5 Phút cho Lời Chúa Tháng 04-2015

12/04/15                                CHÚA NHẬT TUẦN 2 PS – B

Kính Lòng Thương Xót Chúa                       Ga 20,19-31

VUI MỪNG VÌ THẤY CHÚA

“Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa.” (Ga 20,20)

Suy niệm: Khi Thầy Giê-su chịu đóng đinh và chết treo trên thập giá, các môn đệ bàng hoàng khiếp sợ, không biết số phận của mình rồi sẽ ra sao. Bởi thế các ông vui sướng biết chừng nào khi thấy Thầy mình đang sống đứng giữa các ông với vết thương trên tay, chân và cạnh sườn, dấu chứng hùng hồn của sự phục sinh. Sự hiện diện của Chúa trong lúc này quả là chiếc phao cứu nạn, dẫn dắt các ông từ chỗ sợ hãi thất vọng đến tin tưởng phó thác. Các thánh tông đồ đã cảm nhận nơi chính mình và cộng đoàn của mình tác động mạnh mẽ lạ lùng của Đấng phục sinh. Đó là Tin Mừng cứu độ mà các ngài thấy mình có bổn phận phải làm chứng cho mọi người để “không một ai bị loại trừ khỏi niềm vui mà Chúa Giê-su đem đến” (Chân phước Phao-lô VI).

Mời Bạn: Sống giữa thế gian, người kitô cùng vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng như mọi người khác. Tuy nhiên họ được kêu mời để tin và nhận ra Chúa Giêsu phục sinh đang hiện diện và đồng hành với họ trong cuộc sống. Niềm tin này đem lại cho họ niềm vui sâu xa và sức mạnh thiêng liêng để sống dấn thân, hy sinh quảng đại. Đây chính là dấu chỉ thuyết phục để loan báo Tin Mừng.

Sống Lời Chúa: Tôi sốt sắng kết hiệp với Chúa Ki-tô qua các bí tích và nhận ra Ngài hiện diện nơi người nghèo khó để yêu thương và phục vụ họ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, các môn đệ của Chúa rất vui mừng khi được thấy Chúa. Xin cho chúng con nhận ra Chúa trong những lần Chúa muốn âm thầm hiện đến và ban tặng niềm vui cho chúng con. Amen.

13/04/15                                             THỨ HAI TUẦN 2 PS

Th. Mác-ti-nô I, giáo hoàng                                 Ga 3,1-8

GIÊ-SU, NGÀI LÀ THIÊN CHÚA

Ông Ni-cô-đê-mô nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, chúng tôi biết: Thầy là một vị tôn sư được Thiên Chúa sai đến. Quả vậy, chẳng ai làm được những dấu lạ Thầy làm, nếu Thiên Chúa không ở cùng người ấy.” (Ga 3,2)

Suy niệm: Ông Ni-cô-đê-mô là một người thuộc phái Pha-ri-sêu; hơn nữa, ông còn là thầy dạy nổi tiếng tại Giê-ru-sa-lem. Tuy người ta gọi ông là “Rabbi,” là “Thầy,” ông đầy lòng kính trọng dành danh xưng này để gọi Chúa Giê-su. Ông nhìn nhận Đức Giê-su là “một vị tôn sư được Thiên Chúa sai đến.” Tuy nhiên, điều đó chưa đủ để ông được ơn cứu độ, trừ phi ông tin vào Chúa Giê-su, và được tái sinh trong Thánh Thần. Chúa muốn ông điều chỉnh đánh giá của ông về Ngài, vì  Ngài còn hơn những gì ông biết, không chỉ là “tôn sư được Chúa sai đến”, mà còn là chính Thiên Chúa, Đấng bày tỏ quyền năng Thiên Chúa trong lời giảng dạy và các phép lạ.

Mời Bạn: Chúa Giê-su không chỉ muốn điều chỉnh quan niệm của ông Ni-cô-đê-mô, Ngài còn muốn mỗi người chúng ta hôm nay điều chỉnh thanh luyện niềm tin của chúng ta vào Chúa cho tinh tuyền, để chúng ta thực sự là người Ki-tô hữu, chứ không chỉ là người có “đạo”. Sự khác biệt lớn lao giữa người có “đạo” và người Ki-tô hữu là người “có đạo” là người chỉ có tên trong sổ sách, trên danh nghĩa, còn người Ki-tô hữu là người tin vào Chúa Giê-su và trở nên một với Ngài.

