Chúa Ki-tô, niềm tin vào sự sống lại của chúng ta

Lắng nghe sứ điệp Tin Mừng  (Lu-ca 20:27-38)

Một trong những đề tài của Lời Chúa vào cuối năm Phụng vụ là sự sống lại và sự sống đời đời.  Mở đầu phần Phụng vụ Lời Chúa hôm nay là câu chuyện tử đạo của bảy anh em tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa là Đấng “sẽ cho chúng tôi sống lại để hưởng sự sống đời đời”.  Với dân Ít-ra-en, giáo lý về sự sống lại được xây dựng trên nền móng vững chắc là niềm tin vào Thiên Chúa là Thiên Chúa của kẻ sống.  Còn với Chúa Giê-su, Người đã đến không những để khẳng định lại giáo lý ấy, mà còn qua việc Người sống lại từ kẻ chết đã minh chứng điều Người đã phán:  “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống” (Gio-an 11:25).

Bên cạnh hầu hết dân Do-thái tin vào sự sống lại và sự sống đời đời, lại có một nhóm người chịu ảnh hưởng của nền triết học duy vật Hy-lạp và Rô-ma nên không tin vào sự sống đời đời.  Đó là nhóm Xa-đốc.  Họ chủ trương sự sống đời đời là do việc nối dõi trong gia đình họ hàng, nên họ lấy sách Luật Mô-sê quy định về hôn nhân thế huynh để bênh vực cho chủ trương của họ.  Hôn nhân thế huynh nghĩa là nếu người anh kết hôn mà chết không có con nối dõi, thì người em phải kết hôn với người chị dâu để người anh mình có con nối dòng. Đưa ra câu chuyện bảy anh em lần lượt kết hôn với cùng một người đàn bà mà tất cả đều chết và không có con, nhóm Xa-đốc đặt câu hỏi cho Chúa Giê-su:  sau khi mọi người được sống lại, người đàn bà kia là vợ của ai?  Hỏi như vậy, họ muốn lý luận rằng: nếu thực sự có việc sống lại, thì người đàn bà kia không thể một lúc là vợ chính thức của cả bảy anh em được;  do đó kết luận là không có sự sống lại.  Để trả lời vấn nạn, Chúa Giê-su phân biệt hai vấn đề:  lấy vợ lấy chồng là chuyện của con cái đời này, còn việc sống lại để hưởng hạnh phúc đời đời là chuyện của con cái Thiên Chúa.  Chúa Giê-su nhấn mạnh:  “Những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng”.  Tại sao?  Bởi “những người này là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại”.  Như thế, không thể lấy chuyện đời này làm lý do để chối bỏ chuyện đời sau, tức là chối bỏ sự sống lại và sự sống đời đời!  Sau ngày phán xét chung, vì những người lành là con cái Thiên Chúa, Đấng là “Thiên Chúa của kẻ sống”, nên Thiên Chúa không để họ phải chết đời đời.  Cũng sau ngày phán xét chung, tất cả chuyện lấy vợ gả chồng của đời này chấm dứt vì đời này không còn nữa.

Tuy nhiên cốt lõi của sứ điệp Tin Mừng hôm nay phải hướng về Chúa Giê-su “là sự sống lại và là sự sống”.  Người không chỉ giảng dạy về sự sống lại và sự sống đời đời, mà Người còn minh chứng bằng phép lạ nữa.  Người đã cho con trai bà góa thành Na-in và anh La-da-rô sống lại từ cõi chết.  Nhưng phép lạ vĩ đại nhất, đó là chính Người đã được Thánh Thần cho trỗi dậy từ kẻ chết.  Thánh Phao-lô đã nói lên tầm quan trọng vô cùng của việc Chúa sống lại.  Một trong những yếu tố căn bản của chức vụ Tông đồ là các ngài đã được thấy Chúa Phục Sinh nên các ngài phải làm chứng rằng Chúa đã sống lại.  Ngoài ra, sự Phục Sinh là tâm điểm của giáo lý Hội Thánh, đến nỗi thánh Phao-lô quả quyết rằng “Nếu Đức Ki-tô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng… Đức Ki-tô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu” (1 Cô-rin-tô 15:14, 20).  Điều này đã trở thành niềm hy vọng cho chúng ta, bởi “mọi người vì liên đới với A-đam mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Đức Ki-tô, cũng được Thiên Chúa cho sống” (15:22).

Sống sứ điệp Tin Mừng

Khi tín hữu giáo đoàn Thê-xa-lô-ni-ca gặp cơn khủng hoảng đức tin về sự sống lại và sự sống đời đời, thánh Phao-lô đã cầu nguyện cho họ:  “Xin chính Chúa chúng ta là Đức Giê-su Ki-tô, và xin Thiên Chúa là Cha chúng ta… an ủi và cho tâm hồn anh em được vững mạnh, để làm và nói tất cả những gì tốt lành” (2 Thê-xa-lô-ni-ca 2:17).  Hôm nay, cơn khủng hoảng ấy vẫn đến với tất cả chúng ta.  Sống trong thế giới đang bị chủ trị do những học thuyết nguy hiểm như thực nghiệm, duy vật, tương đối, hồ nghi…, ngay cả Ki-tô hữu cũng có thể nghi ngờ sự sống lại và sự sống đời đời nữa.  Khủng hoảng này có thể đưa chúng ta tới tình trạng buông thả và hưởng thụ.  Nào, ta hãy cùng thánh Mác-ta thưa Chúa:  “Lạy Thầy, con tin…”

 

Lm Đa-minh Trần đình Nhi

Chia sẻ Bài này:

facebookShare Email Email Print Bài này Print Bài này