Chúa Nhật 22 Thường Niên B

Sunday in Ordinary Time

Reading I: Deuteronomy 4:1-2,6-8 II: James 1:17-18,21-22,27; Mark 7:1-8, 14-15, 21-23

Interesting Details

·   For the Jewish people, the Law of Moses or Torah, even today, means two things: the Ten Commandments and the first five books of the Old Testament. What is under discussion here is not the Law but the moral principles or the unwritten rules to which the scribes and Pharisees gave equal force and observed rigorously.

·   Mark adds the explanation in (v.3 and 4) for the benefit of Gentile readers unfamiliar with Jewish custom, thus giving evidence about the Gospel’s audience and purpose.

·   The issue was not hygiene but a ritual, ceremonial cleanness. The Pharisees wished to extend these rules applied to priests to all people, thus making the vision of a priestly people.

 

·   Making explicit what was implicit in the quotation “This people honors me with their lips, but their heart is far from me,” Jesus accuses the Pharisees and scribes of being “hypocrites,” fulfilling the prophesied word of God written in Isaih 29:13.

·   (v. 14) Like the opponents and the crowd, the disciples remain speachless, giving no indication that they have really “heard” and “understood” Jesus, resulting in Jesus’ strong reaction to their question in v.18: “Then are you also without understanding?”

Chúa Nhật 22 Thường Niên

Bài Đọc I: Đệ Nhị Luật 4:1-2,6-8 II: Giacôbê 1:17-18,21-22,27; Máccô 7:1-8, 14-15, 21-23

Chi Tiết Hay

·   Đối với người Do Thái xưa cũng như nay, Lề Luật Môisen gồm có Mười Điều Răn và năm cuốn sách đầu tiên của Cựu Ước. Điều được đem ra tranh luận ở đây không phải là Lề Luật nói trên nhưng là những nguyên tắc luân lý hoặc những luật bất thành văn mà người Pharisêu và Ký Lục coi trọng tương đương và tuân giữ một cách nghiêm chỉnh.

·   Máccô dùng câu 3 và 4 có ý để giải thích cho người ngoại chưa quen biết phong tục tập quán của người Do Thái. Điều đó nói lên Máccô muốn viết cho đối tượng nào và với mục đích gì.

·   Nguyên nhân để tranh cãi ở đây không phải là sự vệ sinh cá nhân nhưng chỉ là một nghi thức rửa tượng trưng. Người Pharisêu muốn bắt dân phải làm những lễ nghi này như các tư tế hay làm để chứng tỏ hình ảnh một dân tộc tư tế.

·   Đối tượng mơ hồ mà Isaia nói trong câu “Dân này tôn kính ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa ta”, nay đã bị Đức Giêsu đem ra ánh sáng: các Biêt Phái và kinh sư chỉ là những kẻ đạo đức giả mà Isaia đã nói đến.

·   (c.14) Giống như dân chúng và những kẻ chống đối Đức Giêsu, các môn đệ của Ngài đã yên lặng như tờ trong suốt bài giảng của Ngài, chứng tỏ họ cũng chẳng “nghe thấy” và cũng chẳng “hiểu” Thầy mình nói gì, làm cho Đức Giêsu đã phải tỏ ra bực mình khi Ngaì nói với các ông trong c.18: “Cả anh em nữa, anh em cũng ngu tối như thế sao?”

One Main Point

Jesus demonstrates that the Pharisees and scribes annul God’s word with their human traditions.

 

Một Điểm Chính

Đức Giêsu đã chứng minh cho thấy những người Pharisêu và những kinh sư đã phá hỏng Lề Luật của Chúa bằng những tục lệ của họ

Reflections

1. What role do external observances play in our life of faith?

2. What do I like best and least about what comes from within me? How can I control what comes from within?

Suy Niệm

1. Những nghi thức tôn giáo của chúng ta đang đóng những vai trò nào? Và giúp ích cho đức tin của chúng ta ra saỏ

2. Điều gì xuất phát từ trong lòng tôi mà tôi thích và điều gì tôi không thích? Làm cách nào để tôi ý thức và kiểm soát chúng?

Ban Phát Không Ngừng

 Trong một câu chuyện ngắn, văn hào Tolstoi của Nga đã ghi lại mẩu đối thoại của 3 người khách bộ hành như sau:

Mệt mỏi vì đường xa, ba người bộ hành đã dừng lại nghỉ chân bên một dòng suối trong vắt. Trong những giây phút thoải mái bên cạnh dòng suối, mỗi người mới phát biểu về lợi ích của nó.

