CHÚA KITÔ ĐÃ SỐNG LẠI, ALLÊLUIA!

Chúa nhật Phục Sinh – Năm A

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (20,1-9)

Ngày đầu tuần, Maria Mađalêna đi ra mồ từ sáng sớm khi trời còn tối và bà thấy tảng đá đã được lăn ra khỏi mồ, bà liền chạy về tìm Simon-Phêrô và người môn đệ kia được Chúa Giêsu yêu mến, bà nói với các ông rằng: “Người ta đã lấy xác Thầy khỏi mồ, và chúng tôi không biết người ta đã để Thầy ở đâu”.

Phêrô và môn đệ kia ra đi đến mồ. Cả hai cùng chạy, nhưng môn đệ kia chạy nhanh hơn Phêrô, và đến mồ trước. Ông cúi mình xuống thấy những khăn liệm để đó, nhưng ông không vào trong. Vậy Simon-Phêrô theo sau cũng tới nơi, ông vào trong mồ và thấy những dây băng nhỏ để đó, và khăn liệm che đầu Người trước đây, khăn này không để lẫn với dây băng, nhưng cuộn lại để riêng một chỗ. Bấy giờ môn đệ kia mới vào, dù ông đã tới mồ trước. Ông thấy và ông tin, vì chưng các ông còn chưa hiểu rằng, theo Kinh Thánh, thì Người phải sống lại từ cõi chết.

***

Bài chia sẻ Tin Mừng của Lm. Giuse Vũ Thái Hòa

Chúa Kitô đã sống lại, Allêluia!

 

Nếu chúng ta hỏi các em nhỏ: lễ nào quan trọng nhất của người công giáo? Chắc chắn các em sẽ trả lời: lễ Giáng Sinh! Ðối với các em, đó là điều dễ hiểu, nhưng thật ra, câu trả lời đó không chính xác với niềm tin Kitô giáo. Vì trước khi nói đến lễ Giáng Sinh, ngay từ thời kỳ đầu của Giáo Hội, lễ Phục Sinh được xem là khởi điểm và là căn bản của đức tin Kitô giáo. Phục Sinh là lễ trọng nhất trong năm phụng vụ.

Chúng ta không thể là Kitô hữu nếu chúng ta không tin vào sự sống lại của Chúa Kitô! Ðây là điều quan trọng của niềm tin Kitô giáo. Mầu nhiệm Phục Sinh mà chúng ta cử hành hôm nay không phải là phần phụ lục hoặc một tín điều đặc biệt nào đó, mà là cội nguồn của đức tin Kitô giáo. Thánh Phaolô xác quyết: Nếu Chúa Kitô không sống lại, thì lời giảng dạy của chúng tôi là hư vô và đức tin của anh em là mơ hồ (1 Cr 15,14).

Dựa vào đâu chúng ta biết Chúa Giêsu đã sống lại?

Ðọc lại các sách Tin Mừng, chúng ta thấy, tuy không mô tả chi tiết những gì đã xảy ra khi Chúa Kitô phục sinh, nhưng kể lại việc các phụ nữ, rồi các Tông Ðồ, vào tảng sáng “ngày thứ nhất trong tuần”, đến mộ của Chúa Kitô và thấy ngôi mộ trống. Sau đó, Chúa Kitô hiện ra với bà Maria Mađalêna, với hai môn đệ trên đường về làng Emmau, và với nhiều môn đệ khác.

Khi đọc kỹ những đoạn Tin Mừng trên, chúng ta sẽ khám phá ra rằng không phải các môn đệ hoặc các phụ nữ đi tìm Chúa Kitô để kiểm chứng việc Người sống lại, nhưng chính Người đã đến giữa họ, đồng hành với họ. Lúc đầu, họ không nhận ra Chúa Kitô nhưng khi Người nhắc lại những gì Người đã sống, đã làm trước đó, kể cho họ sự chết của Người dưới ánh sáng của Kinh Thánh, bẻ bánh, và cùng ăn với họ… lúc đó tất cả đều rõ ràng. Ðó là tác động của đức tin. Các môn đệ nhận ra Chúa Kitô sống lại, và chính Người sai họ đi loan báo Tin Mừng cho khắp muôn dân.

Tuy không có những bằng chứng cụ thể về việc sống lại của Chúa Kitô, nhưng sự phục sinh của Người là hiện thực đối với những ai tin vào chứng ngôn của các Tông Ðồ. (Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo cho chúng ta biết hai chứng cớ về việc Chúa Sống lại: một là ngôi mộ trống không còn xác Chúa mà chỉ còn lại những vải liệm xếp ngay ngắn gọn gàng (số 640), hai là Chúa Kitô đã nhiều lần hiện ra với các môn đệ, cùng ăn uống và trò chuyện thân mật với họ (số 641).

Phục Sinh là sự chiến thắng của sự sống, là xác tín vào sự hiện diện của Chúa trong đời sống của chúng ta. Khi xưa, vào chiều ngày Phục Sinh, Chúa Kitô đã đồng hành với hai môn đệ trên đường Emmau. Hôm nay, Chúa vẫn đồng hành với chúng ta. Nhưng chúng ta có nhận ra Người trong đời sống thường nhật của mình, ngay cả trong những lúc khổ đau, chán nản và tuyệt vọng không? Phục Sinh là ánh sáng và là niềm vui của Hy Vọng. Sự phục sinh của Chúa Kitô đem lại một ý nghĩa mới cho cuộc sống trần gian của chúng ta, một cuộc sống với biết bao thử thách và khổ đau. Mầu nhiệm phục sinh của Chúa Kitô cho chúng ta xác tín rằng Sự Sống mãnh liệt hơn sự chết, và nỗi buồn thương của những cuộc chia ly, sự hãi hùng trước cái chết, chỉ là mây đen thoáng qua trước ánh sáng của đời sống vĩnh cửu. Sau thứ sáu Tuần Thánh là ngày Phục Sinh…

Chúa Kitô đã nói với bà Marta, chị của ông Ladarô: Ta là sự sống lại và là sự sống: ai tin vào Ta, dầu có chết cũng sẽ được sống (Ga 11,25). Nếu chúng ta tin vào Chúa Kitô, thì đời sống vĩnh cửu đã khởi đầu trong tâm hồn và trong đời sống chúng ta rồi.

Hôm nay, Chúa Kitô không hiện diện hữu hình như vào thời các Tông Ðồ nữa. Nhưng Người hiện diện dưới một dạng thức khác: trong các Bí tích, trong Lời Chúa và trong các cộng đoàn tín hữu khi họp nhau lại cầu nguyện. Những dấu chỉ sống động của sự hiện diện của Chúa Kitô phục sinh là tất cả những ai biết xây dựng một thế giới, nơi mà những người bị khinh chê, ruồng bỏ có một chỗ đứng, nơi mà lòng khoan dung đẩy lui sự hận thù và khinh miệt, sự tôn trọng ngăn cản vũ lực, bạo động, tấm lòng rộng mở vượt thắng tính ích kỷ, hẹp hòi.

Tất cả chúng ta được mời gọi trở nên những chứng nhân của sự hiện diện và sức năng động của Chúa Kitô Phục Sinh!

Chúa Kitô đã sống lại thật! Allêluia!

  Lm. Giuse Vũ Thái Hòa

Chia sẻ Bài này:

facebookShare Email Email Print Bài này Print Bài này