Chúa Nhật 20 Thường Niên B

20th Sunday in Ordinary Time

Reading I: Proverbs 9:1-6 II: Ephesians 5:15-20; John 6:51-58

Chúa Nhật 20 Thường Niên

Bài Đọc I: Châm Ngôn 9:1-6 II: Êphêsô 5:15-20; Gioan 6:51-58

Interesting Details

·   In chapter six of John, after feeding five thousand people (vv. 1-15), Jesus walks on the sea (vv. 16-21) and goes to the other side of Lake Tiberias. When the people come to look for him, he tells them: “I am the bread of life that came down from heaven” (v. 41) and “whoever believes has eternal life” (v. 47). That leads us into today’s reading: Eating Jesus’ flesh and drinking his blood to have eternal life.

·   Concerning the language of the reading, the Hebrew idiom “flesh and blood” means the whole person. Furthermore, in the Old Testament, “to eat someone’s flesh” is a hostile action, and the “eater of flesh” is the other name for the devil; and there are laws in the Old Testament forbidding the “drinking of blood” (Gen 4:4; Lev.3:17, etc). In short, the language should be understood as referring to the Eucharist (AB: RE Brown p. 282, 284).

·   However, the problem here is how to implement the phrase “eat my flesh and drink my blood will have eternal life” (v. 54). “Eternal life” obviously can refer to the afterlife, but it also refers to this very life on earth; it is possible to participate in God’s life while still living on earth (realized eschatololy); it is already present and, at the same time, is expected to come in the future.

·   The key to understand “eternal life” rests on the verb “abide:” Those who eat my flesh and drink my blood abide in me, and I in them” (v. 56). Abide (stay, remain, dwell in) has many meanings, and one of them is “to be intimately united with [Jesus].” Abiding, or having eternal life, can be best illustrated by St. Paul: “It is Christ who lives in me” (Gal. 2:20).

·   Returning to the hard part of the above phrase – “eat my flesh and drink my blood” -, it can be understood in at least three ways:

1. sacramentally by partaking in the Eucharist,

2. dramatically by being spiritually united with the Crucified and Risen Christ, and

3. symbolically by committing to Jesus as the revealer sent from God, the Word becomes flesh.

No matter how one understands it, the point is Jesus insists that we have to go beyond believing to participating in God’s life. It is a deeper level of faith, a life in spirit

Chi Tiết Hay

·   Trong chương sáu của Gioan, Đức Giêsu đã hóa bánh để nuôi năm ngàn người (cc.1-15), sau đó Ngài đi bộ trên mặt nước, rồi sang bên kia bờ hồ Tiberia. Sau đó, dân chúng sang tìm và tôn Ngài làm vua, nhưng Ngài nói với họ rằng: “Tôi là bánh từ trời xuống” (c.41) và “ai tin thì được sống đời đời” (c.47). Và chúng ta bước vào bài đọc hôm nay: “Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi thì được sống muôn đời” (c. 54).

·   Trong tiếng Do thái, từ “thịt và máu” thường dùng để chỉ toàn thân xác. Trong Cựu Ước, “ăn thịt” là hành động của những kẻ thù nghịch, và “kẻ ăn thịt” cũng là tên gọi của Satan. Thêm vào đó, Cựu Ước có luật cấm không được uống máu (Sáng thế 4:4, Đệ nhị luật 3:17, v.v.). Nói chung thì ngôn từ của bài này có vẻ mọi rợ, hoặc kỳ cục, hoặc mới lạ. Vì thế chúng ta hiểu rằng ngôn từ này nói về Phép Thánh Thể (AB: RE Brown tr. 282-284).

·   Câu 54 là câu khó hiểu nhất: “Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi thì được sống muôn đời.” Phân tách phần cuối của câu này, sự sống đời đời không những chỉ nói về đời sau, nhưng còn nói về đời sống hiện thực ngày nay. Chúng ta có thể dự phần vào đời sống vĩnh cửu của Thiên Chúa, có thể cảm nghiệm được sự sống của Thiên Chúa khi còn sống trên đời này. Vậy, chúng ta đã và sẽ cảm nghiệm được sự sống đời đời.

·   Điểm chủ chốt để hiểu về sự sống đời đời là phải hiểu chữ “ở-lại-trong” (abide): “Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy” (c 56). “Ở-lại-trong” có nhiều nghĩa và một trong những nghĩa đó là “kết hợp mật thiết với [Đức Giêsu].” Điểm này được Thánh Phaolô diễn tả tuyệt vời: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Galát 2:20).