Người thứ nhất lên tiếng: “Còn gì sung sướng bằng gặp được một dòng suối mát bên vệ đường! Nước suối trong vắt không những làm cho chúng ta được tươi mát, nhưng còn mời gọi chúng ta sống thành thật với nhau”.

Người bộ hành thứ hai góp ý: “Dòng suối chảy như không ngừng muốn nói với tôi: Hỡi loài ngơừi, hãy làm việc! Hãy làm việc không ngừng để làm cho thế giới được tốt đẹp hơn”.

Người bộ hành thứ ba, sau một phút trầm ngâm, mới thốt lên: “Những gì các bạn vừa phát biểu đều đúng cả. Nhưng còn có một điều quan trọng hơn nữa mà tôi muốn chia sẻ cho các bạn. Các bạn hãy nhìn kìa, dòng suối này chảy không ngừng. Nó ban phát không ngừng, nó ban phát cho tất cả mọi người mà không đòi hỏi một sự đáp trả nào… Mỗi người chúng ta hãy sống cao thượng như thế”.

Sự sống đang châu lưu trong tâm hồn chúng ta chính là Thần Khí của Thiên Chúa. Thiên Chúa ban cho chúng ta sức sống của Ngài, Tình Yêu của Ngài, mà không đòi hỏi một điều kiện nào nơi chúng ta.

Thiên Chúa chỉ muốn thông ban, Thiên Chúa chỉ muốn san sẻ và Ngài chờ đợi chúng ta cũng sống như thế. Nguồn suối đang châu lưu trong tâm hồn chúng ta, nhờ đó chúng ta được sống một cách tươi mát, luôn mời gọi chúng ta cũng hãy ban phát không ngừng.

Thánh Thần là ân ban của Thiên Chúa… Người Kitô nhận lãnh Thánh Thần cũng hãy trở thành ân ban của Thiên Chúa cho người khác. Càng trao ban, càng phân phát, người Kitô càng tìm gặp lại chính mình.

Hai mặt của sự sinh

              Có hai ông bà cụ nọ đã sống với nhau hơn 60 năm. Họ chia xẻ ngọt bùi, đủ mọi thứ. Duy chỉ có cái hôp đựng giầy  mà bà cụ để ở  dưới gầm tủ là ông cụkhông hề biết trong đó đựng cái gì. Và cũng tôn trọng riêng tư của bà, ông chẳng bao giờ hỏi tới  cái hôp đó.

Năm  này qua năm nọ, một ngày kia cụ bà bổng bệnh nặng. Biết vợ mình không qua khỏi ,cụ ông chợt nhớ tới  cái hộp giầy bí mật. Bèn lấy đem đến bên giường cụ bà, cụ bà cũng đồng ý  cho ông mở cái hộp ra.

Khi chiếc hộp được mở ra,bên trong chỉ vỏn vẹn  có hai con búp bê bằng len nhỏ va một số tiền là 95.500 đô. Ông cụ ngạc nhiên hỏi vợ: ” Thế này là sao? “.

             “Khi chúng ta mới lấy nhau”, cụ bà nói: ” Bà nội của em có dặn em rằng: Bí quyết để giữ hạnh phúc gia đình là đừng bao giờ cãi nhau. Nếu lỡ chồng con có làm  điều gì  khiến con bực mình, tức giận. Con nên im lặng và bình tỉnh,đi ra chỗ khác  lấy len đan một con búp bê nha con”. Và anh thấy đó…

Nghe thế, Cụ ông  không cầm được nước mắt. Cả suốt cuộc đời, sống chung với nhau  người vợ thân yêu của mình chỉ giận mình chỉ có hai lần thôi ư ? Ông cảm thấy  hạnh phúc vô cùng.

 “Và còn món tiền lớn nay thì sao?” Ông cụ hỏi.
  Cụ bà mắt đỏ hoe trả lời:” . Và đó là.. số tiền  em đã bán những con búp bê mà em đã đan..”

