- Lòng Thương Xót Chúa & Mẹ Medju - http://www.longthuongxotchua-memedju.org -

Suy Niệm Lời Chúa Tuần 32 TN C

Posted By thienng On 04/11/2016 @ 7:29 am In Lời Chúa Hôm Nay | Comments Disabled

Lm Đa-minh Trần đình Nhi

CHÚA NHẬT – Trang 1

THỨ HAI – Trang 2

THỨ BA: – Trang 3

THỨ TƯ: – Trang 4

THỨ NĂM – Trang 5

THỨ SÁU – Trang 6

THỨ BẢY – Trang 7

 – o O o –

Chúa Nhật tuần 32 Thường niên

Suy niệm 2 Thê-xa-lô-ni-ca 2:16 – 3:5

Chúa là Đấng trung tín:  Người sẽ làm cho anh em được vững mạnh, và bảo vệ anh em khỏi ác thần.  (2 Thê-xa-lô-ni-ca 3:3)

Trong câu chuyện Ca-in và A-ben, trước khi Ca-in tiến hành kế hoạch giết em mình, Thiên Chúa đã cảnh cáo hắn đừng để cho ước muốn xấu xa này làm chủ mình (Sáng Thế 4:7).  Ca-in chưa sa chước cám dỗ.  Thiên Chúa hiện diện ngay đó, sẵn sàng giúp đỡ hắn và làm cho hắn được mạnh mẽ.  Nhưng buồn thay, chúng ta biết việc gì đã xảy ra.

Khi suy nghĩ về tội lỗi, chúng ta thường nghĩ đến những tội cá nhân chúng ta.  Chúng ta thường không nghĩ đến những cám dỗ đứng đằng sau những chọn lựa phạm tội.  Nhưng cám dỗ là một khí cụ rất hữu hiệu ma quỷ dùng để hạ gục chúng ta, nên chúng ta cần cảnh giác đối với nó.

Đôi khi cám dỗ giống như tiếng búa đập không ngừng để làm cho chúng ta bị sa ngã.  Lập đi lập lại, ma quỷ thì thầm những lời dối trá vào tai chúng ta.  Nó cám dỗ chúng ta bằng cách bảo chúng ta rằng chẳng có gì là sai trái khi lỗi phạm các điều răn của Chúa.  Nếu chúng ta mở cửa đón nhận những đề nghị tội lỗi này, thì những đề nghị ấy sẽ lay chuyển chúng ta để chúng ta phạm tội.

Rồi những lúc khác, Xa-tan sử dụng một kỹ thuật tinh vi hơn.  Nó bảo rằng chúng ta có quá nhiều việc phải làm, quá nhiều nơi nọ nơi kia để lui tới và cũng quá nhiều trách nhiệm phải chu toàn.  Thế là cuối ngày chúng ta mệt nhoài hoặc quá phân tâm nên chẳng còn thì giờ dành cho Chúa nữa.  Kết quả là thậm chí không hay biết, nhưng chúng ta đã trở nên yếu đuối dần về đàng thiêng liêng.  Chúng ta ơ hờ không canh phòng nữa và trở nên dễ bị tổn thương do những cám dỗ của ma quỷ.

Nhưng chúng ta là tạo vật mới trong Chúa Ki-tô!  Chúng ta không được đầu hàng cám dỗ.  Chúng ta không được theo bước chân Ca-in.  Bí quyết là cầu nguyện và xin Chúa Giê-su ban cho chúng ta sức mạnh thiêng liêng của Người để giúp chúng ta nói không với cám dỗ.  Người là một Thiên Chúa quảng đại và Người sẽ ban cho chúng ta ơn thánh cần thiết để chống lại cám dỗ.

“Lạy Chúa, con cần đến Chúa hôm nay.  Xin Chúa hãy đến và cho con được mạnh mẽ mà chống lại cám dỗ”.