·   Sau cùng, “ăn thịt tôi và uống máu tôi” có thể hiểu theo ba cách:

1.  theo khía cạnh bí tích là dự phần vào bí tích Thánh thể,

2.  theo cánh tinh thần là hiệp thông trong tinh thần với Đức Kitô đóng đinh và sống lại,

3.  theo cách tượng trưng là cam kết tin tưởng Đức Giêsu là Đấng đến từ Chúa Cha, là Ngôi lời nhập thể, đến để tỏ lộ cho cho chúng ta biết về Chúa Cha.

Dù hiểu theo cách nào, điểm chính ở đây cho thấy Đức Giêsu nhấn mạnh việc cần phải vượt qua đức tin (kiến thức) để đi đến việc tham gia (cảm nghiệm) sự sống muôn đời.

One Main Point

Jesus gives those who “eat his flesh and drink his blood” eternal life. By doing so, by participating in the Eucharist, we stay in communion with him, and we have eternal life.

Một Điểm Chính

Đức Giêsu ban cho chúng ta “mình và máu của Ngài” để chúng ta có sự sống muôn đời. Và khi chúng ta ăn Mình Ngài và uống máu Ngài, chúng ta sẽ hiệp thông với Ngài.

Reflections

1. Catholics believe that the Risen Lord is truly present in the Eucharist. How do I understand and practice “eating his flesh and drinking his blood?” Furthermore, how is that understanding and practice leading me to a deeper spiritual life?

2. Those who eat Jesus’ flesh and drink his blood will abide in him, and He in them. Am I abiding in Jesus? Is Jesus abiding in me? Am I living in his love, his grace?

3. Jesus said that he has come so we may have life and have it in abundance. What are some of the results of sharing this eternal life? How are those results manifested in my actions and words?

Suy Niệm

1.  Là người Công giáo, tôi tin Đức Giêsu hiện diện trong phép Thánh thể. Vậy tôi hiểu phép Thánh thể, “ăn mình Ngài và uống máu Ngài,” và rước lễ thế nào? Phép Thánh thể có giúp tôi một đức tin mạnh mẽ hơn?

2.  Những kẻ ăn mình và uống máu Ngài sẽ ở trong Ngài và Ngài cũng sẽ ở trong họ. Vậy tôi có ở trong ngài không? Tôi có đang sống trong tình yêu và ân sủng của Ngài?

3.  Đức Giêsu nói Ngài đến để chúng ta có sự sống và sống sung mãn. Sự sống đó mang lại gì cho tôi? Sự sống đó thể hiện thế nào qua lời nói và việc làm của tôi?

Anh Ấy Chưa Bao Giờ Trưởng Thành

Ngày 16/8 kỷ niệm ngày qua đời của Elvis Presley, ca sĩ được xem như là thần tượng của nhạc Rock tại Hoa Kỳ trong thập niên 70.  Xuất thân từ một gia đình nghèo, lại mang tính nhút nhát, Elvis thường trở thành trò cười cho bạn bè trong lớp. Nhưng luôn ôm ấp trong mình giấc mơ trở thành ca sĩ, Elvis đã thắng được tính nhút nhát của mình để trở thành một ngôi sao sáng chói trong nền âm nhạc Mỹ quốc…

Danh vọng và tiền bạc đến quá nhanh khiến Elvis không kịp chuẩn bị cho mình một triết lý sống vững chắc. Anh mua cho người mẹ một ngôi biệt thự lộng lẫy xa hoa. Cá nhân anh thì lại vung vãi tiền bạc trong không biết bao nhiêu thú vui phù phiếm. Cuộc hôn nhân đầu tiên đã đổ vỡ, chỉ để lại cho anh cay đắng buồn phiền…   Sự ái mộ của dân chúng dường như không đủ để lấp đầy khoảng trống vắng quá lớn trong tâm hồn anh. Ma túy và các thứ thuốc an thần cũng không đủ hiệu lực để xoa dịu bao nỗi khắc khoải trong anh…

Buổi sáng ngày 16/8/1977, sau một đêm thức trắng để đọc sách, Elvis đã được tìm thấy trong phòng tắm của anh, mặt úp xuống sàn nhà, sau một cơn chống trả mãnh liệt với tử thần… Anh đã tắt thở ngay sau khi được trở vào bệnh viện.

