Chúa Nhật 17 Thường Niên B

17th Sunday in Ordinary Time
Reading I: 2Kings 4:42-44; Reading II: Ephesians 4:1-6; John 6,1-15
Chúa Nhật 17 Thường Niên
Bài Đọc I: 2 Các Vua 4,42-44; Bài Đọc II: Êphêsô 4,1-6; Gioan 6,1-15
Interesting Details

·    Today’s reading, “the feeding of the five thousand”, is the first part of chapter 6, which also includes two more accounts (pericopes): “Jesus walks on the sea” and “Jesus, the bread of life.” The entire chapter is titled “Jesus, the Bread of Life.”

·    This feeding of the five thousand story alludes to the Exodus story: the Sea of Galilee (v.1), the mountain (v.3), and the multiplying of the bread, respectively allude to the Dead Sea, Mount Sinai, and manna. Furthermore, the Jewish Passover (v.4) hints Jesus’ upcoming Passover. Thus, Jesus is replacing the Old Testament way of life.

·    Bread was the staple of the Jewish diet. The Old Testament mentions the unleavened bread, the presence bread, and manna – the bread from heaven. Bread is seen as life sustaining. The New Testament states that we “do not live by bread alone” and “Jesus is the bread of life.”

·    The Jewish people believe that food is a gift from God; thus, it was customary, as Jesus did in v. 11, to thank God before meals. Furthermore, since it is God’s gift, the leftover bread fragments should not be wasted (v.12).

·    The multiplying of bread and fish shows Jesus’ concern for people’s physical need, but this was not his main concern. The main concern is that the miracles, or signs, should lead people to deeper faith.

·    In verses 14 and 15 the evangelist comments on how people misunderstand, and see Jesus as the liberating prophet/king. But that is not his mission! He is the revealer who shows us the true way of life; he is the suffering Messiah who would die.

Chi Tiết Hay

·    Bài đọc “hóa bánh ra nhiều” hôm nay là phần đầu của chương 6. Phần còn lại của chương 6 còn có hai tường thuật: “Đức Giêsu đi trên mặt nước” và “Đức Giêsu là Bánh Hằng Sống.” Cả chương này quy về đề tài “Đức Giêsu là Bánh Hằng Sống.”

·    Đức Giêsu đến để thay thế lối sống cũ của Cựu Ước. Chúng ta thấy bài này có nhiều điểm tương đồng với câu chuyện Xuất Hành: Đức Giêsu vượt qua bên kia hồ Galilêa (c. 1) ám chỉ Môsê (Maisen) vượt qua Biển Đỏ; Đức Giêsu lên núi (c. 3) ám chỉ núi Sinai; lễ Vượt qua (c. 3) ám chỉ lễ Vượt qua của Đức Giêsu; và bánh (mì) ám chỉ manna.

·    Bánh (mì) là món ăn chính của người Do thái, cũng giống như cơm của người Việt. Cựu Ước đề cập đến bánh không men, bánh tiến, và manna (tức bánh bởi trời). Bánh là biểu tượng của sự sống. Thế nhưng trong Tân Ước, Đức Giêsu nói: “Con người sống không nguyên bởi bánh,” và “Ta là bánh hằng sống.”

·    Người Do Thái tin rằng đồ ăn là tặng phẩm của Thiên Chúa; vì thế, họ thường tạ ơn Thiên Chúa trước những khi ăn, như Đức Giêsu đã làm (c.11). Cũng vì thế, Đức Giêsu truyền nhặt những miếng bánh ăn thừa.

·    Việc hóa bánh và cá ra nhiều cho chúng ta thấy Đức Giêsu quan tâm đến sự sống thể xác của mọi người. Thế nhưng quan tâm chính của Ngài là giúp mọi người, qua các phép lạ, có một lòng tin xâu xa hơn.