 

Thứ Hai tuần 32 Thường niên

Suy niệm Lu-ca 17:1-6

Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải…  (Lu-ca 17:6)

“Tôi không nghĩ mình đủ thông minh để đi đại học, nhưng các giáo sư của tôi lại nhận ra trong tôi những điều tôi không thấy được.  Họ giúp tôi khám phá ra rằng tôi thực sự có thể thành công!”

Giống như người thanh niên đưa ra nhận xét trên, nhiều người chúng ta có thể nhận thức rằng sự thành công của chúng ta là nhờ sự khích lệ của một người bạn, một vị tư vấn thiêng liêng, hoặc một người cổ võ khác.  Những người như thế giúp chúng ta nhận ra tiềm năng của mình;  họ đẩy chúng ta vượt qua viễn ảnh hạn hẹp của chúng ta và hoàn tất được điều chúng ta cứ nghĩ là không thể làm được.

Đó là việc Chúa Giê-su đang làm cho các môn đệ Người trong bài Tin Mừng hôm nay.  Người bảo họ hãy tha thứ không chỉ bảy lần mỗi ngày, nhưng là luôn luôn.  Đáp lại huấn dụ dường như không thể thực hiện này, họ đã ý thức và cầu xin:  “Xin Thầy thêm lòng tin cho chúng con” (Lu-ca 17:5).  Ý họ muốn nói:  Chúng con biết chúng con có lòng tin, nhưng nó còn quá yếu ớt!  Xin Thầy cho chúng con có khả năng mạnh hơn để có thể sống theo những điều chúng con tin”.

Vậy Chúa Giê-su trả lời thế nào?  Người bảo họ đừng quá lo lắng xem đức tin của họ yếu ớt và bất xứng thế nào.  Người bảo họ rằng dù đức tin của họ chỉ “bằng hạt cải” thôi, họ vẫn có đủ đức tin để làm mọi sự Người muốn họ làm, thậm chí cả những điều dường như không thể (Lu-ca 17:6).

Dĩ nhiên Chúa Giê-su muốn chúng ta tiếp tục trưởng thành trong đức tin.  Nhưng làm sao đây?  Bằng cách sử dụng đức tin!  Lòng tin “nhỏ” bằng hạt cải đã được gieo trồng trong chúng ta lại có một tiềm năng mạnh mẽ.  Nhưng để bung ra tất cả tiềm năng đó, chúng ta phải hành động trên tiềm năng đó, giống như các môn đệ đầu tiên của Chúa Giê-su đã học làm.  Bạn có nhớ là Chúa sai họ đi rao giảng Nước Trời, chữa người bệnh tật và xua trừ ma quỷ như thế nào không?  Họ đã ra đi, được trang bị với đức tin “nhỏ” thôi và “đã trở về hớn hở vui mừng”, có lẽ còn ngạc nhiên thêm nữa, trước những việc lạ họ đã thực hiện nhân danh Chúa Giê-su (Lu-ca 10:17).

Còn bạn thì sao?  Chúa đã ban cho bạn một sứ mệnh.  Có phải Người đang gọi bạn làm điều gì đó quá tầm đức tin của bạn không?  Hàn gắn một mối tương quan đổ vỡ?  Cùng người nào đó cầu nguyện xin Chúa chữa lành và chờ đợi một phép lạ?  Đừng coi nhẹ Chúa và đừng khinh thường chính bạn nữa!  Chúa có thể dùng bạn như Người đã dùng các môn đệ xưa “mà làm gấp ngàn lần điều chúng ta dám cầu xin hay nghĩ tới” (Ê-phê-xô 3:20).  Mỗi lần bạn hãy bước thêm một bước đức tin, rồi bạn sẽ thấy điều gì xảy ra.

 

“Lạy Chúa Giê-su, con muốn thực tập đức tin Chúa đã ban cho con.  Hôm nay con sẽ tiến bước bằng cách _______”.