Priscilla, người vợ đầu tiên của Elvis đã thốt lên như sau: “Cái chết của Elvis khiến tôi nghĩ nhiều về chính cái chết của tôi… Tôi chợt nhận ra rằng tôi cần phải chia sẻ với người khác nhiều hơn. Khi trở thành một ngôi sao trong nền âm nhạc, Elvis còn quá trẻ để có thể biết cách sử dụng tiền tài, danh vọng đang đến với anh. Anh chỉ là một nạn nhân. Anh bị hủy diệt bởi chính những người ái mộ anh. Anh cũng là nạn nhân của chính hình ảnh mà anh đã tự tạo ra. Anh chưa bao giờ sống như một người thực sự, anh chưa bao giờ trưởng thành, anh chưa bao giờ ra khỏi cái vỏ ốc ấm áp của anh để cảm nghiệm được thế giới bên ngoài”.

Bảo rằng tiền bạc, danh vọng không làm cho con người hạnh phúc có lẽ cũng bằng thừa. Biết bao nhiêu người đã đi tìm hạnh phúc trong của cải chóng qua ở đời này, rốt cục, họ chỉ gặp thất vọng, chán nản ê chề… Thánh Augustinô đã được coi như là một hiện thân của một cuộc tìm kiếm không ngừng. Tìm kiếm hạnh phúc trong hiểu biết, tìm kiếm hạnh phúc trong khoái lạc v.v…, tất cả chỉ để lại trong tâm hồn ngài nỗi trống vắng ê chề. Cuối cùng ngài đã tìm ra chân lý: “Lạy Chúa, Chúa dựng nên con cho chính Chúa, tâm hồn con chỉ ngơi nghỉ khi được yên nghỉ trong Chúa…”.

     Phải, chỉ có Chúa mới có thể lấp đầy nỗi khao khát hạnh phúc trong lòng người… Người Kitô chúng ta luôn được mời gọi để tìm kiếm Chúa trong những cái chóng qua ở đời này. Giá trị cao cả nhất để chúng ta đeo đuổi không phải là tiền của, danh vọng, nhưng chính là Chúa và những giá trị của Nước Trời.

Cha có đưa Mình Thánh Chúa đến cho con không?

Trong tạp chí “Mater nostra“, một giáo sĩ truyền giáo lâu năm bên Nhật ghi lại câu truyện cảm động sau đây:  “Tôi rất bồi hồi cảm kích, mỗi khi nhớ lại lần sau cùng gặp Nakamura, một thiếu nữ Nhật, 18 tuổi, mới vào đạo được 4 năm. Chính tôi hân hạnh được rửa tội cho nàng. Tuy là giáo hữu tân tòng, Nakamura từ ngày vào đạo, hầu như không ngày nào bỏ đi lễ lúc 6 giờ 30 sáng và rước lễ.

Ngày 6 tháng 8 năm 1945, Mỹ thả trái bom nguyên tử đầu tiên xuống Hiroshima. Cảnh tượng tàn phá thật là khủng khiếp… Đi đâu, cũng gặp chướng ngại vật. Nực mùi chiến tranh, chết chóc…

Đã gần 2 tuần, không thấy Nakamura đi lễ, tôi đâm lo…quyết định đi thăm nàng.

Phải khổ sở len lỏi mãi, mới tới được nhà nàng, thì, hỡi ôi, nhà nàng đã sụp đổ tan tành, chỉ còn cái tường cao chừng 2 thước trơ trọi đứng đó…

Tôi thổn thức vòng lại phía sau nhà. Trời ơi, một cái chòi thô sơ, 4 góc là 4 cái cột, chung quanh che bằng chiếu, mành, áo quần rách, trên nóc, mấy tấm tôn kẽm xiêu vẹo.

Tôi bước vào trong. Lạy Chúa, một cái chõng thô sơ, ọp ẹp: Nakamura nằm trên đó, áo xống tả tơi, cháy xém, hai tay hai chân co quắp như một xác chết…Mùi hôi thối bay ra.

Trên chõng, dưới đất, máu mủ văng vãi, giòi bọ từng đoàn từng lũ bò ngang bò dọc…

Tôi khựng lại, không sao nói được một lời.

Sau một lát, tôi lấy can đảm gọi tên nàng. Nakamura nhúc nhích, nhưng không sao trở mình được. Nàng bị thương nặng quá, chân tay mình mẩy, chỗ nào cũng thấy sây sứt. Ở đầu vai bên phải, thịt xương cháy xám lòi ra, để một lỗ hổng, có thể đút lọt bàn tay.