Câu chuyện có một kết thúc bất ngờ đầy thú vị. Nó khiến người đọc mĩm cười nhưng dư âm của nụ cười là một sự cảm động sâu sắc. Số tiền khá lớn thu được từ việc bán những con búp bê cũng chính là số lần những nhịn nhục âm thầm mà người vợ phải chịu trong suốt thời gian chung sống với chồng mình. Người vợ đã cho chúng ta một gương sống yêu thương và nhẫn nhịn chịu đựng những lầm lỗi của người chồng. Bà ta tìm một lối thoát rất tích cực mỗi khi người chồng làm mình bực mình, tức giận, tránh những cãi vả tranh chấp có thể gây mất hạnh phúc cho gia đình đó là lấy len ra ngồi đan búp bê. Một việc làm xem ra rất bình thường, rất đơn giản nhưng với một tình yêu sâu sắc, sự cảm thông, chấp nhận những bất toàn của người chồng trong yêu thương, hành động đó đã trở nên một phương cách hữu hiệu trong việc gìn giữ hòa khí trong gia đình. Sự nhẫn nhịn đó thực sự là kết quả của một tình yêu rất mạnh mẽ và khả năng chiến thắng cảm xúc nóng giận của bản thân rất tuyệt vời.

Tuy nhiên, đa số mỗi người trong chúng ta lại là hình ảnh của người chồng, tức là chúng ta cứ vô tình gây khổ, làm đau lòng người thân của mình mà không hề hay biết.

Khi một cặp vợ chồng khủng hoảng về tình cảm đưa nhau tới văn phòng tư vấn hôn nhân của Williams Harley ở Mỹ, ông thường tách họ ra hai phòng khác nhau và yêu cầu mỗi người trả lời trên giấy câu hỏi sau đây: “Người bạn đời của bạn có thể làm cho bạn điều gì thì bạn hạnh phúc?”. Ông thường nhận được câu trả lời đó là sự quan tâm chăm sóc cho nhau. Nếu người chồng thực sự quan tâm đến cảm xúc của vợ mình sẽ nhận ra sự nhẫn nhịn âm thầm của bà ta ngay trong thời gian còn chung sống, chứ không phải chỉ phát hiện ra điều ấy khi người vợ sắp qua đời. Có phải đã quá muộn màng khi ông hiểu ra sự hy sinh của người vợ trong việc chấp nhận những tật xấu của mình để bảo vệ hạnh phúc gia đình từ bao nhiêu năm qua? Có phải đã quá trễ để có thể chăm sóc vợ mình thật nhiều như để bù lại sự vô tâm mà mình đã gây ra?

Câu chuyện cũng cho một ý nghĩa tích cực khác trong việc thể hiện tình yêu đó là mỗi người trong chúng ta phải được mạnh dạn trình bày, chia sẻ những suy nghĩ, ước muốn và tình cảm thực sự của bản thân với người mình yêu. Đây mới là đỉnh điểm tuyệt vời của tình yêu. Một tình yêu đích thực sẽ dẫn đến thái độ quan tâm và tôn trọng lẫn nhau. Đó không chỉ là điều kiện cần nhưng còn là điều kiện đủ của tình yêu. Không thể nói tôi vẫn yêu thương người khác nhưng lại không có sự quan tâm và tôn trọng họ.  Nhưng yêu thương và tôn trọng nhau không chỉ dừng ở mức độ chấp nhận hy sinh, âm thầm gánh chịu những thiệt thòi về phía mình. Ngược lại, một tình yêu đích thực sẽ mang một ý nghĩa rất tích cực đó là tâm tình sẵn sàng đón nhận mọi cảm xúc, mọi ý kiến khác biệt của nhau để có sự quan tâm đúng đắn. Nếu người vợ có thể thành thật chia sẻ những điều mình chưa đồng ý về tính cách hay lỗi lầm của người chồng thì chắc chắn số tiền bán búp bê đã không tăng cao như thế. Và, trong một tình yêu được triển nở một cách tự do như vậy, người chồng cũng sẽ khiêm tốn nhìn nhận lại những thiếu sót, những lầm lỗi và sửa đổi với một thái độ tích cực và nhờ đó cả hai đều tìm thấy niềm vui, hạnh phúc trong cuộc sống thay vì người vợ cứ mãi loay hoay trong một định kiến về sự hy sinh và trách nhiệm tình yêu đối với chồng của mình. Bà ta đã gìn giữ được sự an bình trong gia đình, tuy nhiên, cái giá bà phải trả đó là những nỗi niềm canh cánh riêng mang. Và trong nhiều trường hợp, đây chính là những tác nhân bào mòn tình yêu và hạnh phúc đích thực trong gia đình. Hy sinh để giữ gìn hạnh phúc gia đình là điều tốt. Nhưng tốt hơn nữa là đừng để ai trong hai người chồng ( vợ ) phải sống trong sự hy sinh đó .

