Bài đọc và Suy niệm Lời Chúa Tuần II Thường Niên C

THỨ NĂM

Bài đọc 1

1Sm 18,6-9; 19,1-7

Trong những ngày ấy, sau khi hạ sát tên Philitinh, Ðavít trở về, các phụ nữ từ mọi thành phố Israel đều tuôn ra ca hát nhảy múa với đàn địch trống phách, vui vẻ đón vua Saolê. Các phụ nữ nhảy múa xướng hoạ rằng: “Saolê giết một ngàn, và Ðavít giết mười ngàn”. Saolê bực tức lắm, vì lời ca ấy làm phật lòng ông, ông nói: “Họ tặng Ðavít mười ngàn, còn Ta chỉ có một ngàn, như vậy y chỉ còn thiếu có ngai vàng”. Từ ngày đó trở đi, Saolê nhìn Ðavít với vẻ mặt căm tức.

Saolê bàn với con ông là Gionathan và tất cả những cận thần của ông để sát hại Ðavít. Nhưng Gionathan con của Saolê rất thương mến Ðavít, nên tiết lộ cho Ðavít rằng: “Thân phụ tôi là Saolê tìm kế giết anh đấy”. Vì thế, tôi xin anh sáng mai nên thận trọng và tìm nơi kín đáo mà ẩn mình. Tôi sẽ ra đứng gần cha tôi ngoài đồng nơi anh ẩn trốn, tôi sẽ nói chuyện anh với cha tôi, tôi thấy thế nào, rồi sẽ báo cho anh biết”.

Vậy Gionathan khen Ðavít với cha ông là Saolê, ông nói: “Tâu phụ vương, xin chớ hãm hại tôi tớ của phụ vương là Ðavít, vì anh không có lỗi gì đến phụ vương, và anh đã lập nhiều công trạng cho phụ vương: Anh đã liều mạng sống và hạ sát nhiều tên Philitinh; Chúa đã dùng anh mà giải thoát toàn dân Israel. Phụ vương đã mục kích và đã hân hoan, vậy tại sao phụ vương toan đổ máu người vô tội, khi định giết Ðavít là kẻ không có lỗi gì?” Saolê nghe Gionathan nói như vậy thì nguôi giận mà thề rằng: “Nhân danh Thiên Chúa hằng sống, nó sẽ không bị giết”. Gionathan gọi Ðavít và thuật lại cho anh nghe tất cả các lời ấy, rồi dẫn Ðavít đến trước Saolê, và anh hầu cận Saolê như trước.

 

Tin mừng

Mc 3,7-12

Khi ấy, Chúa Giêsu cùng các môn đệ lui về bờ biển, đám đông từ Galilêa theo Người, và từ Giuđêa, Giêrusalem, Iđumê, bên kia sông Giođan, miền Tyrô và Siđon, nhiều kẻ đến cùng Người, khi nghe biết tất cả những việc Người đã làm. Vì đông dân chúng, nên Người bảo các môn đệ liệu cho Người một chiếc thuyền, kẻo họ chen lấn Người. Vì chưng, Người đã chữa lành nhiều bệnh nhân, nên bất cứ ai mắc bệnh tật gì đều đến gần để động đến Người. Và những thần ô uế vừa thấy Người, liền sụp lạy và kêu lên rằng: “Ngài là Con Thiên Chúa”, nhưng Người nghiêm cấm chúng không được tiết lộ gì về Người.

 

Suy niệm 1

Đứng trước thành công của Đavit, Saolê đã tỏ thái độ ganh tị. Chính vì ganh tị mà ông bắt đầu tìm cách để tiêu diệt Đavit. Thái độ ganh tị dẫn con người đến chỗ tàn ác. Họ không chấp nhận khả năng của người khác, vì họ nghĩ và muốn mình là số một. Họ bực dọc khi thấy người khác làm được những việc hơn họ dù họ chẳng làm được gì, hoặc làm được gì cũng đều do Chúa ban. Nói ngắn gọn lại, ganh tị là thái độ loại trừ Thiên Chúa và người khác để tôn sùng chính bản thân mình.

Nhưng trên hết, Đavit đã một lòng trung nghĩa với Saolê, dù ông biết Saul đang tìm cách tiêu diệt mình. Chính tình bạn chân thành của Giônathan đã giúp Đavit nhiều lần thoát được sự truy sát của Saul. Vì vậy có thể nói đối lập với sự ganh tị chính là sự chân thành để giúp đỡ nhau trong cuộc sống.