Tôi xắn áo, lau chùi, dọn dẹp một chút, rồi giúp nàng xoay mình lại. Nakamura mở 2 mắt nhìn tôi, tràn ra mấy giọt lệ, cựa quậy tay trái như muốn giơ lên chào tôi mà không giơ lên nổi. Nàng nói thì thầm: “Cha có đưa Mình Thánh Chúa đến cho con không?

Tôi xúc động quá sức, xót xa cảm mến, chưa kịp trả lời nàng, thì nước mắt đã trào ra đầy má.

Sau ít phút trao đổi, tôi được biết, đã 14 ngày qua, trừ ra cha nàng, ông cũng bị thương nặng, mỗi ngày đem cho nàng chút ít đồ ăn, nước uống, còn ngoài ra, chẳng ai lo lắng chăm sóc nàng cả. Vậy mà Nakamura không một lời kêu ca than thở, không kêu xin xót thương giúp đỡ. Nàng như quên hết mọi đau đớn, ê chề, chỉ nhỏ nhẹ hỏi: “Cha có đưa Mình Thánh Chúa đến cho con không?

Tôi nghẹn ngào cảm kích cực độ, nước mắt cứ thi nhau trào ra…

Tôi trở lại nhà, lấy Mình Thánh Chúa. Cho Nakamura rước lễ.

Tôi nán ở lại, lau chùi, dọn dẹp thêm chút “cái biệt thự sang trọng” của nàng… rồi ra về. Hẹn hôm sau sẽ trở lại và đem Mình Thánh Chúa. Nakamura nhỏ nhẹ nói với tôi: “Thời buổi chinh chiến li loạn này, chừng nào mới hết? Đã 4 năm nay, con chuẩn bị vào Dòng. Con muốn tận hiến đời con cho Chúa, muốn phục vụ hết mình những người nghèo khó, bệnh tật. Hiện giờ, con thế này, không biết Chúa sẽ dẫn dắt con về đâu? Dẫu sao, ở đâu, đi về hướng nào, ra sao, Chúa là nguồn sức mạnh, là nguồn hạnh phúc, là tất cả của con…”

Hôm sau, tôi trở lại, mang theo Mình Thánh Chúa…nhưng Nakamura đã về trời với Bạn Chí thánh… không còn trên mặt đất khổ đau này nữa.  Cho tới ngày hôm nay, tôi vẫn bần thần, thương nhớ Nakamura, không sao nguôi được. Đêm ngày, tôi bị ám ảnh, suy nghĩ liên miên: một người tân tòng, chỉ mới vào đạo được mấy năm, hằng ngày đi lễ ban sáng và rước lễ… bị tai nạn, cửa nhà tan nát, thương tích đầy mình, đớn đau tinh thần, thể xác, mà không một lời kêu ca, ta thán. Gặp tôi, Nakamura chỉ hỏi đến Mình Thánh Chúa. Lại nói với tôi những lời xây dựng, đầy ý nghĩa thần học…

Tôi tự nhủ: ngoài trường “Thánh Thể” ra, không còn trường nào khác dạy được như vậy!

Trương Vân Thục, OSB, – Truyện Lạ Thánh Thể – Tập I, 1995 (trg 106-109)

Rước lễ

Có một cô sinh viên, được đặc ân mỗi tuần mang Mình Thánh Chúa đến cho một cụ già sống lẻ loi và cô quạnh. Cô sinh viên đã kể lại như thế này: Sau khi tới nơi, tôi ngồi xuống cạnh cụ, đọc lại bài Phúc Âm ngày Chúa nhật cho cụ nghe, rồi bàn bạc trao đổi với cụ về một vài điểm mà đoạn Phúc Âm ấy đã gợi lên. Tiếp đến là giây phút cụ trông đợi cả tuần lễ. Tôi và cụ cùng nhau đọc kinh Lạy Cha. Rồi tôi giờ Mình Thánh lên và nói với cụ: Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian, phúc cho ai được mời tới dự tiệc Con Thiên Chúa. Và cụ đáp lại: Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời, thì linh hồn con sẽ lành mạnh. Đoạn tôi trao Mình Thánh cho cụ. Sau một vài phút thinh lặng, tôi giúp cụ cầu nguyện: Lạy Chúa, ước gì Mình Thánh Chúa mà cụ vừa lãnh nhận, mang lại cho cụ sức khoẻ phần hồn cũng như phần xác. Xin Chúa giải thoát cụ khỏi mọi khổ đau và bệnh tật, xin hãy dùng sức mạnh của Chúa mà nâng đỡ, chở che để cụ cũng sẽ được phục sinh trong cuộc sống mới vào ngày sau hết. Sau đó, hai người ngồi nói chuyện một lúc rồi tôi tạm biệt và hứa sẽ cầu nguyện cho nhau và hẹn gặp lại vào Chúa nhật tuần tới.