 

Thứ Ba tuần 32 Thường niên

Suy niệm Lu-ca 17:7-10

 

Mau vào ăn cơm đi.  (Lu-ca 17:7)

 

Chẳng phải là tuyệt vời sau một ngày dài ở sở làm rồi trở về nhà và bữa cơm đã sẵn sàng chờ đợi bạn sao?  Đó không hẳn chỉ là sự kiện bạn được tiếp tục duy trì sự sống, mà còn là niềm vui khi bước vào nhà, ngửi thấy mùi thơm thức ăn, sự ấm áp của căn bếp, và lòng ưu ái của người thân, để bạn có một bữa ăn đã sẵn sàng.  Bạn chỉ còn cảm nhận được sự yêu thương và vinh dự tỏa ra từ con người đã phục vụ bạn như thế nào thôi.

Bây giờ bạn thử tưởng tượng mình là một người đầy tớ trong thời Chúa Giê-su và khi trở về nhà thì thấy ông chủ đã dọn bữa ăn sẵn sàng cho bạn, để cám ơn bạn về tất cả những công việc vất vả bạn đã làm.  Nếu đó là một ý tưởng khiến bạn ngạc nhiên, thì bạn hãy tưởng tượng xem hình ảnh ấy sẽ làm cho đám dân chúng nghe Chúa giảng phải kinh ngạc như thế nào.  Chẳng bao giờ họ thấy các đầy tớ lại được ngang hàng với chủ và chẳng bao giờ nghĩ rằng ông chủ lại đối xử với đầy tớ bằng cách dọn sẵn bữa ăn cho đầy tớ!

Chúa Giê-su cho thấy rõ thái độ của Người thì khác.  Chúa biết đôi khi cuộc sống hằng ngày của chúng ta không dễ dàng.  Đôi khi trung thành với Chúa và phục vụ anh chị em có thể khiến chúng ta cảm thấy như là quá mệt mỏi.  Cho nên vì yêu thương, Chúa đã đích thân dọn bàn ăn cho bạn khi bạn về nhà trong mệt mỏi và buồn phiền.  Người đón bạn, kêu bạn vào trong nhà.  Người đã chuẩn bị cho bạn một bữa cơm bổ dưỡng và vui vẻ, đó là tiệc Thánh Thể, hoặc một ân sủng đặc biệt do Chúa Thánh Thần ban, hay một lúc thư giãn với một người bạn thân.

“Mau vào ăn cơm” (Lu-ca 17:7).  Với một mệnh lệnh thật vui sướng như thế, Chúa Giê-su sẵn sàng chăm sóc bạn!  Bạn hãy nhớ kỹ những lời ấy và lời hứa do những lời ấy đem lại.  Hãy suy nghĩ những lời ấy khi bạn cảm thấy chán nản hoặc “vô dụng” (17:10).  Hãy nhớ là Chúa Giê-su rất yêu thương bạn, đến nỗi Người không những tự nguyện phục vụ bạn một bữa cơm bổ dưỡng, mà còn sẵn sàng hiến mạng sống mình vì bạn nữa.

Vậy bạn hãy đến với Chúa mỗi khi bạn cảm thấy ưu phiền.  Hãy lãnh nhận lòng từ ái và yêu thương Người sẵn sàng đổ xuống trên bạn.  Hãy để Chủ của bạn phục vụ bạn, để bạn có thể tiếp tục ra đi và phục vụ dân Người.

 

“Lạy Chúa, Chúa quả thực là một ông Chủ đầy khả ái và cũng là một Đầy Tớ thật hoàn hảo.  Con cám ơn Chúa về tất cả những điều Chúa đã làm để đón nhận con, nâng đỡ con và cho con được đầy tràn tình yêu cũng như ân sủng của Chúa”.

 

Thứ Tư tuần 32 Thường niên

Lễ kỷ niệm Cung hiến Thánh đường Latêranô

 

Suy niệm Gio-an 2:13-22

 

Đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán.  (Gio-an 2:16)

 

Bạn nghĩ gì khi nghe Chúa nói “nhà” Cha tôi?  Có lẽ bạn nghĩ đến việc nghỉ ngơi, an toàn, hoặc thoải mái, hay có lẽ bạn đang có sự tự do.  Vậy bạn thử tưởng tượng ngày nào đó bạn về đến nhà mà thấy nhà biến thành cái rạp hát hoặc chỗ rửa xe hay nhà băng thì sao?  Người lạ lui tới, không còn tìm được sự nghỉ ngơi, nhưng nó đã biến thành khu thương mại.  Liệu người ta còn cảm thấy đó như là nhà nữa không?