Xin Chúa cho chúng con biết trân trọng khả năng của người khác, vì mỗi người là một cá vị được Thiên Chúa yêu thương và ban cho những điểm khác biệt. Xin cho chúng con biết chân thành nâng đỡ nhau trong cuộc sống vì chỉ có tình yêu đích thực mới có giá trị và tồn tại.

 

Suy niệm 2

Sức hấp dẫn của Chúa Giêsu thật mãnh liệt. Nơi đâu Ngài xuất hiện là dân chúng tuôn đến với Ngài. Những tưởng lánh về phía biển Hồ là nơi hoang vắng, dân chúng sẽ không biết đến. Thế nhưng: “Từ miền Galilê, người ta lũ lượt đi theo Người. Và từ miền Giuđê, từ Giêrusalem, từ xứ Iđumê, từ vùng bên kia sông Giođan và vùng phụ cận hai thành Tia và Xiđôn, người ta lũ lượt đến với Người” (Mc 3, 7b-8).

Tại sao dân chúng tuôn đến với Đức Giêsu? Thưa bởi vì Thiên tính của Ngài tỏa rạng và nhân cách của Ngài chói sáng.

Thiên tính tỏa rạng qua quyền năng của Ngài: “Quả thế, Người đã chữa lành nhiều bệnh nhân, khiến ai ai có bệnh cũng đổ xô đến để sờ vào Người” (Mc 3,10). Từ nơi Ngài phát xuất ơn chữa lành. Không cần Ngài chữa, mà chỉ cần chạm đến Ngài cũng có thể được chữa lành. Quyền năng đó chẳng những con người nhìn thấy, mà cả ma quỷ cũng biết: “Còn thần ô uế, hễ thấy Đức Giêsu, thì sấp mình dưới chân Người và kêu lên: “ông là Con Thiên Chúa!” (Mc 3,11).

Nhân cách chói sáng qua tình yêu thương, sự quan tâm của Ngài dành cho đám đông dân chúng. Hễ ai đến với Ngài cũng nhận được sự chia sẻ trong mọi cảnh huống của cuộc đời. Dù cho đó là những gánh nặng của bệnh tật, những dằn vặt của đam mê và cả những bóng đen của tội lỗi. Ngài không loại trừ bất cứ một ai mà dang rộng vòng tay để đón tiếp họ. Một sự quan tâm tế nhị chứ không phải ràng buộc. Những mối quan hệ tự do chứ không phải lệ thuộc. Đến với Ngài, con người cảm thấy niềm vui dâng trào lên phơi phới. Đến với Ngài, con người biết vươn đến tha nhân để phục vụ…

Là môn đệ của Ngài hôm nay tôi cũng được mời gọi rạng ngời Thiên tính của Thiên Chúa trong con người tôi. Dĩ nhiên tôi không có quyền năng chữa lành và sức mạnh xua trừ ma quỷ như Chúa Giêsu. Nhưng nhờ Chúa, tôi có thể xoa dịu nỗi đau của người khác và trong Chúa, tôi có thể xua đuổi bóng đêm tội lỗi ra khỏi con người tôi.

Là môn đệ của Ngài hôm nay tôi cũng được mời gọi chói sáng tình yêu thương, sự quan tâm chia sẻ cho những người xung quanh. Tuy nhiên, tình yêu thương, sự quan tâm chia sẻ không làm cho người khác bị ràng buộc, mất tự do, mà hoàn toàn để cho họ lớn lên và vươn đến với những người khác. Tôi chỉ là nhịp cầu yêu thương để chuyên chở và trao gởi tình yêu thương. Tôi không là bến đậu của tình yêu để giữ những người tôi thương mến.

Lạy Chúa xin cho con biết gắn bó với Chúa để Thiên tính của Ngài được tỏa rạng nơi bản thân con. Xin cho con biết yêu thương người khác để làm rạng ngời nhân cách nơi bản thân con. Xin cho con biết sống vui tươi hài hòa với hết mọi người. Xin đừng để tình yêu thương nơi con ràng buộc người khác, mà để nó như ngọn gió bay khắp muôn phương làm mát dịu lòng người.

Trang: 1- Thứ Hai 2- Thứ Ba 3- Thứ Tư 4- Thứ Năm 5 – Thứ Sáu 6- Thứ Bảy

Chia sẻ Bài này:

facebookShare Email Email Print Bài này Print Bài này