Hôm nay giáo hội mừng kính thánh nữ Monica. Một người phụ nữ với vai trò làm vợ, làm mẹ như bao nhiêu người phụ nữ khác trong gia đình nhưng đã làm rạng danh Tin mừng của Chúa. Chỉ với lòng kiên trì tín thác vào Chúa bằng lời cầu nguyện chan hòa cùng nước mắt trong suốt mười tám năm,  thánh nữ đã biến đổi người mẹ chồng hà khắc, cay nghiệt và người chồng thô lỗ, cộc cằn thành chiên ngoan và thành thánh. Đặt biệt là Augustinô, đứa con ngỗ nghịch hoang đàng đã biết ăn năn làm lại cuộc đời, trở thành vị thánh, tiến sĩ lừng danh của Giáo Hội.

Xã hôi ngày nay tuy có nhiều thay đổi tích cực về vị trí và vai trò của người phụ nữ trong gia đình và xã hôi , thế nhưng vẫn còn đó rất nhiều người phụ nữ phải gánh trên đôi vai yếu đuối của mình gánh nặng của hai chữ “ chồng con”. Nhờ Ơn Chúa và với những hy sinh, âm thầm lặng lẽ họ cũng sẽ lại góp thành những bông hoa rực rỡ, muôn màu muôn sắc khoe xinh, cho nhân loại và cho Giáo Hội hôm nay. Vào ngày lễ kính thánh Monica, các phụ nữ Công Giáo thường được khuyên nhủ là hãy noi theo gương thánh nữ, sống đạo đức , hy sinh cầu nguyện với niềm tín thác vào Chúa để chồng con được nên Thánh. Điều này rất đúng. Tuy nhiên nên chăng chúng ta cũng nên nêu thêm một khía cạnh khác nhân ngày lễ này đó là những người chồng, người con cũng phải biết quan tâm yêu thương đến người mẹ, người vợ để tất cả các thành viên trong gia đình cùng được hạnh phúc. Trong cuốn Tự Thuật , thánh Augustino có thổ lộ rằng : “ Tôi được cứu thoát là nhờ những giọt nước mắt mà người mẹ đầy lòng tin tưởng của tôi đã hàng ngày đổ ra cho tôi? (Ơn bền đỗ 20, 53).  Xin đừng để những giọt nước mắt người mẹ phải hàng ngày đổ ra vì những đứa con. Những đau khổ của những người vợ hãy thôi phải âm thầm chịu đựng theo ngày tháng.Vì thế cách tích cực nhất là xin Chúa cho những người chồng, người con có một tình yêu rộng mở, một trái tim nhạy cảm, biết quan tâm đến những xúc cảm vui buồn của họ. Để khi người mẹ, người vợ không còn sống trên cõi đời này, đừng có người chồng, người con nào phải sống trong nỗi ân hận, tiếc nuối vì đã sống một cách vô tình trước những nỗi đau buồn của những người đã một đời tận tụy yêu thương mình.

Điền Phương Thảo

 