Sống Lời Chúa: Nhìn vào thánh giá và tuyên xưng đức tin vào Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho con biết đặt trọn cuộc đời con vào Chúa và xin cho con luôn dám dấn thân theo Chúa, vì Chúa là Đấng Cứu Độ của con. Ôi, lạy Đấng con tôn thờ!

14/04/15                                              THỨ BA TUẦN 2 PS

                                                                            Ga 3,7b-15

THẬP GIÁ VÀ PHỤC SINH

“Như ông Mô-sê đã gương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.(Ga 3,14-15)

Suy niệm: “Đầu đội trời, chân đạp đất” là tinh thần sống của người Ki-tô hữu. Tuy đang ở trần gian, người Ki-tô hữu đã hướng lòng lên Đấng Phục Sinh, đồng thời hướng cuộc đời mình tới sự Phục Sinh sau này. Đây không phải là một lối sống hão huyền, hay một niềm hy vọng vô căn cớ. Chính Đức Giê-su là Đầu đã khải hoàn trong vinh quang Phục Sinh, thì chúng ta là chi thể của Thân Mình Đức Giê-su cũng sẽ theo Đầu đi vào trong vinh quang Phục Sinh với Người. Nhưng làm sao có Phục Sinh nếu không kinh qua thập giá? Đầu đã chịu giương cao trên thập giá nên cũng được giương cao trong vinh quang Phục Sinh. Tương tự như thế, chúng ta cũng đi theo con đường thập giá đến vinh quang.

Mời Bạn: Cuộc đời người Ki-tô hữu luôn hướng về tương lai là sự phục sinh hay Nước Trời, và vì tương lai phục sinh mà chấp nhận đi vào con đường tự hủy. Định luật: “Nếu hạt lúa mì gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,24) là một lời kêu mời thiết thực cho những ai muốn được phục sinh với Đức Giê-su.

Chia sẻ: Bạn đã nối kết những hy sinh thập giá đời mình với thập giá Đức Giê-su thế nào?

Sống Lời Chúa: Chia sẻ thánh giá đời bạn cho một người.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su Phục Sinh là niềm hy vọng cho chúng con, xin hướng tâm lòng và cuộc đời chúng con tới Chúa, để dù đang sống trong những thực tại với nhiều hy sinh thập giá, chúng con vẫn tìm được niềm vui.

15/04/15                                              THỨ TƯ TUẦN 2 PS

                                                                            Ga 3,16-21

BƯỚC THEO ĐỨC GIÊ-SU,

 ÁNH SÁNG TRẦN GIAN

“Ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa.” (Ga 3,16)

Suy niệm: Các dân tộc vùng Á đông chúng ta đều biết đến khái niệm của cụm từ “âm – dương”. Cũng như học thuyết nhị nguyên của người phương tây, cụm từ âm – dương này nói lên hai mặt đối lập của một vần đề: tối – sáng, tốt-xấu, đúng-sai, thánh-phàm… Và thánh Gio-an trong sách Tin Mừng của mình cũng đã sử dụng ý niệm này để diễn tả điều chân thiện, sự thiêng thánh của Thiên Chúa để đối lập với những điều xấu, điều tà… của thế gian. Đức Giê-su là ánh sáng, là nguồn gốc của sự chân thiện, và Ngài đã đến thế gian để xua tan đi bóng tối lầm lạc, chỉ vẻ cho con người biết điều chân thiện, hướng về Chúa là Đấng Thánh hầu được hưởng phúc đời đời. Là môn đệ của Chúa Ki-tô, Đấng tốt lành thánh thiện, chúng ta được mời gọi hãy sống thánh và biết tránh xa tội lụy, biết nghe theo sự thật để chối từ sự dối trá, biết sống trong ánh sáng của sự thánh thiện để đẩy lui bóng tối tăm tội lỗi. Có như thế, con người hôm nay mới nhận biết đâu là chân lý giữa nơi tối tăm gian trá, đâu là sự thánh thiện của một vị Thiên Chúa rất mực yêu thương con người.