·    Hai câu 14 và 15 là lời giải thích và kết luận của Gioan; tác giả cho thấy dân chúng hiểu lầm Đức Giêsu là vị vua, kiêm ngôn sứ, đến để giải phóng dân tộc. Thế nhưng sứ mệnh của Đức Giêsu không phải thế! Ngài đến để cho chúng ta thấy sự thật; Ngài là đấng Mêsia (Cứu thế) phải chịu đau khổ và chịu chết.

One Main Point

Jesus is the Bread of Life.
On one level, Jesus satisfies our physical hunger. On a deeper level, he is the bread, through which we are led to a deeper level of faith, to participate in God’s life

Một Điểm Chính

Đức Giêsu là Bánh Hằng Sống.
Đức Giêsu không những nuôi sống thể xác chúng ta mà còn dẫn dắt chúng ta đến một đời sống đức tin xâu hơn: Ngài là Bánh Hằng Sống, ban sự sống cho chúng ta. Ngài là con đường đưa chúng ta đến với Chúa Cha.

Reflections

1.       Jesus asks his disciples to gather the leftover bread fragments; “so they gathered them up and filled twelve baskets.” In this consumer society, we are wasting foods, materials, resources, and talents. What should we do with the leftover to show our gratitude to God?

2.       The five loaves and two fishes can be seen as our cooperation in Jesus’ work. How do we use our God-given talents to help others?

3.       Jesus is the Bread of Life in the Eucharist. When we receive the Eucharist, we become one with God. What do you do before and after receiving the Eucharist?

4.       From #3, how does receiving the Eucharist help your faith?

Suy Niệm

1.   Đức Giêsu nói các môn đệ phải thu nhặt những miếng bánh dư; và họ “chất đầy được mười hai thúng.” Trong xã hội hưởng thụ này, chúng ta phí phạm đồ ăn, tài năng, tài nguyên, và vật chất. Vậy chúng ta phải làm gì với những đồ dư đó?

2.   Em bé đã cộng tác với Đức Giêsu bằng năm chiếc bánh và hai con cá; chúng ta đã dùng tài năng để cộng tác với Ngài ra sao?

3.   Khi rước lễ, chúng ta rước Chúa Giêsu, rước Bánh Hằng Sống. Bạn chuẩn bị thế nào trước khi lên rước lễ? Sau khi rước lễ bạn có những cảm tình nào?

4.   Từ câu số ba, rước lễ giúp đức tin bạn thế nào?

 

Đào tạo trái tim

Đài VTV1 đã chiếu lại bộ phim truyền hình nhiều tập “Bản Tin Sớm”. Nhân vật chính trong phim là Gary Hopson, một người thường xuyên theo dõi tin tức hằng ngày qua tờ báo “Chicago”. Khi đọc tin tức, anh thường chú ý tới những người đang gặp nạn. Mỗi khi thấy có người bị nạn, anh luôn băn khoăn tự hỏi xem mình phải làm gì để giúp đỡ nạn nhân. Và lập tức, bất kể những khó khăn, anh lên đường tìm giúp người bị nạn.

Tâm hồn người thanh niên dũng cảm và quảng đại ấy có những nét giống với tâm hồn của Đức Giêsu. Mỗi khi nhìn thấy những cảnh khổ ở đời, Đức Giêsu không sao cầm được lòng thương. Hôm nay, nhìn thấy đám đông đói khát, Người không thể để mặc họ ra về. Người cảm thấy có trách nhiệm phải lo cho họ ăn uống đầy đủ. Dù giữa nơi hoang vu không có hàng quán. Mà nếu có hàng quán cũng chẳng ai đủ tiền mua cơm bánh cho hàng chục nghìn người đang đói khát. Nên người đã làm phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều để nuôi dân. Qua phép lạ lớn lao này, Đức Giêsu hé mở cho ta thấy trái tim đầy tình thương xót của Người, quyền năng cao cả của Người. Nhưng đồng thời Người cũng nhân dịp này đào tạo trái tim con người.