Với cả tâm tình
ĐTGM. Ngô Quang Kiệt

Truyện thiền kể có hai nhà sư xuống núi. Dọc đường các ngài gặp một thiếu nữ đứng bên vũng nước sâu. Thiếu nữ muốn đi qua mà không sao đi được. Thấy vậy, một nhà sư liền bế thiếu nữ vượt qua vũng nước. Trở về gần đến chùa, nhà sư kia trách bạn: “Sao anh lại bế một thiếu nữ như thế?” Nhà sư trả lời: “Tôi đã để cô ta lại bên vũng nước, sao anh còn mang cô ta về đến tận chùa”.
Câu chuyện ý nhị trên đã minh họa rõ nét về hai lối sống đạo. Lối sống đạo theo hình thức và lối sống đạo theo nội tâm. Nhà sư trọng hình thức không dám động đến thiếu nữ, nhưng tâm hồn ông lại nặng vấn vương. Thế mà ông vẫn yên tâm cho rằng mình đã giữ trọn luật giới sắc. Ông tự hào về mình và trách móc bạn đã vi phạm luật tu hành. Ông đã hoàn toàn giữ luật theo hình thức bề ngoài mà không xét đến nội tâm của mình.
Những người Biệt phái và Luật sĩ trong đạo Do Thái cũng giữ đạo theo hình thức như thế. Họ rất trọng những lề luật theo hình thức bề ngoài. Họ cho rằng giữ những hình thức bề ngoài là đủ. Theo họ, đạo là lề luật. Giữ trọn lề luật là giữ đạo. Đặc biệt là luật thanh sạch. Người Do Thái có nhiều cấm kỵ ô uế. Bị coi là ô uế những người mắc bệnh phong, những người phụ nữ sau khi sinh con, người ngoại đạo. Ai tiếp xúc với những người ô uế sẽ bị lây nhiễm ô uế. Ngay cả những đồ vật bị người ô uế động đến cũng trở thành ô uế. Ai động đến những đồ vật đã bị ô uế cũng sẽ bị lây nhiễm ô uế. Ô uế là tội lỗi. Những người bị ô uế sẽ không được dâng lễ vật cho Chúa. Để tránh ô uế, người Do thái luôn rửa tay, rửa bát bên ngoài cho sạch.
Đức Giêsu chê trách họ là giả hình. Vì họ chỉ lo giữ sự trong sạch bề ngoài mà không lo giữ sự trong sạch bề trong. Họ lo rửa tay chân mà không lo rửa lương tâm. Họ sợ tiếp xúc với người bệnh nhưng họ vẫn ấp ủ những ý đồ xấu xa trong tâm hồn. Có lần Đức Giêsu đã sánh ví họ với những mồ mả, bên ngoài thì tô vôi, sơn phết đẹp đẽ, nhưng bên trong thì đầy xương cốt hôi hám xấu xa.
Vì quá chú trọng đến những luật lệ tỉ mỉ bên ngoài, họ biến đạo thành một mớ những nghi thức trống rỗng vô hồn. Đọc kinh cho đủ bổn phận mà không cầu nguyện. Ăn chay để giữ đúng luật hơn là để hạn chế tính mê tật xấu. Làm việc bác ái để phô trương hơn là để chia sẻ với người anh em cơ nhỡ. Tệ hại nhất là họ giữ đạo mà không thật lòng yêu mến Chúa. Nên hôm nay, Đức Giêsu đã nặng lời chỉ trích họ: “Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta”.
Những hình thức bên ngoài không phải là không cần thiết. Nhưng những hình thức bên ngoài, muốn có giá trị, cần phải phát xuất từ tâm tình bên trong. Nội tâm con người là nguồn mạch của mọi hành vi. Nội tâm có tốt thì hành vi mới tốt. Nội tâm có chân thật thì hành vi mới có giá trị
Đạo Chúa không phải là hình thức. Đạo Chúa là tình yêu. Tình yêu chân thật phát xuất từ đáy lòng. Giữ hình thức mà không có tình yêu thì chưa phải là giữ đạo. Làm những việc lớn lao mà không có tình yêu cũng chỉ là vô ích, như lời thánh Phaolô dạy: “Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng. Giả như tôi được ơn nói tiên tri và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi”.
Vì thế, khi làm việc gì, điều cần thiết là cho cử chỉ phản ánh trung thực tâm hồn. Tất cả mọi việc làm lời nói ra bên ngoài phải phát xuất từ tâm hồn chân thực. Nhất là phải làm sao cho mọi nghi thức tôn giáo phát nguồn từ trái tim yêu mến chân thành. Việc từ thiện phải phát nguồn từ một tình yêu mến huynh đệ, thành thực muốn chia sẻ. Lời cầu nguyện phải phát xuất từ một trái tim yêu mến của người con hiếu thảo đối với Cha trên trời. Việc ăn chay phải khởi đi từ ý muốn chế ngự các nết xấu. Nghi thức thanh tẩy phải cử hành trong tâm tình sám hối. Có như thế, khi môi miệng đọc kinh, lòng ta mới gần gũi Chúa. Khi ăn chay, tâm hồn ta mới tan nát vì tội lỗi. Khi làm việc bác ái, ta tránh được thói phô trương. Khi rửa tay, tâm hồn ta mới được thanh tẩy nên trong trắng.
Với tất cả tâm tình, những nghi thức mới trở nên có hồn, thành thực. Với tất cả tâm tình, ta mới thực sự sống đạo. Với tất cả tâm tình, đạo mới đưa ta đến gần Chúa.
Lạy Chúa, xin ban cho con thêm lòng yêu mến Chúa.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1) Rửa tay hay rửa linh hồn, điều nào quan trọng hơn?
2) Điều gì quan trọng nhất trong đạo? Làm những việc phi thường hay là mến yêu Chúa và yêu thương anh em?
3) Bạn thường đi lễ cho đầy đủ bổn phận hay đi lễ vì yêu mến Chúa?
4) Bạn làm việc thiện vì yêu mến người nghèo hay vì muốn khoe khoang?