Câu chuyện đơn sơ trên cho chúng ta thấy loại đức tin mà Chúa Giêsu muốn chúng ta có như lời Ngài đã nói qua đoạn Phúc Âm sáng hôm nay: Ta là bánh Hằng Sống từ trời xuống. Thịt Ta thật là của ăn, Máu Ta thật là của uống. Ai ăn thịt Ta và uống Máu Ta thì kẻ ấy sống trong Ta và Ta sống trong kẻ ấy. Cụ già và cô sinh viên đều chứng tỏ đức tin của họ vào lời nói ấy của Chúa, bằng cách trao ban cũng như nhận lãnh Mình Thánh Chúa Giêsu, bằng cách cùng cầu nguyện chung với nhau.

Và như thế, việc rước lễ phải là một cảm nghiệm của đức tin, được thực hiện kèm theo lời cầu nguyện. Lúc rước lễ là như một viên kim cương. Còn thời gian trước và sau rước lễ là như một sợi dây vàng. Tự bản tính, viên kim cương vốn đã xinh đẹp, nhưng nó sẽ trở nên vô cùng đẹp đẽ hơn nếu được gắn vào giữa sợi dây vàng và trở thành trung tâm điểm. Cũng thế, tự bản tính việc rước lễ là một cảm nghiệm tuyệt đẹp, nhưng nó sẽ trở nên vô cùng tốt đẹp nếu được kèm theo những tâm tình cầu nguyện. Vậy chúng ta đã cầu nguyện thế nào trước và sau khi rước lễ? Tâm hồn chúng ta nghĩ gì khi tiến lên bàn thánh Chúa. Chúng ta có tâm sự với Chúa như với người bạn thân hay không? Chúng ta có biết cảm tạ Ngài, xin Ngài tha thứ và hướng dẫn chúng ta trên vạn nẻo đường đời?

Điểm thứ hai câu chuyện trên cho thấy đó là thứ tình thương Chúa muốn chúng ta phải có với tư cách là những Kitô hữu. Thực vậy, tình thương giữa cụ già và cô sinh viên là loại tình thương mà mỗi người chúng ta cần phải cố gắng vun trồng cho nhau. Và bí tích Thánh Thể chính là một phương tiện giúp chúng ta sống gắn bó mật thiết với nhau hơn như lời thánh Phaolô đã viết: Mặc dù chúng ta tuy nhiều, nhưng cùng chia sẻ một tấm bánh và làm nên một thân thể mầu nhiệm của Đức Kitô. Vậy việc rước lễ có làm cho đời sống chúng ta dồi dào tình thương mến, nhất là đối với những người khổ đau và bất hạnh hay không? Nói cách khác, việc rước lễ có lôi kéo chúng ta đến gần Chúa và đến gần nhau hay không?

Mình Máu Thánh Chúa

Nếu hôm nay có ai đến bảo chúng ta rằng: Bạn hãy ăn thịt và uống máu tôi đi, bạn sẽ sống mãi không chết bao giờ, thì chắc chúng ta sẽ cho là người ấy mắc bệnh tâm thần.

Người Do Thái ngày xưa, kể cả các môn đệ, khi nghe Chúa Giêsu nói những lời lẽ tương tự cũng đã bảo nhau: Lời ấy chướng tai quá, ai mà nghe cho nổi.

Thực ra người Việt Nam chúng ta có một cách nói khác: Ai ơi bưng bát cơm đầy, dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần. Thực vậy, chén cơm là kết quả của công lao khó nhọc nơi người nông dân: từ lúc gieo xạ, tới lúc chăm sóc, phân bón, làm cỏ, trừ sâu và gặt hái. Bao nhiêu công đoạn là bấy nhiêu nhọc nhằn, có khi còn phải tủi nhục, đoạ đày dưới ánh mắt của những chủ điền độc ác. Chính nhờ mồ hôi nước mắt, nhờ những cay đắng nhọc nhằn ấy mà chúng ta được sống.