Bài học thứ nhất mà Người muốn dạy ta, đó là lòng cảm thương phải biến thành việc làm cụ thể. Lòng cảm thương là một tình cảm tốt. Nhưng cảm thương suông thì chưa đủ. Thiếu việc làm cụ thể, lòng cảm thương nhiều khi trở thành hình thức, giả dối. Lòng cảm thương ai cũng có. Nhưng số người thực sự ra tay hành động vì lòng cảm thương lại rất hiếm. Có rất nhiều lý do: thái độ ngại ngùng, hoàn cảnh phức tạp, thiếu thốn phương tiện. Các tông đồ nại đến những lý do đó để thoái thác hành động. Nhưng Đức Giêsu bắt họ vào cuộc. Đã thấy việc tốt thì cố gắng làm. Dù khó khăn cách mấy cũng phải vượt qua. Chỉ có việc làm cụ thể mới minh chứng một lòng cảm thương đích thực. Thế là các môn đệ phải đi tìm bánh và cá mang đến cho Chúa. Các ông giúp phân phát lương thực cho mọi người. Các ông đi thu lượm những mẩu bánh còn dư. Các ông tích cực tham gia vào việc cứu đói.

Bài học thứ hai mà Người muốn dạy ta, đó là hãy cộng tác vào công trình của Chúa. Chúa có thể làm được mọi sự. Nhưng Người muốn ta cộng tác vào chương trình của Người. Người có thể biến đá thành bánh. Nhưng Người vẫn đón nhận 5 chiếc bánh và 2 con cá của một em bé. Sự đóng góp của con người tuy nhỏ bé, nhưng rất cần thiết. Đó chính là khởi điểm để Chúa làm việc. Đừng khoán trắng cho Chúa mọi việc. Hãy đóng góp phần của mình. Tục ngữ Pháp có câu: “Hãy tự giúp mình, rồi trời sẽ giúp bạn”. Sự cộng tác của ta nói lên nhu cầu thật sự bức thiết. Sự cộng tác tích cực nói lên lòng ta tha thiết mong muốn. Nỗ lực của con người là khởi đầu phải có. Rồi Chúa sẽ làm nốt phần còn lại. Ở đây ta phải ghi nhận lòng quảng đại của em bé. Có lẽ em đi bán bánh. Giữa nơi hoang vu vắng vẻ, trước một đoàn người đói khát, em có thể lợi dụng thời cơ nâng giá bánh để tìm lợi nhuận. Nhưng em đã quảng đại dâng hết cho Chúa. Chính sự quảng đại của em đã góp phần làm nên phép lạ nuôi sống hàng vạn người.

Bài học thứ ba mà Người muốn dạy ta, đó là hãy biết tiết kiệm. Đói khát và thừa mứa. Thiếu thốn và phung phí. Đó là hai trạng thái trái ngược hiện nay trên thế giới. Khi dư giả người ta dễ phung phí. Những người vừa trải qua cơn đói, nay đã vứt bừa bãi những mẩu bánh dư thừa. Đức Giêsu sai các môn đệ đi thu lượm những mẩu bánh thừa. Chúa dậy cho mọi người hãy biết tiết kiệm. Tiết kiệm là trân trọng những của cải Chúa ban. Tiết kiệm là ý thức của cải là của mọi người. Nếu tôi phí phạm, anh em tôi sẽ thiếu thốn. Tiết kiệm để chia sẻ. Tiết kiệm vì công bình. Tiết kiệm vì lợi ích của toàn thể nhân loại. Thế giới còn những người đói nghèo không phải là vì thiếu tài nguyên, nhưng vì phân phối chưa đồng đều, vì những người giầu có tiêu xài phí phạm.