Điều này giúp chúng ta hiểu tâm tình của Chúa Giê-su khi Người đối mặt với những kẻ buôn bán trong Đền Thờ.  Người không lên án họ vì họ hành nghề của mình.  Dân chúng cần mua những con vật để dâng hy tế và cần đổi tiền.  Chúa chỉ không muốn họ làm công việc này ở trong Đền Thờ thôi.  Vì đây là nhà của Cha Người, và cũng là nhà của Người nữa.

Chúng ta cũng là những đền thờ của Chúa, vì tâm hồn chúng ta được dựng nên để tìm thấy hạnh phúc sâu xa nhất ở nơi một mình Chúa mà thôi (1 Cô-rin-tô 3:16).  Bạn có thể nói rằng tâm hồn chúng ta được dựng nên để chúng ta ở nhà với Chúa.  Khi chúng ta để cho những lo lắng hay bận rộn chèn ép đẩy Chúa ra ngoài, chúng ta sẽ đánh mất sự an toàn và tự do, vì những điều này chỉ có khi chúng ta ở với Chúa.  Nhưng khi đặt Chúa lên trên hết, chúng ta sẽ tìm thấy bình an mà chúng ta mong đợi từ lâu.  Chúng ta được chủ trị do Chúa Thánh Thần, thay vì do những cám dỗ, những cảm xúc hoặc do bất cứ điều gì cuộc sống xô đẩy chúng ta.

Quả thực làm đền thờ Thiên Chúa không có nghĩa là chúng ta không thể tìm được niềm vui trong thế giới tự nhiên này.  Bạn hãy nghĩ đến niềm vui ngày cưới của bạn, hoặc ngày sinh nhật của đứa con, hoặc nghĩ tới sự thỏa mãn bạn cảm nhận qua một công việc đã làm tốt đẹp.  Đó là những ân huệ và phúc lành được Cha yêu thương ban cho, và Người vui khi thấy chúng ta vui mừng đón nhận.

Thực là điều tốt khi chúng ta có Thánh Thần để Người hỗ trợ chúng ta sắp đặt cho đúng những việc ưu tiên!  Khi cần “dọn dẹp nhà cho sạch sẽ”, chúng ta có thể chắc chắn rằng Thánh Thần sẽ không sử dụng roi vọt như Chúa Giê-su đã làm đối với những người đổi tiền.  Trái lại, Người sẽ nhẹ nhàng thì thầm vào lương tâm chúng ta, nói đi nói lại nếu cần, nhưng luôn luôn nhẹ nhàng thôi.

Vậy bạn hãy duy trì thời giờ ở với Chúa trong cầu nguyện.  Hãy trân quý thời giờ ấy và tỉnh thức gìn giữ nó.  Hầu hết chúng ta nhờ cầu nguyện mới giữ được “đền thờ” chúng ta sạch sẽ và giữ cho khỏi bị sụp đổ.

 

“Lạy Cha, con cảm tạ Cha đã làm cho con thành đền thờ của Cha.  Xin Cha giúp con đặt Cha lên trên hết, để con có thể tìm thấy nơi Cha căn nhà của con”.