Mà không phải chỉ có mồ hôi nước mắt của nhà nông mà thôi. Khi cha mẹ tôi đổ mồ hôi kiếm sống nuôi tôi thì chén cơm trên bàn ăn mẹ xới cho tôi chính là một phần của máu thịt cha mẹ tôi sẻ bớt cho tôi. Tôi sống nhờ thịt máu các ngài.

Chúa Giêsu khi cầm tấm bánh bẻ ra và nói: Tất cả hãy cầm lấy mà ăn, thì Ngài đã nghĩ ngay đến cái chết của mình vì nhân loại, nên ðã nói tiếp: Đây là Mình Thầy sẽ bị nộp vì các con.

Nếu sau việc làm này, nghĩa là nếu sau khi đã bẻ bánh và nói những lời ấy Chúa Giêsu không bị giết thì việc làm của Ngài chỉ là một chuyện đùa và không ai nhắc lại làm gì. Nhưng thật sự Ngài đã bị giết, bị mai táng và đã sống lại, bởi thế tấm bánh Ngài bẻ ra thực sự có ý nghĩa. Đó là chính thân thể Ngài bị giết để có thể trở thành của ăn của uống cho chúng ta.

Thật vậy, khi chúng ta ăn cái gì thì cái đó biến thành máu thịt chúng ta. Chúng ta ăn thịt và uống máu Con Người thì thịt máu ấy trở thành thịt máu chúng ta. Người nên một với ta, ta nên một với Người hay nói cách khác, ta ở trong Người và Người ở trong ta. Và như thế, nếu Người sống đời đời thì ta cũng phải được sống đời đời như Người và với Người.

Do đó, nhờ bí tích Thánh Thể chúng ta nhận được từ nơi Người chính sự sống của Người để có thể nói như thánh Phaolô: Tôi sống nhưng không phải tôi sống, nhưng là chính Đức Kitô sống trong tôi. Nếu thực sự Đức Kitô sống trong tôi thì điều đó phải được tỏ hiện qua tâm tình, lời nói và hành động của tôi. Bởi thế ai ăn thịt và uống máu Đức Kitô mà không sống như Người đã sống, nghĩa là không yêu thương anh em như Người đã yêu thương thì kẻ đó đã thực sự rước lễ chẳng nên vì thịt máu Đức Kitô không biến thành thịt máu kẻ ấy. Người đã không ở trong họ và họ cũng chẳng ở trong Người và như vậy họ chẳng bao giờ được sống đời đời.

Bí tích Thánh Thể không được lập ra chỉ để nuôi dưỡng tâm hồn chúng ta, biến chúng ta thành những kẻ đạo đức, mà chủ yếu đây là bí tích của yêu thương và hợp nhất. Bí tích mời gọi chúng ta biết chia sẻ cuộc sống với người khác. Bởi đó, kẻ chỉ biết ngồi ở bàn tiệc Thánh Thể mà không bao giờ biết ngồi vào bàn ăn với anh em, nhất là không biết dọn bàn ăn cho anh em mình, thì đó là kẻ chưa hiểu được ý nghĩa của bí tích này và cũng chẳng hưởng được hồng ân nơi bàn tiệc của Chúa.

Hồng ân Thánh Thể – Lm. Ignatiô Trần Ngà

Khi thông ban Sự Sống của chính mình cho nhân loại, Thiên Chúa ban cho họ một hồng ân cao quý hơn hết mọi hồng ân, một quà tặng tuyệt vời trên tất cả mọi món quà

Không gì trên đời quý bằng sự sống. Dù có bị thiên tai mất hết ruộng vườn, tài sản, nhà cửa, tiền bạc, nhưng chưa phải chết thì vẫn còn may.

Được sống là một hồng phúc lớn nhất, là một ân huệ vượt trên hết mọi ân huệ. Theo nhà văn Jack London thì “thà làm một con chó sống còn hơn làm một con sư tử chết”. Làm một con chuột sống còn hơn một con voi chết! Thế nên người ta thường nói: “Mạng sống quý hơn đống vàng”.

Vì yêu thương con người trên hết mọi sự, nên Thiên Chúa muốn dành cho họ quà tặng cao quý hơn tất cả mọi quà tặng, đó là sự sống; nhưng Thiên Chúa không chỉ ban sự sống sinh vật mà còn thông ban cả Sự Sống của chính Thiên Chúa cho con người nữa.