Bài học thứ bốn mà Người muốn dạy ta, đó là phải tìm lương thực thiêng liêng. Vật chất là cần thiết cho đời sống hiện tại. Nhưng vật chất không phải là tất cả. Quá nô lệ vào vật chất, tâm hồn con người sẽ không vươn lên được. Lương thực cho thân xác là một giải quyết cấp thời. Về lâu về dài, muốn con người phát triển, cần phải giải quyết các nạn đói khác. Đó là nạn đói văn hóa. Đó là nạn đói đạo đức. Và trên hết, đó là nạn đói lương thực thiêng liêng. Nhu cầu tâm linh của con người ngày càng lớn rộng. Cơn đói khát tâm linh càng lúc càng mãnh liệt. Tìm đáp ứng nhu cầu tâm linh là một việc làm thiết thực. Nâng cao đời sống tâm linh là đưa con người tới phát triển toàn diện. Chúa bỏ trốn, không chịu để được tôn làm vua, vì Người muốn những kẻ tìm Người tỉnh ngộ, vượt thoát khỏi vòng nô lệ vật chất, vươn lên những giá trị tâm linh.

Với những bài học kèm theo việc hóa bánh ra nhiều, Đức Giêsu muốn đào tạo trái tim chúng ta. Người muốn trái tim ta hãy mở ra để cảm thương anh em đồng loại. Người muốn lòng cảm thương ấy đi đến cùng bằng những việc làm cụ thể, bằng sự cộng tác quảng đại, bằng sự tiết kiệm để giúp ích cho nhiều anh em. Người muốn trái tim ta vươn lên khao khát những chân trời cao thượng của đời sống tâm linh. Người muốn đào tạo ta nên những con người phát triển toàn diện xứng đáng là những người con của Thiên Chúa. Người muốn nuôi dưỡng không chỉ thân xác nhưng nhất là linh hồn ta.

Lạy Chúa, xin nâng tâm hồn con lên tới Chúa. Amen.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1) Hãy kể lại những bài học mà Chúa muốn dạy ta qua bài Tin Mừng hôm nay.

2 Nhiều lần bạn đã xin Chúa cho được cơm no áo ấm. Nhưng có bao giờ bạn xin Chúa cho được nên người tốt, biết sống đạo đức hơn không?

3) Lòng cảm thương của bạn có đi đến những việc làm cụ thể không?

 

ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

 

Được ăn no nê 

Hầu hết các nhà Thánh Kinh học đều cho rằng chương sáu của sách Tin Mừng thứ tư là diễn từ về đề tài ‘Bánh Trường Sinh’, mà phép lạ Đức Giêsu hóa bánh ra nhiều chỉ là phần dẫn nhập, hay là dịp để Người đề cập tới đề tài quan trọng này. Đúng là Đức Giêsu đã tự giới thiệu mình là ‘Bánh bởi trời, bánh trường sinh, bánh làm no thỏa…’, thế nhưng – tôi vẫn thường tự hỏi – chủ đề đích thực của bài thuyết pháp quan trọng này của Rápbi Giêsu có phải là để chứng minh ‘bánh vật thể’ trở thành một ‘Kitô hữu thể’, hay chỉ đơn giản là một ‘lời mời ăn Bánh’, tức là chủ đề của bài diễn từ nhằm diễn tả mối quan tâm, tình yêu chăm sóc của Thiên Chúa dành cho con người?

Phối hợp với tường thuật của Phúc Âm Marcô, cũng chương sáu, ta có thể thấy trình tự vấn đề được tác giả Gioan đặt ra như sau: – Đức Giêsu tỏ rõ mối quan tâm chăm sóc các tông đồ nhọc mệt trở về sau cuộc hành trình truyền giáo; mối quan tâm của Người sau đó còn rộng mở cho đám dân chúng, khi Người ‘chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn’ (Mc 6:34). Phép lạ làm bánh hóa nhiều để cho dân chúng ăn no chẳng qua là dấu hiệu cụ thể của mối bận tâm từ ái đó; chính vì vậy mà khi nhận thấy đám đông dừng lại ở việc được ăn bánh thỏa thích, Đức Giêsu đã phải cất công giải thích, chỉ cho họ thấy được sự chăm sóc từ nhân của Thiên Chúa mới chính là điều họ cần tìm kiếm. Phần mình, khi tự đồng hóa với ‘bánh trường sinh’, điều duy nhất Người muốn nhấn mạnh đó là: sự quan tâm chăm sóc của Thiên Chúa đối với loài người đã lên tới đỉnh điểm… “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một…” Từ một biểu lộ chăm sóc được cụ thể hóa qua phép lạ hóa bánh ra nhiều để đám đông dân chúng được ăn no thỏa, Đức Giêsu rõ ràng muốn họ nhận ra rằng họ đang được Thiên Chúa từ ái yêu thương chăm sóc tới mức nào. Chính Đức Kitô, và toàn bộ sự hiện diện của Người nơi trần gian, là một thứ ‘Bánh bởi trời’, nhưng không phải là thứ ‘Thánh Thể’ để người ta phải khúm núm tôn thờ, cho bằng là của ăn nuôi sống để làm cho họ được no thỏa; và so sánh này chỉ đạt ý một khi qua đó nhân loại nhận ra Thiên Chúa yêu thương họ hết tình.