 

Phải thờ Chúa trong tâm hồn

Noel Quesson

Cha Murray (Muy-rây) lủi thủi đi trên phố vắng đêm khuya, ngài đang đưa Mình Thánh cho một bệnh nhân nguy kịch. Tới góc phố, chợt một tên cướp nhảy ra chĩa súng quát: “Đứng lại, đưa tiền đây!”. Cha Murray mở áo khoác, lấy ví tiền. Tên cướp ngó thấy ngài mặc áo đen và mang cổ trắng, nhận ra đó là một linh mục, hắn ấp úng nói: “Thưa cha, con không biết. Con xin lỗi, cha cất tiền đi”. Cha Murray bình tĩnh lại, ngài móc gói thuốc mời hắn một điều. Nhưng ngài lại ngạc nhiên lần nữa nghe hắn nói: “Cám ơn cha, bây giờ đang Mùa Chay, con không hút thuốc”.
Có những người coi việc giữ luật là quan trọng, còn tình trạng tâm hồn mình là không đáng kể. Họ thấy cần thiết phải giữ chay, còn có đi ăn trộm, ăn cướp cũng chả sao. Đó là một sai lầm mà Chúa Giêsu luôn tìm cách sửa đổi. Có thể coi đây là một trong những khác biệt giữa tâm tình giữ đạo của các Biệt phái và nhóm môn đệ sống theo Lời Chúa. Các Biệt phái nghiêm chỉnh giữ luật tắm rửa, lau chùi, rửa bình… không phải vì lý do vệ sinh, nhưng là nghi lễ thanh tẩy. Họ khó chịu, chê trách Chúa và các môn đệ vì không tuân giữ luật cũ. Dù nhóm môn đệ rất nhiệt thành giữ đạo, nhưng đôi khi trong nếp sống cũng bị nhiễm lây một vài thói tục mà người Biệt phái cho là phóng túng. Chúa Giêsu coi những chuyện này là không quan trọng. Chủ yếu là do cõi lòng. Chúa luôn bảo vệ, bênh vực những kẻ mà nhóm bảo thủ cho là người xấu, người tội lỗi, những người thu thuế, các cô gái điếm. Chúa tỏ lòng nhân từ và khoan dung với người nghèo khó, bé mọn… nhất là khi những người này bị xét đoán gắt gay.
Một lý do khác nữa là Chúa Giêsu nghĩ tới một Giáo Hội phổ quát chứ không đóng khung trong dân tộc Do Thái. Những phong tục, tập quán của Do Thái là tốt, nhưng đến lúc phải mở rộng hơn để đón nhận mọi nếp sống, mọi nền văn minh trên toàn thế giới. Vậy phải sàng sảy, chọn lọc, chỉ giữ lại những gì cốt yếu và coi nhẹ những điểm phụ thuộc. Chúa bảo có một số cổ lệ không do Thiên Chúa mà chỉ do con người. Những cổ lệ đó cần đổi thay, điều chỉnh cho sáng tỏ tinh thần tôn kính Thiên Chúa và chu toàn bác ái đối với anh em. Nếu không sẽ chỉ đáng nghe lời quở trách của ngôn sứ Isai: “Dân này tôn thờ ta ngoài môi miệng mà lòng trí ở xa Ta”.
Phải làm sao cho sáng tỏ tinh thần, không bị lu mờ che khuất vì nếp sống bên ngoài. Phải làm sao cho mọi người, tín đồ cũng như người chưa tin, thấy điều quan trọng là ở tâm tình, chứ không ở luật lệ, hay lễ nghi thờ tự. Những điều này chỉ có giá trị nếu làm nổi bật tinh thần bên trong, là việc mến Chúa, yêu người.
Lạy Chúa, xin thanh tẩy chúng con để chúng con biết tôn trọng tinh thần hơn tục lệ, biết nhìn anh em theo hướng nhìn cởi mở của Chúa. 

 

Thời Gian

 

Con người sống vui vì có định mốc thời gian. Các nhà khoa học đã giả định vũ trụ hiện hữu đã có hằng tỷ năm. Chúng ta không biết chắc chắn thời gian và nguồn cội của vũ trụ càn khôn. Trên không trung có cả triệu triệu hành tinh như những ngôi sao dọi sáng trong bầu trời. Từ ngàn xưa, địa cầu cứ tiếp tục vần xoay, mặt trăng khi tròn khi khuyết và mặt trời luôn chiếu sáng và sưởi ấm. Sự có mặt hay vắng mặt của con người chẳng liên quan gì đến sự vận hành của vũ trụ. Ngày ngày trăng sao vẫn lấp lánh, mây vẫn trôi, gió vẫn thổi, sóng biển vẫn dập dồn và cây cối vẫn trổ hoa sinh trái.