Thông ban sự sống thần linh

Thiên Chúa Cha là Cội Nguồn của Sự Sống. Sự Sống bắt nguồn từ Chúa Cha. Người thông ban Sự Sống của Người cho Chúa Con (Chúa Cha nhiệm sinh Chúa Con). Chúa Giêsu xác nhận sự sống của Người từ Chúa Cha mà đến: “Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha” (Ga 6, 57)

Một khi nhận được sự sống từ Chúa Cha, Chúa Giêsu không giữ lại cho riêng mình, nhưng tìm cách thông truyền Sự Sống cao quý ấy cho nhân loại.

Bằng cách nào?

Muốn cho cành nho rừng tiếp nhận được sự sống của cây nho vườn, thì nó phải được tháp nối để nên một với cây nho vườn.

Muốn cho một bàn tay bị cắt lìa thân được tiếp nhận sự sống từ thân thể thì bàn tay đó phải được ghép nối vào thân thể, trở nên một với thân thể.

Vậy muốn cho loài người tiếp nhận được Sự Sống của Chúa Giêsu thì phải làm cho họ nên một với Chúa Giêsu.

Thế nên, Chúa Giêsu lập nên bí tích Thánh Thể, hiến ban Thịt và Máu Người, dưới hình bánh rượu, làm của ăn cho nhân loại, để cho những ai lãnh nhận Mình Máu thánh Người thì được nên một với Người, được ở lại trong Người: “Ai ăn thịt và uống máu Tôi, thì ở lại trong Tôi, và Tôi ở lại trong người ấy.”

Những ai “ở lại trong Chúa Giêsu và có Chúa Giêsu ở lại trong người ấy”, thì tất nhiên Sự Sống của Chúa Giêsu sẽ được thông ban cho người ấy.

Điều tuyệt vời là Sự Sống mà Chúa Giêsu thông ban, qua việc tiếp nhận Mình Máu Người, không phải là sự sống sinh vật có thể bị lụi tàn theo năm tháng mà là Sự Sống vĩnh cửu không bao giờ tàn phai.

“Đức Giêsu nói với người Do-thái rằng: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời.” (Ga 6, 51)

“Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết.” (Ga 6, 54)

Thế là thông qua việc ăn Mình và Máu Chúa Giêsu, con người được nên “cùng một thân mình, cùng một dòng máu” với Chúa Giêsu và do đó, Sự Sống thần linh của Chúa Giêsu sẽ được thông ban cho họ.

Khi thông ban Sự Sống của chính mình cho nhân loại, Thiên Chúa ban cho họ một hồng ân cao quý hơn hết mọi hồng ân, một quà tặng tuyệt vời trên tất cả mọi món quà.

Biến đổi con người thành Chúa Giêsu

Ngoài ra, khi tiếp nhận Mình Máu thánh Chúa Giêsu trong Bí Tích thánh thể, chúng ta còn được biến đổi để nên một Giêsu khác. Thánh Giáo hoàng Lê-ô Cả khẳng định:

“Thực thế, chúng ta thông phần Mình và Máu Chúa Kitô là để được biến thành Đấng chúng ta rước lấy” (trích bài giảng của thánh Lê-ô cả giáo hoàng, trong bài đọc kinh sách ngày thứ tư, tuần 2 phục sinh)

Giáo huấn của Hội Thánh còn dạy cho biết nhờ tiếp nhận Mình Máu thánh Chúa Giêsu, chúng ta được thông phần bản tính Thiên Chúa:

“Khi bạn ăn uống Mình và Máu Đức Kitô, bạn nên một với Người, cùng một thân mình, cùng một dòng máu. Như thế, chúng ta trở thành những người mang Đức Kitô, có Mình Máu Người thấm nhập khắp toàn thân. Nhờ vậy, theo lời thánh Phê-rô, chúng ta được thông phần bản tính Thiên Chúa.” (trích bài giáo huấn cho các tân tòng tại Giê-ru-sa-lem trong bài đọc kinh sách ngày thứ bảy, tuần bát nhật phục sinh)

Lạy Chúa Giêsu,

Hồng ân Chúa ban thật vô cùng lớn lao và quý báu nhưng tiếc thay, nhiều người không nhận biết nên tỏ ra hững hờ.

Xin cho tâm hồn chúng con tràn đầy hoan lạc trước hồng phúc vô giá và khao khát tiếp nhận hồng ân nầy với hết lòng cảm tạ tri ân.

Thiên Chúa vô cùng yêu thương chúng ta

(Suy niệm của Lm. Ignatiô Trần Ngà)

Thiên Chúa vô cùng yêu thương chúng ta nên Ngài muốn ban cho chúng ta món quà cao quý nhất.