Từ kinh nghiệm cụ thể được ăn bánh, các môn đệ và nhiều người Do Thái thành tâm lẽ ra phải khám phá ra chân lý vĩ đại: Thiên Chúa là Người Cha đầy yêu thương, hằng quan tâm tới con cái, và ra tay chăm sóc chúng (Mt 7:11; Lc 11:13). Nội dung này chính là cuộc hành trình đức tin mà mọi Kitô hữu chúng ta cần làm. Tiến trình này phải đưa chúng ta tới việc tin nhận Đức Kitô Giêsu – Bánh hằng sống như một biểu hiện tột đỉnh của tình yêu chăm sóc của Chúa Cha. Tiến trình này quả thực đầy thách đố đối với các tông đồ nói riêng và người Do Thái nói chung, đơn giản là vì khái niệm Thiên Chúa như là người Cha yêu thương chăm sóc còn rất lu mờ và khá xa lạ đối với cách suy nghĩ của Cựu Ước.

Thế còn đối với Kitô hữu chúng ta ngày nay thì sao? Cảm nghiệm thiêng liêng nền tảng này của Tân Ước có lẽ lại bị chúng ta đảo ngược trái chiều chăng?

Ít nhất về khái niệm, Kitô hữu đã quá quen thuộc với việc gọi Thiên Chúa là Cha. Cả ngàn lần họ kêu lên ‘Lạy Cha chúng con ở trên trời!’ Thế nhưng khái niệm này đa phần vẫn còn nằm trên mặt lý thuyết trừu tượng như một công thức; cũng thế, ý tưởng ‘Đức Kitô – bánh trường sinh’ vẫn chỉ là một khái niệm thần học mang tính suy luận (speculative). Cái cảm nghiệm thực tế rằng, với việc trao ban ‘Bánh trường sinh’, Thiên Chúa đã thực sự đặt tôi trong sự no thỏa của tình yêu Người, rằng Người là cha nhân ái hằng chăm sóc tới từng chi tiết đời sống con người, chăm sóc tới độ gần như thừa bứa ‘thu những miếng thừa của năm chiếc bánh người ta ăn còn lại… cũng chất đầy được mười hai thúng’; đó chính là cảm giác đã từng được Phaolô diễn đạt như sau: “Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tiếc, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng ban tất cả cho chúng ta” (Rm 8:32). Cảm giác này có lẽ còn quá xa lạ đối với phần đa Kitô hữu chúng ta ngày nay; thay vì chỉ ngưỡng mộ Thiên Chúa là Cha cách chung chung, tôi thiết nghĩ, mỗi Kitô hữu nên cụ thể có những giây phút nhìn sâu vào đời sống mình để nhận ra, đàng sau mọi thành công hay may nắm lớn nhỏ, kể cả đàng sau những thất bại ê chề hay đại họa, đều có cả một dàn xếp tinh vi và tế nhị của một ‘Ai Đó’ đầy từ tâm và nhân ái. Đó mới chính là chiều sâu đức tin của Kitô hữu chúng ta, một chiều sâu đích thực mang lại vui mừng và hy vọng, bình an và phó thác trong mọi tình huống cuộc đời. Trọn đời người Kitô hữu, nếu được đặt trên nền tảng vững chắc này, thì kể cả trong các thử thách gian truân của cuộc sống thường ngày, sẽ luôn phải là an bình và vui tươi (Rm 8:38-39).