Chúng ta được sinh ra làm người là một hạnh phúc tuyệt vời. Chúng ta được chiêm ngưỡng những kỳ công vượt trên mọi trí tưởng tượng. Với khả năng được trao ban, nhân loại đã dần dần khám phá được phần nào những bí nhiệm của vũ trụ. Chúng ta cần học hỏi và tìm kiếm nhiều hơn để nhận ra ý nghĩa và cùng đích của sự hiện hữu này. Một điều kỳ lạ, có rất nhiều người ngây thơ chối bỏ căn nguyên cội rễ của vũ trụ. Họ nghĩ rằng cứ phủ nhận và chối bỏ nguyên lý nhân quả là họ được hưởng tự do. Đây chỉ là một thứ tự do ngông cuồng và vô thức. Con người có thông minh, giỏi giang và có quyền lực gì chăng nữa, cũng chỉ sống vỏn vẹn trên trần đời một thời gian ngắn dài khoảng là tám chín chục năm. Khoảng đời chẳng là gì so với tuổi của vũ trụ.

Chúng ta đều là loài thụ tạo. Sự hiện hữu là một hồng ân. Thời gian là một món qùa. Chúng ta đã chẳng làm gì để thủ đắc, đón nhận hay sở hữu thời gian. Thời gian giống như khí quyển mà chúng ta thở hít mỗi giây phút. Món quà thời gian không chỉ dành cho riêng chúng ta. Trời ban cho mọi người thời gian đồng đều. Dù khi chúng ta ngủ hay thức hoặc ý thức hay vô thức, đồng hồ thời gian vẫn cứ chạy đều. Một năm có 12 tháng, 52 tuần, 365 ngày, 8,760 giờ, 525,600 phút và 31, 536,000 giây. Người giầu kẻ nghèo, người học thức, kẻ thất học, người khỏe, kẻ yếu, đàn ông, đàn bà hay trẻ em đều lãnh nhận đủ 24 giờ một ngày.

Điều quan trọng nên nhớ là, chúng ta không thể ngừng thời gian. Cũng không thể làm cho thời gian nhanh hơn hay chậm lại và cũng không thể thay đổi. Thời gian tiếp tục đi tới. Chúng ta không thể cứu vãn thời gian đã trôi qua. Một khi đã đi qua là đã qua. Ngày qua đã đi vào dĩ vãng đời đời. Ngày hôm qua đã rời xa, ngày mai chưa tới và giây phút hiện tại là đang sống. Chúng ta có thể có những viễn tượng về tương lai xa gần, nhưng thật sự không thể bảo đảm việc gì sẽ xảy đến. Thời gian là một món qùa rất quý báu. Chúng ta đừng hoang phí, lạm dụng quá độ hoặc dùng nó cho riêng mình. Chúng ta nên đầu tư thời gian để thi hành điều gì đó tốt đẹp cho chúng ta và xã hội.

Qui luật của thời gian là sự đào thải. Mọi loài thụ tạo đều có chung một quá trình trong thời gian. Có sinh, có tử. Có trẻ, có già. Có mới, có cũ. Có lúc khởi đầu và có khi kết thúc. Có đó, rồi mất đó. Con người hãy nhớ mình là tro bụi, sẽ trở về bụi tro. Tất cả các loài thực vật, động vật và loài người đều nằm trong lẽ vô thường. Hôm nay trai trẻ khỏe mạnh, ngày sau sẽ già nua yếu bệnh. Hôm nay chúng ta cố đấu tranh để đạt quyền cao chức trọng, rồi cũng có ngày phải về vườn qui ẩn. Hôm nay chúng ta chắt chiu của cải nên giầu có, rồi cũng có lúc ra đi trắng tay. Hôm nay chúng ta đầu tư thời gian để kiếm tiền, nhưng rồi khi đã có tiền, cũng chẳng mua lại được thời gian. Luật đào thải của thời gian không chừa một ai. Thời gian sẽ đẩy lùi tất cả và có thể giải đáp mọi vấn đề.