Mời Bạn: Qua Bí tích Rửa tội, chúng ta được mời gọi bước đi trong ánh sáng của Người. Ước mong sao cuộc sống của chúng ta minh chứng được rằng giữa cõi thế gian tăm tối tội lụy này, Thiên Chúa vẫn luôn là Đấng Thánh.

Chia sẻ: Bạn làm gì để sống đúng là người đang bước đi trong ánh sang của Chúa Ki-tô?

Sống Lời Chúa: Luôn lấy lời Chúa làm chuẩn mực cho mọi chọn lựa.

Cầu nguyện: Đọc kinh Sáng Soi.

16/04/15                                        THỨ NĂM TUẦN 2 PS

                                                                            Ga 3,31-36

“ĐƯỢC SAI ĐI” VÀ “ĐI RA”

“Đấng được Thiên Chúa sai đi, thì nói những lời của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa ban Thần Khí cho Người vô ngần vô hạn.” (Ga 3,34)

Suy niệm: Nhờ hiện tượng toàn cầu hóa, các quốc gia xích lại gần nhau hơn, những rào cản như địa dư, ngôn ngữ được xoá bỏ và các nền văn hoá được gặp gỡ giao thoa. Giữa muôn vàn lợi ích lớn lao, toàn cầu hoá lại dẫn đến một nguy cơ không nhỏ: đó là não trạng muốn cào bằng mọi giá trị, kể cả những gì vẫn được xem là chuẩn mực trong đời sống con người. Trong xã hội Việt Nam, người ta vốn quan niệm “đạo nào cũng như đạo nào,” nay lại chịu ảnh hưởng của việc toàn cầu hoá cào bằng này, các Ki-tô hữu mất dần cảm thức về bổn phận phải đem Chúa đến cho lương dân. Ngoài ra, lỗ hổng kiến thức về giáo lý còn khiến họ không tự tin trình bày Đạo của mình trước những nghi vấn, nhất là của những người không thiện cảm. Đành rằng bản chất của Giáo hội là truyền rao Tin Mừng và mỗi Ki-tô hữu, qua Bí tích Rửa tội, đều nhận lãnh sứ vụ “đi ra” để làm chứng tá cho Chúa Kitô, nhưng hiện nay việc thực hành đức tin lắm khi chỉ diễn ra trong khuôn viên nhà thờ, chưa có dấu hiệu “đi ra.”

Mời Bạn: Rụt rè trước những câu hỏi liên quan đến Đạo, bạn có tìm cơ hội trau dồi thêm kiến thức giáo lý và thanh luyện ý hướng “đi ra” làm chứng cho Chúa Giêsu không? Bạn có xác tín rằng Chúa vẫn “sai bạn đi” và một khi bạn “đi ra” để nói Lời Chúa thì Chúa Thánh Thần luôn ở cùng bạn không?

Sống lời Chúa: Thường xuyên học hỏi giáo lý và không ngại nói về Chúa Giê-su cho những ai muốn tìm hiểu.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con ghi khắc lời thánh Phao-lô: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng.”

17/04/15                                            THỨ SÁU TUẦN 2 PS

                                                                              Ga 6,1-15

TỰA VÀO CHÚA THÌ HƠN

Chúa Giê-su hỏi ông Phi-líp-phê: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?” Người nói thế là để thử ông, chứ Người biết mình sắp làm gì rồi. (Ga 6,5-6)

Suy niệm: Trước đám đông dân chúng đến mình, Chúa Giê-su đã đặt vấn đề cho các môn đệ, nhưng chỉ là “để thử các ông.” Nhu cầu của đám đông quá lớn, Chúa lại bảo các môn đệ phải cho họ ăn. Phi-líp-phê, người được hỏi, lo lắng không biết lấy tiền đâu để mua bánh; ấy là chưa kể, dù có tiền, biết mua ở đâu đủ bánh cho một lượng người đông đảo như thế! Vì thế, cho đến chiều tối, các môn đệ vẫn lúng túng không tìm ra được giải pháp cho đám đông ăn. Quả thật, Chúa Giê-su muốn các ông quan tâm đến con người thời đại và ra lệnh cho các ông làm hơn những gì các ông có thể, vì Chúa muốn các ông nhận ra giới hạn của mình trên bình diện tự nhiên, và cũng để các ông nhận ra rằng Chúa không là “nơi” cung cấp dư đầy bánh ăn vật chất mà Ngài còn là chính tấm bánh trường sinh, bẻ ra cho muôn người được ăn và sống đời đời.