Phải chăng đó mới đích thực là niềm tin sống động và trưởng thành mà mọi Kitô hữu chúng ta cần cất công vun đắp hàng ngày, nhất là trong thế giới và xã hội hiện đại?

Lạy Chúa! Lúc được ăn, con cần hiểu bàn tay nào đang cho con ăn, cõi lòng nào đang nuôi nấng con. Mỗi khi rước lễ, xin cho con không chỉ nghĩ tới thứ bánh nào con đang được ăn (dầu đó là bánh trường sinh Thánh Thể đi nữa), nhưng ngày càng nghiệm ra rõ hơn cõi lòng nhân ái của Cha trên trời đang âu yếm dưỡng nuôi con bằng chính Người Con Chí Thánh. Xin cho việc cử hành Thánh Thể sẽ gia tăng niềm tin tưởng phó thác nơi con mỗi ngày. Amen

 

Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB

 

Chúa Giêsu có quyền trên mọi nhu cầu con người

Khi đối diện khó khăn, thử thách, trở ngại, chúng ta thường làm gì ?

Có biết bao khó khăn về cơm bánh gạo tiền, khó khăn về sức khỏe, về tìm cảm khiến chúng ta cảm thấy bế tắt, chúng ta sẽ làm gì ?

Hôm nay tôi muốn chia sẻ quý vị một phương pháp có thể thoát khỏi mọi khó khăn, trở ngại ấy chính là trao vào tay Chúa những khó khăn ấy. Ngài có đủ quyền năng để giúp chúng ta vượt qua. Và cũng chỉ một mình Ngài là đủ quyền năng mà thôi.

Câu chuyện hóa bánh ra nhiều đều được 4 phúc âm ghi lại. Ở đây chúng ta thấy Chúa Giêsu phải đối diện với rất nhiều khó khăn. Khó khăn với một đoàn lũ rất đông người theo Chúa. Khó khăn vì đang ở nơi heo hút rừng vắng. Khó khăn vì đã chiều về rồi làm sao kịp xoay sở. Thế nhưng, Chúa vẫn bình tĩnh hỏi Philipphê : “Ta mua đâu bánh cho họ ăn”. Chúa cũng nhắc các tông đồ rằng các ông đang phải đối diện với một chướng ngại, một khó khăn, làm sao các ông vượt qua ?

Philipphê bảo 200 đồng không mua nổi, hơn nữa đây lại là nơi hoang vắng.

Nhưng Chúa bảo hãy bắt đầu, phải bắt đầu còn hoàn tất để Chúa lo.

Anrê đã vui mừng bắt đầu bằng 5 chiếc bánh và hai con cá.

Một ổ bánh mì chẳng thấm vào đâu so với hơn 5000 người.

Thế mà khi bánh và cá trao vào tay Chúa thì mọi sự đã trở nên dễ dàng đủ cho hơn 5000 người ăn và có thể là 15.000 người ăn vì còn trẻ con và đàn bà.

Qua đây cho chúng ta thấy, dầu có khó khăn mấy chẳng nữa, dầu có bế tắc nhưng với Chúa thì không bế tắc. Ngài sẽ có cách giúp chúng ta vượt qua.

Vậy, khi chúng ta đối diện với những người Chúa gửi tới bất đắc dĩ khiến chúng ta cảm thấy làm sao lo cho họ đủ. Như phải đón nhận đứa con Chúa gửi tới vì bể kế hoạch, hay phải chăm lo cha mẹ già, bệnh tật. Chúng ta cảm thấy gánh nặng. Hãy đón nhận. Hãy trao vào tay Chúa nỗ lực của mình để Chúa hoàn tất như khi xưa Anrê đã trao cho Chúa 5 cái bánh và hai con cá.