Nhưng thưa ông bà anh chị em, nếu giờ đây Chúa hiện ra và phán với mỗi người rằng: “Ta sẽ ban cho các con món quà quý báu nhất”, thì chúng ta sẽ xin Ngài điều gì? Xin vài tấn gạo? Có nhiều điều khác giá trị hơn gạo. Xin tiền? Vài tỉ bạc cho mỗi gia đình? Còn nhiều điều khác quý hơn tỉ bạc. Xin một tấn vàng ròng? Còn có điều quý hơn vàng bạc, hơn bảo ngọc trân châu. Đó là sự sống! Ông bà chúng ta thường nói: “Mạng sống quý hơn đống vàng”. Được sống là một may mắn vô cùng, là một ân huệ vượt trên hết mọi ân huệ. Nhà văn Jack London nói: “Thà làm một con chó sống còn hơn làm một con sư tử chết”. Đúng vậy. Làm một con chuột sống còn hơn một con voi chết! Dù mất hết tiền bạc của cải, nhưng còn được sống thì cũng còn may.

Nhưng sự sống cũng có nhiều đẳng cấp khác nhau.

Sự sống của cây cỏ vốn thấp kém, hầu như vô tri vô giác. Cây cối không biết khóc, không biết cười, không biết đau đớn cũng như mừng vui, lại phải chôn chân một chỗ cho đến lúc lụi tàn.

Sự sống của các loài côn trùng như giun, như sâu bọ, như kiến… tuy cao hơn loài thảo mộc một chút nhưng còn ở đẳng cấp thấp.

Sự sống của cá nước, chim trời, của loài cầm thú cao hơn sự sống của cỏ cây, của côn trùng, nhưng vẫn chưa phải là mức sống cao.

Sự sống của con người cao vượt hơn cả: hơn sự sống của hoa lá cỏ cây, hơn sự sống của côn trùng, hơn sự sống của chim trời cá nước, hơn sự sống của các loài muông thú, nhưng dù vậy vẫn còn thua sự sống của các thiên thần và còn thua xa sự sống của Thiên Chúa. Sự sống của Thiên Chúa là sự sống cao quý vô song.

Sự sống con người cao quý thật, nhưng tiếc thay, sự sống ấy đã bị tội nguyên tổ làm cho tổn thương, làm cho khiếm khuyết và giới hạn. Khiếm khuyết vì bệnh tật, vì già yếu, và giới hạn bởi cái chết.

Thế nên Thiên Chúa nhân lành tiên liệu ban thêm cho loài người sự sống khác, vô cùng phong phú, vô cùng cao quý, và không bao giờ cùng tận, đó là sự sống của chính Ngài. Thiên Chúa lấy chính sự sống của Mình làm quà tặng cho loài người khốn hèn tội lỗi! Có ai hiểu nổi không?

Qua đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu khẳng định với chúng ta điều đó.

Chúa Giêsu nói: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời.”

Phẩm chất của sự sống Chúa ban là vĩnh cửu, không thể lụi tàn.

Và sự sống nầy chính là sự sống của Chúa Cha: “Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy.”

Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh với chúng ta rằng Sự Sống mà Ngài đã nhận được từ nơi Chúa Cha, thì Ngài thông ban lại cho chúng ta. Sự sống thần linh bắt nguồn từ Chúa Cha, thông truyền cho Chúa Con và Thánh Thần, giờ đây lại được Chúa Giêsu khơi dòng để chảy tràn vào mỗi người chúng ta, nếu chúng ta ăn Ngài, tức là đón nhận Ngài, rước lấy Ngài trong bí tích thánh thể.

“Tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy.”

Thật tuyệt vời không thể tưởng tượng được. Thiên Chúa thông ban sự sống cao quý của chính Ngài cho chúng ta qua Chúa Giêsu.

Món quà vô cùng quý báu, vượt xa tất cả mọi món quà đã được Thiên Chúa ban tặng nhưng không cho chúng ta. Chúng ta hãy mau mau nhận lãnh món quà quý báu nầy với tất cả tấm lòng cảm tạ tri ân, đồng thời hãy cầu xin Chúa cho sự sống thần linh ấy thực sự trổ sinh hoa trái dồi dào trong cuộc đời mỗi người chúng ta.

Chia sẻ Bài này:

facebookShare Email Email Print Bài này Print Bài này