Mời Bạn: Chúa sai chúng ta đến với muôn dân và ra lệnh cho chúng ta làm hơn những gì chúng ta có thể. Mệnh lệnh của Chúa không cho chúng ta thoái thác. Nhưng đôi lúc chúng ta cứ theo giải pháp nhân loại như Phi-líp-phê loay hoay tìm kinh phí ở đâu để mua bánh. Những giải pháp quen thuộc chưa phải là giải pháp tốt nhất. Mời bạn hãy đến với Chúa Giê-su: Ngài có cách tốt hơn, theo cách thức riêng của Ngài mà con người không hề nghĩ đến.

Sống Lời Chúa: Trước khi làm một công việc, bạn hứa nỗ lực thực thi thánh ý Chúa và xin Chúa sáng soi ban sức.

Cầu nguyện: Đọc kinh “Sáng soi” trước mỗi công việc hay mỗi quyết định.

18/04/15                                            THỨ BẢY TUẦN 2 PS

                                                                            Ga 6,16-21

ĐỪNG SỢ, VÌ CÓ CHÚA Ở CÙNG

Biển động, gió thổi mạnh. Khi đã chèo được chừng năm hoặc sáu cây số, các ông thấy Đức Giê-su đi trên mặt Biển Hồ và đang tới gần thuyền. Các ông hoảng sợ. Nhưng Người bảo các ông: “Thầy đây mà, đừng sợ !” (Ga 6,18-20)

Suy niệm: Có hai cụm từ luôn sóng đôi trong Thánh Kinh, đó là các cụm từ “đừng sợ” và “Thiên Chúa ở với ngươi”. Sở dĩ chúng gắn liền với nhau như thế, vì lời “đừng sợ” không chỉ mang nghĩa xoa dịu nỗi lo, mà còn xác quyết một thực tại vững vàng: Thiên Chúa ở với. Ông Gio-su-ê được Chúa sai dẫn dắt dân Chúa vào Đất Hứa, ông sợ hãi, bấy giờ Thiên Chúa nói với ông: “Chính Đức Chúa đi phía trước anh… đừng sợ”. Giê-rê-mi-a được Thiên Chúa chọn làm ngôn sứ, ông sợ, Thiên Chúa nói với ông: “Đừng sợ! Ta sẽ ở với ngươi.” Phaolô bị bắt, không lối thoát, bấy giờ Chúa Phục Sinh nói với ông: “Đừng sợ, cứ nói đi, đừng làm thinh, vì Thầy ở với con.” Các Tông Đồ trên con thuyền sóng gió hôm nay cũng thế, được Chúa bảo đảm: “Thầy đây mà, đừng sợ”. Tất cả họ là những người được Thiên Chúa sai đi thi hành sứ mạng và tất cả đều sợ hãi. Vì thế, đối với họ, không có một sự giúp đỡ nào mạnh mẽ và yên tâm hơn sự hiện diện của Chúa bên cạnh.

Mời Bạn: Lời “đừng sợ” không biến các môn đệ Chúa thành những kẻ máu lạnh không biết sợ, nhưng lôi kéo họ chạm vào một thực tại lớn lao, đó là Chúa Phục Sinh đang ở với các ngài. Bạn cũng được bảo đảm như thế trong mọi hoàn cảnh.

Sống Lời Chúa: Mỗi khi gặp khó khăn, tai ương, thử thách, bạn nhắc lại lời Chúa: “Thầy đây mà, đừng sợ!”

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con tin Chúa đã sống lại và đang sống với chúng con, cả trong nghịch cảnh.

Chia sẻ Bài này:

facebookShare Email Email Print Bài này Print Bài này