 

Thứ Năm tuần 32 Thường niên

Suy niệm Phi-lê-môn 7-20

 

Nó đã xa anh một thời gian, có lẽ chính là để anh được lại nó vĩnh viễn.  (Phi-lê-môn 15)

 

Đang khi là một tù nhân tại Rô-ma, thánh Phao-lô đã viết bức thư mang tính cách riêng tư này cho ông Phi-lê-môn, một Ki-tô hữu và cũng là chủ nhân của một người nô lệ tên là Ô-nê-xi-mô.  Ô-nê-xi-mô đã bỏ trốn khỏi ông chủ và đi tới Rô-ma, ở đây anh trở lại đạo nhờ việc rao giảng của thánh Phao-lô.  Ngài muốn người nô lệ ấy hãy trở về với ông Phi-lê-môn, nên đã gửi bức thư này cho Phi-lê-môn, đồng thời cũng muốn cho hai người hòa giải với nhau.

Dù chế độ nô lệ là điều kinh hoàng, nhưng nó vẫn là một phần thuộc văn hóa thời thánh Phao-lô.  Phao-lô không công kích chế độ nô lệ;  những cộng đồng Ki-tô bé nhỏ giữa đế quốc Rô-ma không đủ tư thế để chống lại thể chế ấy.  Trái lại, Phao-lô đã có một chủ trương cách mạng trong thời ngài.  Ngài xin ông bạn Phi-lê-môn hãy đón nhận Ô-nê-xi-mô trở lại, không phải như một tên nô lệ, nhưng như một người bạn trong Chúa (Phi-lê-môn 16).

Thánh Phao-lô coi sự hiệp nhất trong thân thể Chúa Ki-tô cần phải loại bỏ đi mọi địa vị thế tục, nghề nghiệp, hoàn cảnh kinh tế xã hội, chủng tộc và quốc gia.  “Không còn chuyện phân biệt Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Ki-tô” (Ga-lát 3:28).

Chúng ta được kêu gọi đến với cùng một sự hiệp nhất ấy để làm anh chị em của Chúa.  Thật là thảm họa khi chế độ nô lệ vẫn tồn tại ở nhiều phần đất trên thế giới.  Chia rẽ và thành kiến ở khắp nơi, thậm chí ngay trong giáo xứ và các gia đình.  Chúng ta thường cách biệt mình với người khác chỉ vì chủng tộc, quốc gia, nghề nghiệp, chính kiến, giáo dục, hoặc địa vị xã hội.  Mỗi thứ chia rẽ lại làm buồn lòng Chúa thêm một chút.

Thánh Phao-lô khích lệ ông Phi-lê-môn coi anh Ô-nê-xi-mô như người anh em trong Chúa Ki-tô.  Cũng thế, chúng ta cần coi nhau giống như vậy.  Nhờ cái chết và sự phục sinh của Chúa Giê-su, mọi rào cản của tội lỗi phân rẽ chúng ta đã bị phá bỏ.  Rồi vì Chúa Giê-su đã đổ Thánh Thần xuống tâm hồn chúng ta, giờ đây tất cả chúng ta đều có thể đến với nhau.

Bạn làm sao có thể giúp cho giấc mơ hiệp nhất này thành sự thật?  Có lẽ bạn sẽ chú ý đến một mối tương quan mà bạn có thể giúp hòa giải.  Có lẽ bạn sẽ xin Chúa ban thêm Thánh Thần xuống trên giáo xứ bạn để đem anh chị em đến gần nhau hơn.  Có lẽ bạn ăn chay một tuần một lần để cầu nguyện cho sự hiệp nhất giữa các giáo hội.

 

“Lạy Chúa Giê-su, Chúa không ưa sự chia rẽ.  Nhờ Thánh Thần, xin Chúa làm cho chúng con mạnh mẽ để yêu thương nhau.  Lạy Chúa, xin cho chúng con nên một”.

 

 

Thứ Sáu tuần 32 Thường niên

Suy niệm 2 Gio-an 4-9

 

Chúng ta phải yêu thương nhau.  (2 Gio-an 5)

 

Bạn đã nhận thấy là thánh Gio-an nói “Chúng ta phải yêu thương nhau” (2 Gio-an 5) chứ?  Ngài kể luôn cả mình vào số những người ấy khi nói rằng hết mọi người đều được kêu gọi hãy yêu thương.  Rồi nói năng không bằng hành động.  Chỉ nói “Tôi yêu thương anh/em” thì chưa đủ.  Mà bạn cần phải thực hành điều ấy nữa.

