghĩ xem: có khi nào người ta bắt con ngựa chạy suốt ngày đêm, hết ngày đêm này qua ngày đêm khác không? Làm vậy người chủ sẽ được lợi lộc nhiều, nhưng chắc chắn không được lâu dài vì con ngựa sẽ chết yểu. Con ngựa mạnh hơn chúng ta nhiều, nhưng chúng ta cao quí hơn con ngựa nhiều. Vậy tại sao chúng ta cho nó thì giờ nghỉ ngơi sau một thời gian hoạt động để nó thảnh thơi ung dung gặm cỏ, mà chúng ta lại bắt chính mình vất vả, bù đầu mãi trong công việc? tại sao chúng ta quí trọng sức khỏe của con ngựa mà quên sức khỏe của mình?

Làm bất cứ công việc gì cũng vậy mà không biết nghỉ ngơi thì kết quả cũng kém và không tốt đẹp. Chúng ta hay quên chúng ta có thể xác, nó là một bộ máy rất tinh vi, rất mỏng manh, chỉ được sử dụng theo một chừng mực nào đó thôi. Còn tinh thần, tự bản chất, không biết mệt, nhưng vì làm việc tùy thuộc vào thể xác, nên cũng mệt với thể xác. Nếu chúng ta bắt thần kinh chúng ta lúc nào cũng căng thẳng như giây đàn, thì nếu chúng ta không chết yểu, chắc làm việc cũng không đắc lực bao nhiêu.

Vì thế, nghỉ ngơi sau khi làm việc mệt nhọc là điều quan trọng và cần thiết. Nghỉ ngơi có khi còn cần hơn cả cơm ăn áo mặc nữa. Chúng ta ai cũng kinh nghiệm điều này: mỗi khi đi đâu xa về hoặc sau khi làm việc mệt nhọc, chúng ta muốn nghỉ ngơi một chút cho thoải mái, chứ chưa cần ăn uống. Hơn nữa, nghỉ ngơi còn được coi là liều thuốc bổ tự nhiên không tốn tiền, nên người ta còn khuyên phải biết nghỉ ngơi trước khi mệt mỏi nữa.

Chúng ta cần nghỉ ngơi, nghỉ ngơi vậy thôi, và cả nghỉ ngơi trong Chúa nữa. Anh chị em thử nghĩ xem: có phải cuộc đời chúng ta và hầu hết thời giờ của chúng ta bị công việc làm ăn, nghề nghiệp hoặc những công việc linh tinh, không tên tuổi, chiếm hết không? Ban ngày làm việc, tối về lại nghĩ đến việc làm: mở mắt ra đã làm, đã bắt đầu rộn rã với mọi thứ việc. Chúng ta ngày nay khác hẳn với các cụ cha ông chúng ta ngày xưa: ngoài những công việc cấp bách ra, các cụ không còn thấy việc gì bắt buộc phải lưu tâm tới vấn đề thời gian. Các cụ làm việc tuy vất vả, nhưng vẫn thong dong thoải mái. Cứ sáng ngày, thấy mặt trời ló dạng là đi làm. Chiều tối thì ngồi lại với nhau uống trà, thưởng trăng, nói chuyện phiếm.

Chúng ta bây giờ thì khác hẳn. Nhịp sống được đo đắn cẩn thận bằng cái mà chúng ta gọi là đồng hồ. Ai cũng đeo ở tay một chiếc đồng hồ, lâu lâu lại nhìn vào, lo lắng, sốt ruột. Khi ở sở làm thì sốt ruột trông cho mau được về. Về nhà thì sốt ruột đi làm việc này việc khác. Người ta có cảm tưởng cuộc sống là một chiếc đèn cù, lửa đốt lên là bắt đầu chạy, chạy tưng bừng, rộn ràng, vội vã và chạy vòng tròn, nghĩa là ngày nào cũng thế, cũng những việc ấy, cũng những vất vả ấy, cũng nhọc mệt ấy… Có khi chúng ta làm việc đến quên mình và có thể quên cả Chúa luôn.

Vì thế, có người đã nói rằng: khuyết điểm lớn nhất của thời đại văn minh tiến bộ ngày nay, cách riêng ở thành phố, là không biết nghệ thuật nghỉ. Người ta luôn luôn đứng núi này trông núi nọ. Làm việc này chưa xong đã thèm làm việc khác. Chúng ta chỉ sống về tương lai mà không biết sống cho hiện tại. Tâm hồn chúng ta bị xâu xé, dằn vặt, kích thích bởi muôn thứ nhu cầu. Cho nên, thời nay chúng ta thấy có nhiều người mắc những chứng bệnh: mất ngủ, nhức đầu, đau tim, đau thần kinh, nhiều người bị áp huyết cao, và hình như có nhiều người mát, tưng tửng, dở dở, ương ương, khùng khùng nữa…

Tóm lại, qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy bảo chúng ta: không những chúng ta phải hăng say làm việc, làm việc hết mình, nhưng cũng phải biết dành thời giờ để nghỉ ngơi nữa. Như thế, chúng ta sẽ được khỏe mạnh hơn, phấn khởi hơn, yêu đời hơn. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhớ rằng: đã đành làm việc rồi thì cũng phải có lúc nghỉ. Nhưng giờ nghỉ đi sau giờ làm việc chứ không đi sau sự lười biếng. Chỉ có những người đã làm việc mới cần nghỉ. Ai không làm việc mà cũng nghỉ là một người lười.

Vì vậy, “Hãy nghỉ ngơi đôi chút” như Chúa Giêsu nói, không phải là một việc hao phí thời giờ. Trái lại, đó là một lối bồi dưỡng tinh thần: nghỉ ngơi để cho thể xác và tinh thần được thư giãn, khỏe mạnh, tỉnh táo, sáng suốt hơn. Cho nên, người biết nghỉ là người có triết lý vừa sâu xa vừa thực tế, hiểu rõ chân giá trị của cuộc sống và ý nghĩa thâm thúy của đời người.

Chia sẻ Bài này:

facebookShare Email Email Print Bài này Print Bài này