Thử hỏi nếu Chúa gửi đến chúng ta những người cha mẹ già nua, những người chồng vợ bệnh tật. Chúng ta thường băn khoăn làm sao đây khi mà mình còn phải bươn trải kiếm ăn làm sao chăm sóc những người này. Đây là những khó khăn vượt khả năng chúng ta nhưng không vượt khả năng Chúa. Hãy tín thác vào Chúa. Quyền năng Chúa có thể làm được. Chúng ta hãy nói với Chúa. Chúa ơi, điều này vượt khả năng con. Chúa hãy làm thay con. Chắc chắn quyền năng Chúa sẽ thực hiện.

Khi chúng ta đối diện với cái thiếu thốn về tiền bạc. Như Philipphê đã nêu khó khăn cho Chúa. Nhưng phép lạ đã diễn ra không cần tiền mà bánh vẫn phát đủ cho 5000 người ăn.

Thế nên, khi chúng ta gặp những bệnh tật, những rủi ro, những bất trắc và cả những khó khăn. Chúng ta đừng sợ là mình không vượt qua được. Chúng ta có một nhà tài trợ rất giầu có và cũng rất quyền năng. Đó chính là Thiên Chúa, Ngài sẽ làm mọi sự cho chúng ta. Đừng quên Ngài trong cuộc đời chúng ta. Đừng đánh mất Ngài kẻo chúng ta sẽ mất tất cả. Thiên Chúa của chúng ta có thừa quyền năng để giúp chúng ta vượt qua thử thách. Đừng sợ khó khăn. Đừng sợ gian nan. Thiên Chúa sẽ làm mọi sự để hỗ trợ chúng ta miễn là chúng ta chạy đến với Chúa kêu cầu Chúa, thì chắc chắn chúng ta sẽ được toại nguyện.

Xin Chúa giúp chúng ta luôn đặt niềm tin tưởng phó thác vào Chúa. Hãy kêu cầu Chúa. Hãy tin vào quyền năng Chúa. Chính Ngài sẽ giúp chúng ta vượt qua. Amen

 

Lm. Jos Tạ Duy Tuyền

Xây dựng phúc lợi cộng đồng

 

Thói vô cảm lan tràn

Chủ nghĩa Makeno (có nghĩa là mặc-kệ-nó, một cách nói khôi hài chỉ thái độ vô cảm, thờ ơ trước những đau thương khốn khổ của người khác, không quan tâm đến lợi ích chung) là một thói xấu tai hại đang lan rộng trên quê hương đất nước chúng ta.

Vì tiêm nhiễm thói vô cảm cùng với tham lam, người sản xuất thực phẩm độc hại chỉ cần biết thu lãi thật nhiều cho mình mà không thiết gì đến sức khoẻ người tiêu dùng.

Vì tiêm nhiễm thói vô cảm cùng tham lam, nhiều người sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng hoặc độc hại để hốt tiền, bất chấp sinh mạng và sự thiệt hại lớn lao của người khác.

Thấy xe chở bia gặp nạn thì nhiều người ào ào xông tới hôi của, thấy người đi đường lâm nạn thì nhào tới móc tiền, bất chấp nỗi mất mát đau thương của người khác.

Nhiều hình thức gian manh lừa đảo không chỉ xảy ra ở chốn giang hồ, chợ búa mà ngay cả trong những bệnh viện danh tiếng (như vụ nhân bản kết quả xét nghiệm, đánh tráo thuỷ tinh thể ở bệnh viện mắt…)

Gặp nạn nhân nghèo không có tiền ứng trước thì ngay cả một số “lương y như từ mẫu” cũng làm lơ, để nạn nhân chết thảm… Tất cả cũng chỉ vì vô cảm cùng với hám lợi mà ra.

Thói vô cảm cực kỳ tai hại vì nó hủy diệt tình nghĩa đồng bào, phá vỡ nền móng đạo đức, làm đất nước suy yếu, gây thiệt thòi, mất mát đau thương cho nhiều người… Thói xấu tai hại nầy hoàn toàn trái ngược với chủ trương sống yêu thương phục vụ của Chúa Giê-su.