Tác giả thư 2 Gio-an có lẽ không phải là thánh sử Gio-an, nhưng là một Gio-an khác, một linh mục hoặc kỳ lão tại một giáo hội địa phương.  Dường như ngài đã quen biết một số người từng chứng kiến Chúa Giê-su thi hành sứ vụ, có khi là một vị tông đồ nào đó.  Lý do Gio-an viết là vì ngài quan tâm đến các anh chị em trong giáo hội của ngài.  Ngài vui mừng tựa như một bậc cha mẹ hãnh diện vì con cái mình “đã sống trong sự thật” và khuyến khích họ “phải yêu thương nhau” (2 Gio-an 4, 5).

Tại sao Gio-an lại chú ý đến những quan tâm này?  Một số tín hữu đã khuấy động lên vấn đề Chúa Giê-su có thực sự là người phàm không.  Có lẽ họ nghĩ rằng Chúa chỉ giả vờ là người phàm.  Do đó, nhiều người đã bị lôi kéo vào một cuộc tranh cãi và đánh mất đi cốt lõi của vấn đề:  là Thiên Chúa yêu thương tính chất con người của chúng ta nên mới sai Con của Người đến mặc lấy thịt máu thực sự của chúng ta.  Chúa Giê-su đã muốn hoàn toàn là con người:  là một người trong số chúng ta, để Người có thể ở với chúng ta.

Nếu Thiên Chúa yêu thương chúng ta là con người đến như thế, thì làm sao những người thuộc giáo hội của Gio-an lại có thể nghĩ rằng, trên thực hành chứ không phải trên lý thuyết, họ không cần phải yêu thương nhau?  Đây không phải là quan điểm của Gio-an.  Chúng ta thực hành yêu thương đó mới là điều quan trọng.  Đôi khi nó còn quan trọng hơn cả việc chúng ta nói và chúng ta tin.

Vậy khi chúng ta trung thành tham dự Thánh lễ, nhưng lại gắt gỏng với người trong gia đình, thì chúng ta đang đánh mất điều gì đó.  Tình yêu chúng ta yêu thương nhau phản ánh lòng yêu mến Chúa.  Như Gio-an đã viết, tình yêu là đường lối quan trọng nhất để chúng ta sống đức tin.

Thiên Chúa yêu thương mọi người và Chúa muốn tình yêu ấy tuôn trào từ bạn sang những mối tương quan của bạn.  Vậy hôm nay bạn hãy dừng lại mà nhìn những người chung quanh.  Hãy xin Chúa tỏ ra cho bạn biết một người anh chị em mà Người muốn bạn yêu thương họ một cách cụ thể.  Rồi bạn hãy dành thời giờ ở với người ấy:  nhìn vào mắt họ, lắng nghe nhưng quan ngại của họ, và chăm sóc họ với tình yêu Chúa đã dành cho bạn.

 

“Lạy Chúa Giê-su, hôm nay xin giúp con biểu lộ tình yêu của Chúa”.

 

Thứ Bảy tuần 32 Thường niên

Suy niệm 3 Gio-an 5-8

 

Chúng ta phải tiếp đón những con người như thế, để cộng tác vào việc truyền bá sự thật.  (3 Gio-an 8)

 

Có thể người ta thắc mắc là một bức thư cá nhân ngắn ngủi như thế mà lại nằm trong Kinh Thánh Tân Ước sao.  Nhưng sứ điệp của thư này lại có thể giúp đỡ tất cả chúng ta:  thánh Gio-an muốn nhìn nhận và khích lệ ông bạn Gai-ô của ngài vì ông đã nâng đỡ những vị truyền giáo.