Tấm lịch của ngày giờ năm tháng giúp chúng ta phân chia thời gian. Ai cũng có những quãng đời dài ngắn đã đi qua. Gọi là tiến trình của tuổi ấu thơ tới tuổi già. Để nhận biết rõ hơn về chính mình, chúng ta có thể phân chia cuộc đời ra nhiều giai đoạn, mỗi kỳ khoảng 10 hay 15 năm. Nhìn bức tranh cuộc đời sẽ rõ ràng. Khởi đầu tuổi thơ ấu với nhiều kỷ niệm đẹp. Thời gian tuổi thơ là vui sướng nhất. Tuổi trẻ là tuổi thần tiên. Tuổi dệt mộng đẹp nhất. Người trẻ thì tràn đầy nhựa sống và niềm hy vọng. Khi bước vào trường đời, ước mơ của tuổi trẻ với nhiều dự tính tương lai rất ấn tượng. Tương lai đang mở ra với biết bao hy vọng. Thật là sung sướng!

Mới đây, trên mạng ảo facebook, có kể câu truyện thật hư không rõ, nhưng chúng ta nên để tâm suy nghĩ một chút. Truyện kể:

Có một đại gia không may bị chết sớm. Người vợ thừa kế số tiền là 19 tỉ đồng.  Sau khi lo đám tang chồng, người vợ đã lấy anh tài xế của đại gia, làm chồng. Anh tài xế hân hoan phát biểu: Trước kia, tôi cứ nghĩ rằng mình làm thuê cho ông chủ, bây giờ mới biết chính ông chủ mới là người làm thuê cho tôi. Thật là xót xa. Ky cóp cho cọp nó xơi. Điển trai, danh vọng, chức vị, tiền tài chưa đủ để sống hạnh phúc dài lâu. Chúng ta cần có sức khỏe để vui sống. Ở đời chưa biết ai làm thuê cho ai. 

Mỗi người có thể nhìn lại đời mình, ai ai cũng có khi trẻ lúc già. Bước vào tuổi nửa chừng xuân, chúng ta bắt đầu cảm nhận những đổi thay cả về tinh thần lẫn thể xác. Cổ nhân thường nói rằng: Bốn chín chưa qua, năm ba đã tới. Đúng thế, sau những tháng năm dài miệt mài lao động kiếm sống, chúng ta cần có thời gian để suy tư. Thật vậy, nếu chúng ta không dành thời giờ và tiền bạc lo cho sức khỏe khi còn trẻ, chúng ta cũng sẽ phải dùng tiền đó lo cho sức khỏe khi về già. Nhiều người đã than phiền và lo lắng cho nửa cuộc đời về sau là sức khỏe, huyết áp, máu mỡ, bảo hiểm, của cải thừa kế…và sợ cái chết đến gần. Đừng sợ! Người trước kẻ sau, ai cũng sẽ được đi đến cùng đường. Bởi thế, dù đường đời dài hay ngắn, điều đó không quan trọng. Sự quan trọng là làm sao chúng ta sống cuộc đời cho có ý nghĩa.

Theo cách tính lịch của người Do-thái thuở xưa, sách Lêvi đã viết: “Các ngươi phải tính bảy tuần năm, nghĩa là bảy lần bảy năm; thời gian của bảy tuần năm đó là bốn mươi chín năm…và sẽ công bố năm thứ năm mươi và gọi là năm thánh, năm toàn xá…(Lêvi 25, 8-10). Sự tuần hoàn của cơ thể con người cũng phát triển theo hướng tự nhiên. Cứ bảy năm, các tế bào trong thân thể của con người lại đổi mới theo một chu kỳ. Sau bảy lần bảy là bốn mươi chín năm, chúng ta bước vào giai đoạn mới của cuộc đời. Đây là tuổi của sự thành đạt trên đường đời và cũng là thời kỳ thách đố về sức khỏe. Như chiếc xe cũ, thân xác của chúng ta cũng sẽ thoái hóa dần. Đây là sự thật của luật đào thải. Chúng ta hãy chấp nhận những gì mình đang có và vui sống trong mọi hoàn cảnh.

Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa đã cho chúng con được hiện hữu trên đời. Chúng con được thưởng ngắm tất cả những kỳ công tuyệt vời của của Đấng Tạo Hóa. Tất cả là hồng ân Chúa ban cách nhưng không. Chúng con cảm tạ, ca tụng và ngợi khen danh Chúa đến muôn ngàn đời.

Lm. Giuse Trần Việt Hùng

Bronx, New York

Chia sẻ Bài này:

facebookShare Email Email Print Bài này Print Bài này