Chúa Giêsu hiến thân xây dựng phúc lợi cộng đồng

Mang lại phúc lợi cho cộng đồng nhân loại là ưu tiên hàng đầu của Chúa Giêsu. Vì thế, Ngài đã hạ mình xuống thế để phục vụ nhân loại và hiến ban cả mạng sống để cứu rỗi muôn người.

Trong ba năm bôn ba rao giảng Nước Trời, Chúa Giêsu luôn sống vì mọi người: “Cho người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kể điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng” (Lc 7, 22).

Qua Tin Mừng hôm nay, thánh Gioan giới thiệu Chúa Giêsu là Đấng đặc biệt quan tâm đến hạnh phúc người khác. Ngài không dừng lại ở việc rao giảng Tin Mừng mà còn chăm lo cho cả cái bao tử trống không của họ nữa.

Chúa Giêsu mời gọi chúng ta quan tâm giúp ích cho người khác

Xây dựng phúc lợi cộng đồng là sự nghiệp chung của mọi người, thế nên Chúa Giêsu không thực hiện một mình mà còn kêu mời các môn đệ cùng tham gia vào việc nuôi ăn đoàn dân đông đảo đang theo Ngài ngày hôm ấy.

Trước hết Chúa hỏi Philípphê, để mời gọi ông cùng chung lo với Ngài: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?”

Ông Philípphê đáp: “Thưa, có mua đến hai trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút.”

Bấy giờ môn đệ thứ hai là Anrê tham gia: “Thưa Thầy, ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu! ”

Thế là em bé nầy được đưa đến với Chúa Giêsu. Ngài đã thuyết phục em chịu hy sinh phần ăn quý hóa của mình cho tập thể. Thế là ngay cả trẻ con cũng được Chúa Giêsu mời gọi góp phần cho phúc lợi của cộng đồng.

Khi bụng đói cồn cào thì chẳng có gì cần hơn cơm bánh. Vậy mà em bé nầy đã quảng đại trao năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá nhỏ vào tay Chúa Giêsu.

Nhờ có sự tham gia của các môn đệ và đứa bé, “Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó. Cá nhỏ, Ngài cũng phân phát như vậy.”

Thế là phép lạ xảy ra: bánh và cá liên tiếp được trao tay từ người nầy qua người khác, mọi người được ăn no nê, “ai muốn ăn bao nhiêu tuỳ ý.”

Xây dựng xã hội lành mạnh và phát triển là điều kiện tiên quyết để mỗi người được hạnh phúc

Số phận của mỗi tế bào trong cơ thể tùy thuộc vào số phận của toàn thân. Khi thân thể lâm trọng bệnh thì các tế bào cũng bị ảnh hưởng nặng nề và khi thân thể chết đi thì các tế bào không thể nào tồn tại. Trái lại, khi toàn thân khỏe mạnh an lành, thì mỗi một tế bào trong cơ thể cũng được hưởng nhờ. Vì thế, góp phần xây dựng một xã hội lành mạnh, phát triển, hòa bình là điều kiện cần thiết để từng cá nhân trong xã hội được an bình hạnh phúc.

 

Lạy Chúa Giêsu,

Chúa đến trần gian hiến trọn đời mình để mưu cầu lợi ích cho toàn thể nhân loại. Chúa không chỉ cứu rỗi linh hồn con người mà thôi, nhưng còn nỗ lực xây dựng một thế giới lành mạnh, hạnh phúc ngay trên mặt đất bằng cách cổ võ mọi người dấn thân phục vụ, yêu thương.

Xin dạy chúng con xa lánh chủ nghĩa “Makeno” đang dần dần tàn phá xã hội; trái lại, biết noi gương Chúa, học với Chúa để trở nên người hiến thân đem lại phúc lợi cho anh chị em chung quanh mình.

 

Lm. Inhaxiô Trần Ngà

Chia sẻ Bài này:

facebookShare Email Email Print Bài này Print Bài này