Thánh Gio-an còn đi xa hơn nữa khi nói rằng giúp đỡ những vị truyền giáo thực sự biến chúng ta thành “những người đồng lao cộng khổ” với họ (3 Gio-an 8).  Có thể khó nhận ra rằng việc âm thầm nâng đỡ cũng có giá trị ngang hàng với việc rao giảng Tin Mừng tại những vùng đất xa lạ.  Nhưng bất cứ vị truyền giáo nào cũng sẽ nói với bạn rằng họ không thể hoạt động một mình.

Vậy đâu là cách chúng ta có thể nâng đỡ những tâm hồn dũng cảm này?

Hãy giúp đỡ tài chánh.  Đây có lẽ là điều trước tiên chúng ta nghĩ tới.  Chúng ta có thể tặng cho những tổ chức truyền giáo đáng tin tưởng, giúp họ trang trải những chi phí như di chuyển, để họ khỏi bận tâm mà chú ý vào công việc của mình.

Hãy cầu nguyện.  Đây có lẽ là điều thứ hai bạn nghĩ đến, và quả thực như vậy.  Dành thời giờ cầu nguyện cho các vị thừa sai có thể đem lại một ảnh hưởng lớn.  Bạn hãy nghĩ đến thánh Têrêsa Lisieux, một nữ tu dòng kín đã được đặt làm quan thầy các xứ truyền giáo.  Chị không hề rời khỏi tu viện, nhưng nhiều vị thừa sai khẳng định rằng những kết quả công việc của họ là nhờ lời chuyển cầu của chị thánh.

Hãy biểu lộ lòng hiếu khách.  Bạn hãy nghĩ đến những vị thừa sai ở gần nhà bạn.  Hãy mời các cha, phó tế hoặc người phụ trách đoàn thể giới trẻ đến dùng bữa.  Bạn hãy phát huy tình bạn với họ, để cho họ thấy rằng họ không đơn độc.  Bạn cũng hãy phát huy một tinh thần truyền giáo trong gia đình bạn.

Hãy chia sẻ quan điểm của bạn.  Bạn cũng là một thừa sai nữa!  Bạn không cần phải đi đến xứ lạ để rao giảng Tin Mừng.  Mỗi lần bạn đến gặp gỡ hàng xóm láng giềng, mỗi lần bạn chọn yêu thương thay vì lên án, mỗi lần bạn quay về với Chúa để thống hối, là bạn đang rao giảng Tin Mừng.  Những hành động và chọn lựa của bạn có thể biến đổi tâm hồn bạn, để rồi chúng tiếp tục biến đổi môi trường sống của bạn.  Và chúng còn biến đổi toàn thể Giáo Hội nữa.

Mỗi người chúng ta được kêu gọi làm cộng sự viên trong sự thật.  Mỗi người chúng ta là cốt yếu cho việc mở rộng Nước Chúa trong thế giới này!

 

“Lạy Cha trên trời, con muốn làm tất cả những gì có thể để giúp đỡ việc loan truyền Nước Cha trong thế giới!”

Chia sẻ Bài này:
[1] [2]

Article printed from Lòng Thương Xót Chúa & Mẹ Medju: http://www.longthuongxotchua-memedju.org

URL to article: http://www.longthuongxotchua-memedju.org/suy-niem-loi-chua-tuan-32-tn-c.htm

URLs in this post:

[1] : https://www.addtoany.com/add_to/facebook?linkurl=http%3A%2F%2Fwww.longthuongxotchua-memedju.org%2Fsuy-niem-loi-chua-tuan-32-tn-c.htm&linkname=Suy%20Ni%E1%BB%87m%20L%E1%BB%9Di%20Ch%C3%BAa%20Tu%E1%BA%A7n%2032%20TN%20C

[2] : https://www.addtoany.com/add_to/google_plus?linkurl=http%3A%2F%2Fwww.longthuongxotchua-memedju.org%2Fsuy-niem-loi-chua-tuan-32-tn-c.htm&linkname=Suy%20Ni%E1%BB%87m%20L%E1%BB%9Di%20Ch%C3%BAa%20Tu%E1%BA%A7n%2032%20TN%20C

2015 Lòng Thương Xót Chúa & Mẹ Medju.